Nỗi ám ảnh mang tên Khánh “trắng”

Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, ở Hà Nội tồn tại một băng tội phạm khét tiếng, gây nhiều tội ác. Cầm đầu băng tội phạm này là Dương Văn Khánh, SN 1956, biệt danh Khánh “trắng”.

Dưới vỏ bọc ông chủ nghiệp đoàn bốc xếp chợ Đồng Xuân, liên tục từ năm 1991 đến tháng 5-1996, Khánh “trắng” và đàn em đã gây ra nhiều vụ giết người, hiếp dâm, cướp, trốn thuế... Phần lớn các vụ này, Khánh “trắng” giữ vai trò chỉ đạo, đồng thời là kẻ thực hiện tội phạm một cách tích cực nhất. Khánh “trắng” dùng tiền để tạo mối quan hệ khá thân với một số đơn vị, cá nhân để hợp pháp hóa tội ác của mình.

Ngày 13-10-1998, bản án tử hình Dương Văn Khánh đã được thi hành tại trường bắn Cầu Ngà. Đã hơn mười năm kể từ ngày “tập đoàn” tội phạm này bị xóa sổ nhưng tính thời sự của vụ án vẫn còn nguyên.

Kỳ 1: Một "tập đoàn" có... thương hiệu

Đồng Xuân - chợ đầu mối sầm uất nhất Hà Nội, nơi nuôi sống hàng ngàn tiểu thương.Việc buôn bán đang suôn sẻ thì Khánh “trắng” cùng đám đàn em xuất hiện. Kể từ đó, tiểu thương bị chèn ép đủ bề, họ không được phép vận chuyển chính hàng của mình vào chợ mà phải thuê quân của Khánh “trắng” với giá trên trời.

Ai muốn bán hàng phải làm đơn “xin phép” Khánh. Ngang ngược hơn, Khánh còn cho đám đàn em bắt, thu tiền phạt của những ai vi phạm Nghị định 36CP của Chính phủ!

Làm trùm một cõi

Bố của Khánh có ba bà vợ, mẹ Khánh cũng có ba ông chồng. Vì vậy anh em nhà Khánh mang ba dòng họ khác nhau. Theo tự khai của Khánh thì bên họ Dương – Khánh có 11 anh chị em cùng bố khác mẹ, Khánh là con út. Anh em cùng mẹ khác cha thì Khánh có tám anh em, y là con đầu. Anh em cùng bố với Khánh đều là những trí thức, làm ăn tử tế. Khi bố Khánh còn sống, dòng họ Dương không thừa nhận y là con trong gia đình.

Từ nhỏ, Khánh sống với mẹ và các em cùng mẹ khác cha tại 26B Kim Mã, gia đình khó khăn, thường xuyên phải nhận trợ cấp của nhà nước. Khánh có bốn anh em trai cùng mẹ thì ba trong số đó nhiều lần bị bắt, tập trung cải tạo về các tội trộm cắp, cố ý gây thương tích... Khánh học hết lớp 5 thì bỏ học, năm 1975 đi làm công nhân Nhà máy Cao su Sao Vàng được tám tháng thì bỏ việc. Cái tên Khánh “trắng” đơn giản chỉ bắt nguồn từ nước da quanh năm suốt tháng trắng bủng của y và sau này, trong giới giang hồ, cái tên ấy đi kèm với một loạt những tội ác mà bất cứ người dân lương thiện nào cũng khiếp sợ. Giang hồ đất Bắc mỗi lần nhắc đến Khánh “trắng” đều ngán ngại.

Sau nhiều lần ra tù vào khám với năm tiền án, tiền sự, đến năm 1989, Khánh mua xe xích lô ra gầm cầu Long Biên chở hàng thuê. Không chỉ liều mạng, đám giang hồ Hà Nội lúc ấy còn biết đến Khánh “trắng” như một tay dao búa thông minh, có tài chỉ huy và đầy tham vọng. Khánh chiêu nạp được một đám đàn em “mặt đầy tiền án, trán đầy tiền sự” như Sơn “lùn”, Đức “chính ủy”, Thành “xăm”, Triệu “con”; Nguyễn Quang Vinh... Ngày 17-7-1991, Khánh làm đơn xin thành lập đội dịch vụ bốc xếp tự quản, số thành viên ban đầu là 140 người, với 50 chiếc xích lô.

Ban đầu, đội dịch vụ bốc xếp này làm ăn khá tử tế, đã từng có ý kiến của lãnh đạo chính quyền sở tại khi ấy rằng, cần phải nhân rộng mô hình tự quản này. Số người xin gia nhập tổ tự quản ngày càng tăng. Đến khi thấy chợ Đồng Xuân vẫn là mảnh đất quá bé để làm ăn, Khánh tìm cách mở rộng ảnh hưởng ra khu vực chợ Bắc Qua và các khu vực khác.

Với bản chất lưu manh, lại nắm trong tay khá đông thành phần bất hảo nên tiếng tăm của băng nhóm Khánh “trắng” nổi như cồn, làm cho các băng nhóm khác trên địa bàn Hà Nội, thậm chí ở Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh cũng phải e dè, kiêng mặt. Đến năm 1996, Dương Văn Khánh chính thức trở thành Chủ tịch nghiệp đoàn bốc xếp chợ Đồng Xuân.

Khi ấy quân số của nghiệp đoàn bốc xếp đã lên khoảng 500 người. Tiểu thương chợ Đồng Xuân và các chợ lân cận thường thấy hình ảnh một ông chủ tịch nghiệp đoàn bốc xếp đi xe jeep cùng với vài tên vệ sĩ mặt mày bặm trợn lượn vè vè quanh khu vực chợ Đồng Xuân để thị sát. Khánh “trắng” còn tự ý phạt ôtô đi ngược chiều, phạt những người lấn chiếm lòng, lề đường, thu lệ phí của những người ở tỉnh xa ra vào khu vực chợ Đồng Xuân, Long Biên.

Khánh cũng đưa ra luật: không ai được phép bốc dỡ hàng hóa của mình, bất kể khối lượng lớn hay bé. Toàn bộ số tiền thu được, đàn em cũng đều phải nộp lại cho y. Hằng ngày, ngoài tổ trưởng, tổ phó (hầu hết là đám giang hồ cộm cán) phải làm báo cáo cho Khánh thì các “tay trong” do Khánh cài cắm cũng gửi báo cáo bí mật cho y.

Tiểu thương nào không chịu cho quân của Khánh “trắng” bốc hàng, y như rằng bị đám tay chân của hắn cà khịa, hành hung. Chính Khánh “trắng” sau này đã thừa nhận, đội quân của mình “vác” thì ít mà “bốc” thì nhiều. Vừa vác hàng chúng vừa tổ chức lấy cắp, thậm chí cướp ngay trước mặt chủ hàng mà không ai dám ho he.

Những năm đó, tiểu thương chợ Đồng Xuân bị băng nhóm của hắn o ép đủ đường, ai muốn làm ăn yên ổn thì phải ngoan ngoãn tạo điều kiện cho chúng “làm việc”. Anh Tân ở phố Hàng Cót, có vợ bán hàng ở chợ Đồng Xuân. Một hôm hàng về, anh Tân tự bốc dỡ giúp vợ. Không ngờ đàn em của Khánh “trắng” ra đòi vợ anh phải thuê chúng bốc vác. Anh Tân không đồng ý nên xảy ra cãi vã. Sáng hôm sau, có kẻ lạ mặt đến trước nhà gọi anh ra. Khi anh vừa xuất hiện trước cửa thì bị kẻ lạ mặt đâm chết. Kẻ thủ ác đã không được tìm ra nhưng sau vụ ấy, bà con tiểu thương xanh mặt khi thấy đội quân của Khánh xuất hiện đòi bốc vác thuê. Không ai bảo ai, họ nem nép bỏ tiền ra thuê bốc vác, dù trong lòng căm hận Khánh “trắng” và đám đàn em của hắn đến tận cùng.

Tiếng tăm Khánh “trắng” được bà con truyền tai nhau kiểu như: Khánh quan hệ với nhiều quan chức, xe lam của Khánh chở hàng được CSGT cho tha hồ chạy, nếu chẳng may bị tuýt còi thì chỉ cần nói “hàng của anh Khánh” là lại ung dung đi tiếp.

Có lần công an vây bắt đàn em trong một vụ gây rối, Khánh điềm nhiên nói: “Tao cho chúng mày về vườn hết!”. Điều đó cũng lý giải vì sao cho tới khi được Công an TP. Hà Nội và đơn vị Chống tội phạm có tổ chức mời tới trụ sở để cung cấp thông tin cũng như tố cáo hành vi phạm tội của băng Khánh “trắng”, nhiều nạn nhân vẫn lắc đầu quầy quậy.

Họ sợ bị trả thù, và còn có một nỗi lo sợ mơ hồ rằng: “Công an không làm gì nổi Khánh “trắng””. Công an đã “gãy lưỡi” thuyết phục, có nạn nhân mới mạnh dạn bày tỏ: “Băng Khánh “trắng” không khác gì các băng đảng mafia ở nước ngoài. Chúng tổ chức cướp hàng mấy tiếng đồng hồ giữa ban ngày ngay gần trụ sở chính quyền mà có sao đâu”. Cho đến khi xảy ra vụ hắn giết chết anh Đạt, Khánh “trắng” vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì hắn đã khẳng định được “thương hiệu” của mình tại chợ Đồng Xuân.

Cũng từ đó, hắn thẳng tay bóc lột mọi người. Các hàng quán từ lớn tới bé đều phải nộp tiền bảo kê hàng ngày cho hắn. Khánh và đàn em thích vay của ai bao nhiêu, trả khi nào, cho bao nhiêu lãi, là quyền của hắn. Tiểu thương nào không chịu, lập tức bị quấy phá. Thỉnh thoảng Khánh còn bày trò sắp xếp lại chỗ ngồi, ai muốn có chỗ tốt hơn thì phải chi tiền. Theo tính toán sơ sơ thì từ năm 1993 cho tới khi bị bắt, mỗi tháng Khánh thu không dưới 100 triệu đồng cho riêng mình.

Vào vòng ngắm

Chuyên án triệt phá băng xã hội đen Khánh “trắng” không phải được bắt đầu từ ngày 25-6-1996, ngày hắn tổ chức cướp ở nhà hàng, khách sạn 71D-E Kim Mã, do anh Vũ Thanh Mạnh làm chủ, mà trước đó, từ năm 1992, băng nhóm tội phạm này đã nằm trong vòng ngắm của đơn vị Chống tội phạm có tổ chức thuộc Cục CSHS - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Công an Hà Nội. Ngày ấy, Đội Đặc nhiệm thuộc Phòng CSHS, Công an Hà Nội đã thu thập khá đầy đủ tài liệu về Khánh “trắng”. Cục CSHS đã tung những trinh sát dày dạn kinh nghiệm để nghiên cứu những vụ việc có liên quan đến Khánh.

Để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã gặp đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, nguyên Phó trưởng phòng 3, Cục CSHS - Bộ Công an, một người gắn liền với những chuyên án lớn như triệt phá băng tội phạm Phạm Chí Tin ở Khánh Hòa, bắt Năm Cam năm 1995... Chuyện bắt Năm Cam của đại tá Ngọc vẫn được nhiều người nhắc đến như một kinh điển trong việc bắt tội phạm truy nã.

Năm 1995, cơ quan Công an quyết định bắt Nam Cam đưa đi cải tạo lao động. Thấy động, Năm Cam chuồn êm khiến công an mất rất nhiều công sức mà không lần ra nơi Năm Cam ẩn náu. Dước mác “đặc phái viên của Chính phủ”, anh Ngọc lang thang khắp các chốn ăn chơi để “móc nối” với đám đàn em của Năm Cam.

Thấy ông công an ăn nói bất cần đời, ăn mặc bụi bặm, đàn em Năm Cam đoán ông này chắc là mất chất, có thể mua được. Anh Ngọc giả bộ chơi bài ngửa: “Chúng mày muốn cứu anh Năm thì đưa đến gặp tao”. Ngay ngày hôm sau, đám đàn em đưa Năm Cam đến khách sạn đối diện với trụ sở cơ quan CSĐT, Bộ Công an ở TPHCM để gặp “đặc phái viên của Chính phủ”.

Nhìn tấm ảnh chân dung Năm Cam đã ố, không thể nhận diện một cách chính xác, đại tá Ngọc nghĩ ra một kế và nói: Chú Cam có nhiều tội lắm, bây giờ cứ viết một bản tường trình để tôi xem có cách nào cứu được không. Thế là Năm Cam viết tường trình ngay. Trong bản tường trình, Năm Cam lại quên không khai tên một cô con gái. Để cho chắc đó chính là Năm Cam, đại tá Ngọc hỏi: “Sao lại khai thiếu thế này?”. Năm Cam đọc lại và xác nhận: “Đúng là còn đứa nữa mà em quên”. Vậy là đúng Năm Cam rồi, đại tá Ngọc bảo mấy tên đàn em Năm Cam: về chuẩn bị tiệc rượu trước đi, cả đám răm rắp làm theo. Chỉ còn hai người trong phòng, đại tá Ngọc mới đưa cho Năm Cam chiếc còng số tám và bảo: “Chú gây nhiều tội, hôm nay anh phải bắt chú, tự khóa tay vào đi!”.

Sau khi bắt Năm Cam, đại tá Ngọc trở ra Hà Nội cùng đồng đội triển khai kế hoạch phá băng Khánh “trắng”. Khi ấy, tin tức mà lực lượng Công an nắm được liên quan đến Khánh “trắng” và tập đoàn tội ác của hắn thông qua ba nguồn chính: một là, bà con tiểu thương ở chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, Long Biên và các vùng lân cận rất sợ Khánh “trắng”; hai là, một số cán bộ, viên chức Nhà nước có việc liên quan cần giải quyết cũng e dè băng tội phạm này; ba là, một vài vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu liên quan tới Khánh “trắng” đã bị chìm xuồng.

Cần phải dựng một cách rõ nét nhất bộ mặt thật của Khánh “trắng” và đàn em để tìm ra điểm nút phá án. Thực tế, tầm của Khánh “trắng” không bằng Năm Cam, nhưng Khánh nguy hiểm hơn ở chỗ, lợi dụng cơ chế chính sách để phạm tội gần như công khai.

Trên mười hồ sơ vụ án có liên quan đến băng xã hội đen do Dương Văn Khánh cầm đầu đã được đặt lên bàn làm việc của những đồng chí lãnh đạo trong lực lượng công an. Điển hình như vụ giết chết anh Đạt ở Hàng Chiếu; vụ Dương Tử Anh (người tình của Phúc “bồ”) bị đâm mù một mắt ở chợ Long Biên; vụ hiếp dâm ở nhà nghỉ Hiệp Thành (Gia Lâm); vụ đưa 30 đầu gấu vào TP. Hồ Chí Minh để gây thanh thế với băng Trương Văn Cam và hàng loạt vụ bắn giết khác trên địa bàn Hà Nội. Với quyết tâm của lực lượng công an, giờ phút trả giá của Khánh “trắng” và đồng bọn đang đến thật gần.

(Còn nữa)

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.