Nếu tự ý test nhanh Covid-19 tại nhà, người dân có thể đánh mất một số quyền lợi quan trọng

Việc tự ý test Covid-19 tại nhà mà không có sự giám sát của nhân viên y tế sẽ chỉ giúp người nghi nhiễm tự kiểm tra được xem mình đã chính thức “dương tính” hay chưa. Tuy nhiên, việc tự ý test Covid-19 tại nhà lại khiến người nghi nhiễm mất đi một số quyền lợi.

2 lưu ý khi tự test nhanh Covid-19 tại nhà

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn 11011/BYT-KCB, test phải đáp ứng các điều kiện sau mới được công nhận:

- Dùng bộ kit test do Bộ Y tế cấp phép.

- Do nhân viên y tế thực hiện, hoặc người nghi nhiễm tự thực hiện nhưng phải dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp, gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Như vậy, cần đặc biệt lưu ý, khi test nhanh Covid-19 tại nhà, bạn phải tự mua bộ kit nằm trong danh mục 16 bộ kit được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và trong quá trình tự thực hiện test tại nhà, bạn phải gọi "video call" cho nhân viên y tế thuộc Trạm y tế của địa phương để được xác nhận.

Nếu không đáp ứng được 2 yêu cầu này, bạn buộc phải đến Trạm y tế để nhân viên y tế trực tiếp test hoặc bạn phải có Giấy báo kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real - time RT-PCR.

Nếu tự ý test nhanh Covid-19 tại nhà, người dân có thể đánh mất một số quyền lợi quan trọng-1
Ảnh minh hoạ

Mất quyền lợi gì nếu tự ý test Covid-19 tại nhà

Việc tự ý test Covid-19 tại nhà mà không có sự giám sát của nhân viên y tế sẽ chỉ giúp người nghi nhiễm tự kiểm tra được xem mình "dương tính" hay "âm tính". Tuy nhiên, phương pháp này cũng không đem lại kết quả chính xác tuyệt đối do nhiều yếu tố (bộ kit test không đảm bảo chất lượng; không lấy mẫu đúng cách…)

Ngoài ra, việc tự ý test Covid-19 tại nhà còn khiến người nghi nhiễm mất đi 2 quyền lợi sau:

1. Không được cấp chứng nhận nghỉ việc để hưởng BHXH

Căn cứ điều kiện các cơ sở y tế cấp Chứng nhận nghỉ việc để hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là F0 phải được cơ sở y tế địa phương xác nhận là đã nhiễm bệnh.

Trong trường hợp F0 chỉ tự test nhanh và thấy lên "hai vạch" rồi thông báo lại cho Trạm y tế thì chưa đủ căn cứ để xác nhận. Khi đó, F0 cần đến Trạm Y tế để test nhanh lại một lần nữa, hoặc phải tự test lại rồi gọi "video call" cho nhân viên y tế, hoặc đi test lại bằng phương pháp PCR.

Chính điều này đã dẫn đến thực tế những ngày qua ở Hà Nội, người dân phải ra phường xếp hàng test Covid-19 để được công nhận là F0.

2. Không được mua thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir

Ngày 17/2/2022, Cục Quản lý Dược đã ban hành Quyết định số 69/QĐ-QLD về việc cấp phép cho 3 loại thuốc chứa Molnupiravir được sản xuất trong nước, phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Điều kiện mua loại thuốc này được các nhà thuốc công bố là F0 phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính (RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên), hoặc có đơn thuốc của bác sĩ.

Như vậy, nếu F0 tự ý test tại nhà, thấy lên "hai vạch" và ra nhà thuốc mua thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir mà không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh thì đều không được mua. Trái lại, nếu như có xác nhận của cơ sở y tế về việc nhiễm Covid-19 (test nhanh hoặc test PCR) thì mới đáp ứng đủ điều kiện để mua loại thuốc này.

Theo Pháp luật & Bạn đọc


Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.