Lượng lớn nước giải khát “nhiễm chì”… bán hết.
Được biết, hơn 1184 thùng nước C2, Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép cần được tiêu hủy ngày 31/05. Nhưng thực tế, số nước thuộc 2 lô trà xanh hương chanh C2 và 3 lô nước tăng lực Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng, tương ứng với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng đã không thể thu hồi do… bán hết.
Nếu như một chai nước C2 và Rồng Đỏ bán ngoài thị trường với giá 5 nghìn/ chai. Như vậy, ước tính với số tiền hơn 3,8 tỷ thì có ít nhất 780 nghìn chai nước đã được bán ra thị trường. Hiện tại, không thể xác định được số nước giải khát C2, Rồng Đỏ “độc hại” đó vẫn còn trôi nổi ngoài thị trường hay đã được người tiêu dùng sử dụng?
TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Quy định hàm lượng chì cho phép trong nước là 0,05mg/lít, thì người sử dụng sẽ không bị ngộ độc chì, lượng chì có thể được thải ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu, mồ hôi. Nhưng đã vượt ngưỡng cho phép thậm chí từ 4 đến 9 lần thì đương nhiên gây hại cho sức khoẻ, nhất là đối với trẻ em.
Trong khi đó, kết quả kiểm nghiệm do cơ quan chức năng tiến hành đối với một số mẫu nước giải khát mang nhãn hiệu C2, Rồng đỏ của Cty TNHH URC Hà Nội, đã xác định có hàm lượng Chì vượt ngưỡng cho phép.
Cụ thể: Trà xanh hương chanh C2, ngày sản xuất 4/2/2016, HSD 4/2/2017, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là: 0,085 mg/L, so với mức công bố quy định nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/l. Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, ngày sản xuất 19/ 2/2016, HSD 19/11/2016, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là: 0,053 mg/l, so với mức công bố quy định nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/l. Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ ngày sản xuất 10/11/2015, HSD 10/08/2016, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là 0,068 mg/l, so với mức công bố quy định nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/l.
“Việc để lọt các sản phẩm có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép là vô cùng độc ác đối với thế hệ trẻ. Mức độ ngộ độc đến đâu thì còn tuỳ thuộc vào số lượng nước có Chì vượt ngưỡng uống vào cơ thể, và tuỳ thuộc vào chức năng thận của mỗi người. Nếu thận tốt thì việc đào thải chì tốt, còn nếu đào thải không tốt, chì sẽ đọng trong cơ thể, ngấm vào máu, vào xương và gây ngộ độc.” – TS Duệ nhận định.
Người tiêu dùng nên đi khám bệnh.
Theo PGS-TS Trần Hồng Côn - chuyên gia về hóa học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng cảnh báo, Chì rất độc hại với cơ thể. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn là Chì dần dần tích tụ trong cơ thể người, rất khó nhận biết, đến khi có các dấu hiệu thì đã ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, đặc biệt với trẻ em. Do đó, rất nguy hại nếu uống phải nước ngọt có hàm lượng Chì vượt ngưỡng cho phép. Vượt ngưỡng có nghĩa sẽ gây độc hại với cơ thể người, tuy nhiên, độc hại đến đâu phải qua thăm khám, kiểm tra mới biết rõ.
Trao đổi với PV về sự việc này, PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN bày tỏ: Hành vi vi phạm của Cty TNHH URC Hà Nội, trong việc sản xuất và bán các lô nước giải khát nhiễm Chì vượt ngưỡng cho phép là không thể chấp nhận được. Nên cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt số tiền hơn 5, 8 tỷ đồng, nhưng ở góc độ người tiêu dùng hành vi vi phạm của Cty này nghiêm trọng như vậy, thì rất xứng đáng bị người tiêu dùng… quay lưng lại, thậm chí tẩy chay tất cả những sản phẩm của doanh nghiệp vi phạm.
“Do phần lớn lô sản phẩm nước giải khát C2, Rồng đỏ nhiễm Chì vượt ngưỡng cho phép đã được tiêu thụ “trót lọt” ngoài thị trường – doanh nghiệp vi phạm nói rằng không thể thu hồi. Thế nên vì quyền lợi và sức khỏe của mình, những trường hợp người tiêu dùng đã sử dụng nhiều các loại nước giải khát này, cần chủ động đi đến các cơ sở y tế kiểm tra, thăm khám để có hướng xử lý kịp thời trước khi quá muộn, đặc biệt đối với các trường hợp người tiêu dùng là trẻ em – vì hàm lượng chì tích tụ trong cơ thể là rất nguy hiểm” – PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh nói.
Theo PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, ở góc độ an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng các sản phẩm nước giải khát công nghiệp, vì lẽ tốn kém tiền của, không có giá trị dinh dưỡng, mà sử dụng nhiều còn gây hại cho cơ thể. Tốt nhất là chỉ nên pha chế các loại nước trái cây, cam, chanh, ổi, dưa hấu… là những sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe.
PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN |
Trao đổi với PV về sự việc này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nguyên phó ban An toàn Thực phẩm thành phố Hà Nội cho biết, có thể thấy rằng, sự cố nước giải khát “nhiễm chì” được tung ra thị trường chính là bài học trong việc quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng cần phải kiểm tra chất lượng sản phẩm thực phẩm trước khi lưu hành mới có thể ngăn chặn hành vi sản xuất thực phẩm bẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.