Người phát ngôn CA TPHCM: "Khi bị chửi cha mắng mẹ thì không còn biết mình là ai nữa"

"Khi bị chửi cha, mắng mẹ thì bắt đầu nổi nóng lên không còn biết mình là công an hay ai nữa...", đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho hay.

"Khi bị chửi cha, mắng mẹ thì bắt đầu nổi nóng lên không còn biết mình là công an hay ai nữa...", đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho hay.

"Chiến sĩ CAP sai hoàn toàn"

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang – Trưởng phòng Tham mưu Công an TP HCM, người phát ngôn của công an TP.HCM vừa có phát biểu liên quan đến sự việc "Công an nắm tóc, người bán hàng rong ở Sài Gòn chảy máu bê bết".

Khi bị chửi cha, mắng mẹ thì công an cũng nổi nóng - Ảnh 1.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang – Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, người phát ngôn công an TP.HCM.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho hay, trong vụ việc chiến sĩ công an nắm tóc người bán hàng rong ở trên phố Sài Gòn, chiến sĩ công an đã có những vi phạm, sai hoàn toàn khi có những hành vi như vậy.

Theo ông Quang, lực lượng công an giữ gìn an ninh trật tự xã hội ở địa phương thường xuyên liên quan đến công việc cưỡng chế, đây cũng là thách thức với lực lượng này.

"Thách thức ở đây là giữa cái làm đúng và những vi phạm như làm lố, làm quá... thì mong manh lắm. Trong xã hội chúng ta hiện nay, ý thức của người dân về thượng tôn pháp luật còn hạn chế, có hoạt động chống người thi hành công vụ, khiêu khích, không tôn trọng người đang thi hành công vụ.

Do đó, dẫn tới việc những người thi hành công vụ nếu không có biết kìm chế, nếu không thực hiện đúng, không xử lý tốt thì cũng sai luôn... Ở đây, chiến sĩ công an phường sai rồi. Nếu người dân trong trường hợp này, họ không có gì thì tôi nghĩ, sự việc không đến nỗi...

Nhưng trong trường hợp này, chiến sĩ công an phường quá bức xúc. Giống như mọi người, nói chuyện với nhau bình thường thì không sao nhưng khi chửi cha, mắng mẹ thì bắt đầu nổi nóng lên, không còn biết mình là công an hay ai nữa. Mất bình tĩnh nên mới dẫn tới tình trạng như trên", ông Quang khẳng định.

Cũng theo ông Quang, những chiến sĩ mặc đồ cảnh sát, tức là đại diện cho người thực thi pháp luật thì mọi người phải tôn trọng, người dân phải thượng tôn pháp luật khi có những vấn đề liên quan đến cưỡng chế.

Tuy nhiên, theo ông Quang, dù người dân có vi phạm đến đâu, người chiến sĩ CAND mà hành động như vậy là không đúng.

"Sau khi sự việc xảy ra, Ban giám đốc Công an TP đã chỉ đạo Công an Q.3 tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ vi phạm để tiếp tục có hướng xử lý", ông Quang khẳng định.

Những người thực thi công vụ rất cần "cái đầu lạnh" để bình tĩnh, ứng xử chừng mực.

Ở một diễn biến khác, trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc công ty luật Đức Chánh cho hay, vụ việc "công an nắm tóc, người bán hàng rong ở Sài Gòn chảy máu bê bết" sẽ được xử lý theo Điều 42 Luật Công an Nhân dân 2014.

Theo đó, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khoẻ, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Khi bị chửi cha, mắng mẹ thì công an cũng nổi nóng - Ảnh 3.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc công ty luật Đức Chánh.

Luật sư Chánh cũng cho rằng, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Theo tôi, việc xử lý mạnh tay với những người có hành vi buôn bán lấn chiếm lòng lề đường là đúng, nhất là để đảm bảo trật tự, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Tuy nhiên, xử lý ở đây có nhiều cách và những người thực thi công vụ rất cần "cái đầu lạnh" để bình tĩnh, ứng xử chừng mực. Vì họ đại diện cho công quyền nên nếu làm không đúng sẽ gây ra những phản cảm, làm giảm sút niềm tin của người dân vào bộ máy nhà nước", luật sư Chánh nhấn mạnh.

Điều 42 trong Luật Công An Nhân Dân 2014 về xử lý vi phạm

1. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, công nhân công an vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khoẻ, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân không được sử dụng Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu khi bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam; nếu bị phạt tù thì đương nhiên bị tước Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu khi bản án có hiệu lực pháp luật.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối, cản trở hoạt động của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân trong thi hành công vụ thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật.


Theo Trí Thức Trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.