Quản lý cao trình đường phố: Thả nổi đến bao giờ?

Trước đây ai mà chê đường phố trong các đô thị của nước ta đang rất hẹp, rất xấu và rất kém về chất lượng chắc chắn có nhiều vị lãnh đạo, nhiều nhà kiến trúc - quy hoạch chạm tự ái và lên lớp...

Bây giờ dân TPHCM chạy lũ khi gặp triều cường đạt đỉnh, Hà Nội năm ngoái gặp đại hồng thủy, nói là do cả thiên tai lẫn nhân tai chắc chắn các vị ấy sẽ không cãi.

Ngọ Môn, Kỳ Đài thấp bé hơn xưa

Nhìn từ các đô thị loại 1, tỷ lệ đường nhỏ hẹp vẫn nhiều hơn đường lớn. Nhiều đường phố chưa có cống thoát nước, lại còn ổ gà, ổ trâu, thậm chí miệng cống lộ thiên thành những cái bẫy không chỉ gây tai nạn giao thông quanh năm mà còn hút cả trẻ em lẫn người lớn về chầu hà bá.

Đường xấu thì phải sửa chữa, chỉnh trang, nâng cấp. Có điều, cứ mỗi lần thấy đường phố được sửa chữa, thảm bê tông, thảm nhựa người dân vừa mừng vừa lo.

Mừng là hiển nhiên vì đường phố sẽ được nâng cấp và đẹp thêm. Còn lo vì cứ mỗi lần sửa chữa thì nền đường được tôn lên. Nền đường sẽ cao đến bao nhiêu không ai được biết. Bởi vì ở tất cả các thành phố, chưa thấy có quy định về cao trình cho mỗi tuyến đường.

Hậu quả trước mắt là làm mất mỹ quan đô thị, do tương quan giữa cao trình nền đường và nền nhà bị thay đổi liên tục. Mặt đường thì cứ cao dần qua mỗi lần sửa chữa. Rất nhiều tuyến đường nền đường đã cao hơn nền nhà phố xá hai bên.

Tầng trệt nhiều ngôi nhà bỗng nhiên biến thành tầng hầm, nhìn xa giống như cửa cống thoát nước.

Thành phố Huế, đô thị loại 1, hãy nhìn những bức ảnh chụp Ngọ Môn, Kỳ Đài bây giờ, sẽ thấy nó không hoành tráng như những bức ảnh tư liệu chụp hồi đầu thế kỷ. Ấy là vì nền đường 23 - 8 bây giờ cao hơn cốt nền Đại Nội Huế.

Quốc lộ 1A đi qua trước kinh thành bây giờ cao hơn bờ kè Hộ Thành hào gần 1 m. Vì thế mà Ngọ Môn, Kỳ Đài, tường thành trông thấp bé nhẹ cân hơn xưa.

Tai hại tiếp theo là mùa mưa nước từ ngoài đường chảy vào Đại Nội chứ không phải từ trong Đại Nội chảy ra như trước đây. Những ngôi biệt thự kiểu dáng kiến trúc châu Âu rất đẹp ở đường Lê Lợi, đường Lý Thường Kiệt, đường Nguyễn Huệ nay cũng chịu chung cảnh ngộ như Kỳ Đài, Ngọ Môn.

Vì thế, những ngôi nhà mới làm chủ nhân thường phải tôn nền rất cao. Nền nhà không tương xứng với diện tích xây dựng, với chiều ngang từ 3 - 5 m của mỗi ngôi nhà hộp, không tương xứng với chiều rộng của đường phố. Biết vậy nhưng người ta vẫn phải nâng cao nhằm đề phòng nền đường sẽ được nâng cao bằng, thậm chí vượt quá nền nhà sau vài lần sửa chữa.

Nghiêng đồng đổ nước ra phố

Không chỉ góp phần làm xấu bộ mặt đô thị, hệ thống thoát nước và các công trình điện, đường cáp điện thoại chạy ngầm cũng bị rắc rối bởi nền đường, mặt bằng các khu dân cư được nâng cao một cách tự phát, thiếu sự tính toán.

Hậu quả lớn nhất mà ai cũng thấy được là sau mỗi trận mưa lớn nhiều đường phố bị ngập ứ, nhiều nhà dân, công sở bị nước chảy vào. Nhiều khu dân cư mới đã nghiêng đồng đổ nước ra đường phố và đổ sang các khu dân cư cũ ở bên cạnh.

Đối với các thành phố ven sông, ven biển, không có đê thì việc nâng cao mặt đường, nền nhà thiếu quy hoạch còn làm ảnh hưởng đến thoát lũ, gây ra những dòng chảy cục bộ với tốc độ lớn, mực nước ngập cục bộ cũng sẽ tăng cao, gây nguy hiểm về tính mạng và thiệt hại tài sản của dân.

Vì những hệ quả như đã trình bày, vấn đề quản lý cao trình đường phố phải được quy hoạch hợp lý, khoa học, phải công khai cho dân biết, phải xem đó là một nội dung quan trọng của công tác quản lý đô thị. Nếu không quản lý chặt chẽ ngay từ đầu, chúng ta sẽ phải trả một giá rất đắt để khắc phục khi xảy ra sự cố.

Hà Nội đã gặp rắc rối lớn khi phải tìm giải pháp xử lý cao độ mặt đường ở nút giao thông Ngã Tư Sở. Năm ngoái Hà Nội phải hứng chịu nạn ngập úng kéo dài cả tuần, đau đớn nhất là thiệt hại 17 sinh mạng.

Bây giờ không chỉ có Hà Nội, TPHCM mà ngay cả thành phố ven sông và cả ven biển như Đà Nẵng cũng bị ngập úng ở nhiều tuyến đường ngay giữa lòng thành phố bởi vấn nạn lấp hồ tạo quỹ đất nhà ở và thả nổi cao trình mặt đường.

Theo Thanh Tùng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.