Sẽ không cấm kết hôn giữa người đồng giới?

Bộ Tư pháp trong dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình vừa trình Chính phủ đã thiết kế lại điều khoản quy định về việc kết hôn, đề xuất bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.

  Bộ Tư pháp trong dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình vừa trình Chính phủ đã thiết kế lại điều khoản quy định về việc kết hôn, đề xuất bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Tờ trình của Bộ Tư pháp nêu rõ, về vấn đề kết hôn, cơ quan này đề xuất sửa nhiều điều khoản.

Về đội tuổi kết hôn, cơ quan soạn thảo đề nghị quy định chung nam, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên thì được kết hôn, thay cho hướng phân biệt nữ từ đủ 18 tuổi, nam từ đủ 20 tuổi trở lên mới được kết hôn như hiện hành.

Dự thảo luật không quy định về cấm kết hôn đối với người mất năng lực hành dân sự (chuyển thành một điều kiện kết hôn và có sửa đổi, bổ sung) và bãi bỏ quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính;

Cũng liên quan nội dung này, cơ quan soạn thảo tổ sung quy định về nguyên tắc giải quyết hậu quả của việc sống chung giữa những người cùng giới tính.
Sẽ không cấm kết hôn giữa người đồng giới?
Không cấm kết hôn đồng giới là 1 bước trong lộ trình tiến tới công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Phân tích về quan điểm không cấm kết hôn đồng giới, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, vấn đề này hiện còn có hai hướng ý kiến khác nhau.

Ý kiến thứ nhất cho rằng, trong giai đoạn hiện nay Việt Nam chưa nên thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng trong Luật Hôn nhân và gia đình cần phải có các quy định để một mặt giúp phần ngăn ngừa thái độ kỳ thị đối với những người đồng giới, mặt khác tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các quan hệ về tài sản và con (nếu có) trong trường hợp họ sống chung với nhau như vợ chồng.

“Can gián” việc thừa nhận hôn nhân đồng giới, hướng quan điểm này nêu lý do, theo quan niệm truyền thống cũng như thực tiễn dựng vợ, gả chồng của người Việt Nam hàng ngàn năm nay thì quan hệ vợ chồng phải là quan hệ tình cảm giữa hai người khác giới, tức là giữa nam và nữ. Quan niệm này đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt.

Hơn nữa, vấn đề hôn nhân đồng giới là vấn đề nhạy cảm. Do đó, việc luật hóa hôn nhân giữa những người cùng giới tính cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt là phải có lộ trình, bước đi phù hợp. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, bước đi phù hợp nhất của pháp luật Việt Nam là nhà nước không nên can thiệp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới, khuynh hướng tính dục của người đồng tính.

Cơ quan quản lý cần tôn trọng việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính cũng như các thỏa thuận của họ trong việc xác lập và giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống chung của họ; đồng thời cần có những quy định pháp luật thích hợp để giúp họ giải quyết một cách ổn thỏa các hậu quả pháp lý của việc sống chung này nhằm góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các đương sự và sự ổn định của các quan hệ xã hội.

Bộ Tư pháp cũng nêu kinh nghiệm nhiều nước đã giải quyết vấn đề này một cách có lộ trình. Trước hết, Nhà nước thừa nhận quyền của chung sống như vợ chồng của người đồng tính rồi sau đó mới có quy định về thừa nhận hôn nhân giữa những người này. Ví dụ: Hà Lan quy định về việc đăng ký kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính vào năm 1998, nhưng đến năm 2001 mới thừa nhận chính thức hôn nhân hợp pháp giữa người cùng giới; Canada thừa nhận quyền chung sống của người đồng tính vào năm 1999, đến năm 2005 mới được thừa nhận quyền hôn nhân giữa họ với nhau; Cộng hòa Pháp thừa nhận quyền chung sống của người đồng tính từ năm 1999 và đến năm 2013 mới thừa nhận hôn nhân đồng giới... Tại châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ không thừa nhận hôn nhân đồng tính, nhưng đã hợp pháp hóa quan hệ đồng tính vào năm 1997 (Trung Quốc), 2009 (Ấn Độ).

Bác bỏ hoàn toàn việc kết hôn đồng giới là hướng ý kiến thứ 2 khi cho rằng, quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân cũng như với quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình ở nước ta. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như quy định hiện hành.

Chốt lại, Bộ Tư pháp đồng ý với ý kiến thứ nhất, dự thảo Luật được thiết kế lại theo hướng bãi bỏ khoản 5 Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, đồng thời bổ sung quy định về giải quyết hậu quả việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính.
 

Nhận định thêm về những bất cập trong Luật Hôn nhân và gia đình hiện tại, Bộ Tư pháp báo cáo, quyền kết hôn của người đồng tính là việc đang cộm lên hiện nay. Vấn đề mang thai hộ, vấn đề ly thân, vấn đề quyền của vợ chồng trong việc xác lập chế độ tài sản ước định nhưng chưa được pháp luật hôn nhân và gia đình ghi nhận.

Tình trạng này không chỉ dẫn đến hậu quả là Luật Hôn nhân và gia đình không kịp thời thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách đúng đắn của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình mà còn gây ra không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước đối với các vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình.

Theo Dân trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.