Nhà 5 người sống bên lùm cây, đêm đêm rắn rết chui vào ngủ cùng

Cuộc sống nơi nhếch nhác không điện, không nước, không nhà vệ sinh, ngày qua ngày, gia đình anh phải chạy đi xin nước để sinh hoạt.

Nơi cuối con đường Nguyễn Phúc Lan thuộc phường Kim Long (TP. Huế), một gia đình dựng lều với không gian như mui thuyền cho 5 con người sinh sống lay lắt với những tháng ngày không điện, nước.

Đó là hộ gia đình anh Dương Văn Vui (SN 1976) và chị Trần Thị Phước (SN 1978) trú tại tổ 22, khu vực 7, phường Kim Long, TP. Huế. Điều đáng nói, vì hoàn cảnh khó khăn nên những đứa con của anh chị phải lần lượt rời bỏ ghế nhà trường khi chưa hết trình độ “phổ cập văn hóa”.

Kể nguyên do gia đình trú ngụ nơi này, anh Vui cho biết, sau khi phá bỏ mui đò, nơi sinh sống cũng là cái “cần câu cơm” của gia đình vào năm 2011 theo chủ trương của ủy ban TP. Huế “đưa cư dân vạn đò lên bờ sinh sống”, gia đình anh không được bố trí đất ở nên phải dựng cái lều sống tạm bên ngôi trường mầm non gần ủy ban phường Kim Long sinh sống.

Thấy cuộc sống nhếch nhác của gia đình anh gây mất mỹ quan, ông Nguyễn Kề, tổ trưởng tổ 22 (khu vực 7, phường Kim Long) đã đưa gia đình anh lên chỗ này trú ngụ tạm.

Gia đình anh Vui bên “mui đò” chưa đầy 10m2.

“Trước khi dời đò để lên bờ thì chính quyền địa phương nói sẽ cấp đất cho, nhưng đến giờ gia đình tui đang phải sống chui lủi nơi lùm ven này trong cảnh nhếch nhác đã hơn 4 năm trời”, anh Vui nghẹn ngào cho biết

Theo anh Vui, trước kia đây là một vùng đất thấp trũng, bị cỏ cây và lùm tre bao phủ, gia đình anh phải huy động anh em phát quang, chở đất đổ lên cho bằng phẳng rồi dựng lều bằng mui đò để sinh sống.

Chị Phước - vợ anh Vui giàn giụa nước mắt: “Khổ quá mấy anh ơi! Hơn 4 năm không có điện và nước, nơi đi vệ sinh cũng không có luôn. Hàng ngày tui phải lặn lội cách đây 500m để đi sang nhà ngoại mang từng thùng nước về cho gia đình sinh hoạt”.

Cũng chính vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các con anh Vui chị Phước từ lớn đến bé đã lần lượt rời bỏ ghế nhà trường khi chưa hết cái “phổ cập văn hóa” rồi cũng tạm biệt quê hương vào miền Nam làm ăn sinh sống. Hiện anh chị còn đứa con trai út 5 tuổi đang theo học trường mầm non tại địa phương nhưng hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên con đường phía trước để theo “cái chữ” của cháu cũng không mấy sáng sủa.

Nhìn đứa con trai út của mình ngồi cạnh thẫn thờ, chị Phước xót thương cho mấy đứa con: “Hai anh chị nó học giỏi lắm mấy anh à! Nhưng thấy hoàn cảnh gia đình khổ quá chúng nó đã quyết định bỏ học rồi vào miền Nam làm thuê. Còn đứa nhỏ này nữa thì vợ chồng tui cũng cố gắng để cho cháu đi học thế đã, mình sao cũng được nhưng thấy tội cho con cái, ở đây điện đóm không có lại nhiều muỗi cháu không ngủ được và bị ốm suốt nên buổi đêm tui phải mang cháu sang nhà ngoại gửi”.

Không gian sinh hoạt gia đình anh Vui dưới lùm tre bao phủ.

Cũng theo chị Phước, nơi trú ngụ của gia đình chị cứ đêm xuống rắn, rết,… bò vào, chồng chị và đứa con trai nhỏ bị chúng cắn đã nhiều lần phải đi nhập viện.

Sau phá bỏ cái “cần câu cơm” và đưa gia đình lên bờ sinh sống, chẳng biết làm nghề gì để nuôi sống gia đình, anh, chị đành phải đi vay mượn tiền sắm con ghe nhỏ rồi đêm ngày đánh cá trên sông Hương, ngày nào mà may mắn thì chỉ khoảng 30-50 ngàn đồng, gia đình bữa đói bữa no qua ngày.

Cuộc sống nơi nhếch nhác không điện, không nước, không nhà vệ sinh, ngày qua ngày, gia đình anh phải chạy đi xin nước để sinh hoạt. Tối đến, cả gia đình co cụm lại trong cái lều chưa đầy 10m2, cuộc sống cứ như thế trôi đi qua ngày.

“Gia đình sống hơn 4 năm nay mà chưa có cái nhà vệ sinh, vừa qua tui làm liều vay mượn mua ít vật liệu về dựng lên cái hồ tiêu để gia đình sinh hoạt song bị cán bộ phường về lập biên bản rồi đình chỉ và giờ tui cũng không dám xây dựng nữa. Nghĩ đến con cái chứ nhiều khi vợ chồng tui muốn nhảy sông cái cho xong chứ sống mà khổ cực quá!”, anh Vui ngẹn ngào.

Ông Hoàng Xuân Tiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Kim Long cho biết: “Hộ gia đình ông Dương Thiết (bố anh Dương Văn Vui) đã được nhà nước cấp 3 lần đất nhưng ông Thiết lại không cấp cho anh Dương Văn Vui. Còn nơi mà gia đình anh Vui đang sinh sống là đất của người khác nên không được phép xây dựng công trình ở nơi đó. Vẫn biết đây là trường hợp đặc biệt khó khăn nên địa phương tôi cũng đã gửi đơn lên cấp trên để xem xét, đồng thời, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho hộ gia đình này có những ưu tiên trong các chính sách”.

Đến bao giờ mà gia đình anh Vui chị Phước thoát khỏi cảnh điêu đứng này, cần lắm sự quan tâm của các vòng tay nhân ái cũng như cơ quan chức năng để gia đình anh, chị có cuộc sống sum họp khi tết cái Nguyên Đán đang cận kề.

Theo Phununews



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.