Nỗi đau phía sau vụ tai nạn khiến thai nhi văng khỏi bụng mẹ

Bé Huyền (5 tuổi, con gái chị Ngọc) còn quá nhỏ để có thể thấu hiểu nỗi đau mất mẹ nhưng vẫn không quên gặng hỏi bà ngoại: “Mẹ đi núi chừng nào mới về, sao lâu về quá ngoại?”.

Bé Huyền (5 tuổi, con gái chị Ngọc) còn quá nhỏ để có thể thấu hiểu nỗi đau mất mẹ nhưng vẫn không quên gặng hỏi bà ngoại: “Mẹ đi núi chừng nào mới về, sao lâu về quá ngoại?”.

Vụ tai nạn thương tâm làm một sản phụ chết thảm trên đường đi sinh con vẫn âm ỉ và nhức nhối trong dư luận… Nhức nhối vì một nỗi đau xé lòng lẽ ra không đáng có… 
Hài nhi bé bỏng sinh ra trong tai nạn thương tâm của cha mẹ
Sáng 25/10, anh Nguyễn Văn Nam chở vợ là Nguyễn Thị Kim Ngọc (27 tuổi) bằng xe gắn máy đến bệnh viện để sinh con. Khi  đang lưu thông trên quốc lộ 91, thuộc khóm Trung An, phường Mỹ Thới, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang thì bị xe trộn bê tông do tài xế Đỗ Công Vũ điều khiển chạy cùng chiều đâm từ sau tới. 

Cháu bé sơ sinh gặp nạn.
Cháu bé sơ sinh gặp nạn.

Tai nạn làm chị Ngọc chết tại chỗ, anh Nam bị nát một bàn chân phải còn thai nhi trong bụng chị Ngọc bị ép ra ngoài và bị đứt lìa chân phải. 

Nhiều người chạy xe ngang qua nhìn thấy, nhưng trước cảnh tượng khủng khiếp quá, không đủ can đảm dừng lại cứu giúp.

“Tôi chạy xe ngang qua thấy khủng khiếp quá, không dám nhìn nhưng hình ảnh đứa bé (thai nhi) nằm giãy giụa, khóc oa oa trên mặt lộ khiến tôi phải nhanh chóng nhảy xuống bế bé, quấn dây nhau vòng quanh bụng bé và cầm theo một chân phải của bé bị đứt lìa đưa ngay đi bệnh viện cách đó khoảng 100m” – anh Phan Trọng Hải, người trực tiếp bế thai nhi đến bệnh viện xót xa kể lại. 

Bé sơ sinh và anh Nam sau khi cấp cứu ở An Giang đã lần lượt chuyển lên TP. HCM để điều trị. Bé sơ sinh hiện đang được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và thông tin mới nhất bé đã dần hồi phục không còn thở bằng máy.  Còn anh Nam đang được cứu chữa tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Do vết thương quá nặng để giữ tính mạng cháu bé, buộc lòng các bác sĩ phải tháo khớp gối chân phải của bé và bé có dấu hiệu bị dập tim; anh Nam đang dần phục hồi nhưng cũng phải cắt bỏ một phần ba chân phải.

“Sao mẹ đi núi lâu về quá” (?!)

Chúng tôi tìm đến nhà của vợ chồng Nam – Ngọc ở xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn (An Giang), cách trung tâm tỉnh khoảng trên dưới 12 km. Cả nhà từ cha mẹ, anh chị em của anh Nam – chị Ngọc ai cũng đau đáu ngóng chờ điện thoại, tin báo về diễn biến, tình hình của cha con anh Nam đang nằm viện ở TP.HCM.  

"Nó cứ khóc hỏi mẹ đâu, mấy dì chỉ biết nói là mẹ nó đi núi, như mấy lần trước. Nó lại hỏi gặng sau lâu về quá vậy” - bà Thái Thanh Nga, mẹ ruột chị Ngọc kể.

Trước mất mát quá đớn đau, nhiều người trong và ngoài tỉnh trực tiếp đến thăm hỏi và giúp tiền cho gia đình anh Nam, chị Ngọc. Bên cạnh nỗi đau lớn của gia đình là niềm an ủi rất lớn của nhiều tấm lòng hảo tâm ở khắp nơi đang gởi đến… 

“Tôi rất cảm ơn, nhưng mấy chú ơi, nỗi đau này biết bao giờ và biết làm sao bù đắp được...” – ông Nguyễn Văn Khoảnh, cha ruột chị Ngọc nghẹn ngào.  

Đáng thương nhất bây giờ là bé Huyền con của vợ chồng anh Nam, chị Ngọc. Bé vẫn vui chơi như không hề có chuyện gì xảy ra, nhiều khi trả lời gọn lỏn “Mẹ chết rồi”, nhưng là cách nói theo người lớn chứ bé chưa hề ý thức mẹ chết là gì. 

Trong lúc chúng tôi trò chuyện cùng bà ngoại của bé, thỉnh thoảng bé Huyền lại trèo lên lan can, ôm cột nhà nhìn ra ngoài cổng hỏi ngoại: “Mẹ đi núi chừng nào về, sao lâu quá vậy”. 

Bé Huyền thẫn thờ ngồi “chờ mẹ về” tại nhà ở ấp Kinh Đào, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn.
Bé Huyền thẫn thờ ngồi “chờ mẹ về” tại nhà ở ấp Kinh Đào, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn.

Nghe đến đây, nhiều người lại không cầm được nước mắt. Bé Huyền lại quay sang “la” ngoại: “Thôi đi, bà ngoại khóc hoài”. Rồi Huyền lại chạy vào bàn hương án, nơi có di ảnh mẹ, bắt ghế ngay ngắn ngồi cạnh bên “chờ mẹ về”, mắt vẫn đau đáu nhìn ra hướng cổng trước nhà… 

“Nó cứ khóc hỏi mẹ đâu, mấy dì chỉ biết nói là mẹ nó đi núi, như mấy lần trước. Nó lại hỏi gặng sau lâu về quá vậy” – bà Thái Thanh Nga, mẹ ruột chị Ngọc lại rơi nước mắt. 

Ông Khoảnh thì kể: Trước hôm đi sinh, Ngọc còn gắng chằm được 20 cái nón lá, bán được gần 400.000 đồng, góp tiền để dành sinh con. 

“Nó (Ngọc) soạn đồ em bé kỹ lắm, biết lần này là con trai, vợ chồng nó mừng lắm, vì đứa đầu con gái. Nó đau bụng nhiều nên tôi bảo hai vợ chồng nó đi trước, rồi hai vợ chồng tôi cũng khăn gói chạy theo sau. Đang chuẩn bị đi thì nghe điện thoại báo là con gặp tai nạn, tôi điếng cả người… Ra tới nơi thì không thấy mặt con vì đắp chiếu lại rồi, kề bên nó còn nguyên giỏ đồ sanh cho con” – ông Khoảnh nghẹn lời. 

Thắt lòng người ở lại

“Tội nghiệp vợ chồng thằng Nam tụi nó hiền lắm, làm quần quật tối ngày, mấy công ruộng đâu thấm vào đâu. Tụi nó tiết kiệm lắm, mấy tháng nay chắc lo ky cóp tiền để đi sanh nên không thấy đến quán tui ăn uống gì” – bà Nguyễn Thị Hà, người hàng xóm gia đình chị Ngọc cho biết. 

Hiện trường xe trộn bê tông cán chết sản phụ Nguyễn Thị Kim Ngọc.
Hiện trường xe trộn bê tông cán chết sản phụ Nguyễn Thị Kim Ngọc.

Bà Nga cho biết thêm: Đứa con đầu lòng sanh ở trạm y tế xã gần nhà, nhưng khó sanh và đứa thứ hai này mấy cô trên trạm bảo là sanh khó nên vợ chồng nó không dám sanh ở xã. 

Anh Nam, quê ở Chợ Mới, vốn là một nông dân rất hiền lành và siêng năng nên được gia đình bên vợ “níu tay níu chân” thành ở rể luôn. Hơn nữa, chị em bên vợ anh Nam cũng toàn phụ nữ nên Nam là trụ cột, xem như là lao động chính trong đại gia đình có chục thành viên. 

Gia cảnh cũng thiếu trước hụt sau nên dù ở chung gia đình vợ nhưng cha vợ cũng chia cho vợ chồng Nam 3,5 công đất ruộng (3.500 m2). “Tôi cũng đã gần 60 rồi, nó (Nam) xem như là trụ cột trong nhà, bây giờ gia đình nó như thế này tôi cũng không hình dung nổi rồi mai mốt gia đình sẽ sống ra sao, rồi con cái, ruộng vườn…” – ông Khoảnh ngẹn ngào. 

Trước mặt nhiều người đến chia buồn động viên gia đình, ông Khoảnh đã trải lòng: “Thằng Nam bây giờ không còn lao động bình thường như trước nữa rồi. Vợ nó cũng mất rồi, nếu nó trở về bên cha mẹ ruột cũng khó lắm. Chị sui (mẹ ruột của Nam) cũng đã già, anh sui thì đã mất, tôi cũng lo lắm…”.

“Thật sự bây giờ tôi cũng bấn loạn tinh thần quá, lo tính là vậy, chứ tôi không bỏ thằng Nam đâu, dù là con rễ, nông dân mình sống nào giờ vị tình vị nghĩa. Hôm rồi chị sui có qua đây, tôi đã khẳng định là sẽ lo cho Nam và con nó, tôi bảo chị ấy cứ an tâm, tôi  trước sau như một, con rể cũng là con” – ông Khoảnh chia sẻ.

Trong mấy ngày qua, tại nhà anh Nam, nhiều đơn vị, cá nhân cũng đến chia sẻ sự mất mát với ông Khoảnh và hỗ trợ tiền để lo cho cha con anh Nam. 

Trong đó, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang Nguyễn Thị Hai cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thoại Sơn đã đến tặng 1,5 triệu đồng; trao 100 USD của một Việt kiều gửi tặng. Các cán bộ, công nhân viên Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) đã tự nguyện quyên góp 22,5 triệu đồng trao tặng cho gia đình anh Nam...


Theo Dân Việt


Bình luận