Rùng rợn tục cà răng căng tai

Hiện nay, tục cà răng căng tai vẫn còn tồn tại trong cộng đồng một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Giẻ Triêng…, tiềm ẩn rủi ro, có thể đe dọa tính mạng của người bị cà răng.

Hiện nay, tục cà răng căng tai vẫn còn tồn tại trong cộng đồng một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Giẻ Triêng…, tiềm ẩn rủi ro, có thể đe dọa tính mạng của người bị cà răng. Theo một số người già, răng càng cùn, tai càng dài thì càng hấp dẫn người khác phái.

Tại buôn Kon JơDri, xã Đắk-Rơ-Wa, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, nhiều người lớn tuổi có đôi tai dài, với hai lỗ tròn to bằng nút chai. Ngoài đôi tai dài ngoại cỡ, bà Rơ Chăm Luốt (74 tuổi) còn sở hữu hàm răng được mài nhẵn. A Mun, một người dân địa phương thạo tiếng Kinh, giải thích: “Con trai, con gái Ba Na bước sang tuổi mười lăm là bắt đầu tiến hành làm theo tục lệ cà răng, căng tai. Nếu không làm như vậy là bị người khác cười chê, cho rằng đó là răng cá sấu”.

Bà Luốt kể, gần 60 mùa rẫy trước, cha mẹ thuê người đến cà răng cho bà rồi trả tiền công là một con gà rừng và một ché rượu. Người thợ cà yêu cầu bà nằm ngửa và há miệng thật rộng rồi quì gối ở phía trước đầu, hai gối kẹp chặt lấy hai bên tai của bà. Sau đó, người thợ cà dùng hòn đá nhám cà qua, cà lại sáu cái răng giữa ở hàm trên cho đến khi nào cùn tới lợi mới thôi. “Đau lắm, máu chảy nhiều lắm! Cà xong, miệng sưng to không ăn được. Hết đau rồi nhuộm răng”, cụ Luốt kể. Để có hàm răng đen tuyền sau khi cà răng xong, người Ba Na dùng nhựa đen của cây Pơnek (cang rang) bôi vào vài tuần liên tiếp là răng đen mãi mãi.

rung ron tuc ca rang cang tai - 1

Người Ba Na ngày xưa cà răng rồi nhuộm đen cho giống thú tổ (trâu) của mình.

Việc cà răng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây chết người. Cụ Thị Chăm (80 tuổi, người S’tiêng ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) buồn rười rượi nói: “Cha có hai đứa con gái, mình là em. Lúc cha đưa đi cưa răng, mình sợ, khóc nhiều lắm. Sợ con ma đau bắt mình đi như bắt chị Thị Qua”. Người chị gái xấu số của cụ tử vong do vết thương bị nhiễm trùng.

Ông Nguyễn Đại Hà, nguyên Chủ tịch xã Ea Tam, huyện Krông Năng, Đắk Lắk, người có hơn 20 năm nghiên cứu đời sống văn hóa người vùng cao, nói: “Người Ba Na cho rằng, thú tổ của mình là con trâu, minh chứng rõ ràng nhất là nhà mồ người Ba Na được tạc hình con trâu, hai đầu nóc mồ tạc hình sừng trâu, ngày hội lễ tết cũng mang trâu ra đâm chứ không đâm bò. Bởi ở thuở sơ khai, họ nghĩ thú tổ của họ là con trâu, nên họ cà răng để giống thú tổ của mình”.

Tai càng dài càng đẹp

Với tục căng tai, tổ tiên người Ba Na bắt buộc gia đình sinh bé gái phải xỏ lỗ tai, sinh con ra khoảng sáu ngày là có thể xỏ lỗ tai, chậm nhất khoảng nửa năm là phải hoàn tất công việc này, nếu không sẽ bị già làng phạt trâu, gà, rượu… Theo cách nhìn của họ, dái tai càng dài (lắm khi xệ xuống vai) thì càng đẹp, càng sang trọng. Bà H’Lin (67 tuổi, ở xã Kon Pne, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai) nói rằng, người giàu đeo khuyên tai ngà voi, người nghèo đeo các trang sức bình thường làm từ đá, lồ ô… Mỗi dụng cụ để đeo có hình nón cụt, dài khoảng 3cm, đường kính 2-5cm; để có được đôi tai căng đẹp thì phải rèn giũa qua hàng mùa đi rẫy.

Bên bếp lửa nhà sàn, già làng Đinh Khi (83 tuổi) kể, thuở xưa, người Ba Na không xỏ lỗ tai, nhưng khi chết, linh hồn họ bị bà Dui Dãi Tãi Toh đuổi đi. Cùng đường, những linh hồn này ở chung với loài khỉ và chim két. Do đó, trẻ con khi sinh ra phải xỏ lỗ tai để tránh việc khi chết, linh hồn phải sống chung với hai loài vật trên.



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.