Sốt sắng ngừa HPV, canh cánh nỗi lo... mất mạng

"Sự cố" một phụ nữ ở TP.HCM bị tử vong sau khi tiêm ngừa ung thư tử cung đầu tháng 4 vừa qua đã dấy lên những quan ngại về những rủi ro khi tiêm vắc-xin hiện nay. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có nên tạm dừng loại vắc-xin này?

"Sự cố" một phụ nữ ở TP.HCM bị tử vong sau khi tiêm ngừa ung thư tử cung đầu tháng 4 vừa qua đã dấy lên những quan ngại về những rủi ro khi tiêm vắc-xin hiện nay. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có nên tạm dừng loại vắc-xin này? 

Vắc-xin không phải "thần dược"!

Mới đây, trong một bài viết của mình, ông Nguyễn Văn Tuấn- viện Nghiên cứu y khoa Garvan (Sydney, Australia) đã đưa ra dẫn chứng: "Ung thư cổ tử cung (HPV) tại nước ta là một loại ung thư phổ biến nhất trong các nước Đông Nam Á. Đặc biệt, tại TP.HCM và miền Nam nói chung, tỷ lệ phát sinh ung thư hàng năm khoảng 26/100.000 phụ nữ, cao gấp 4 lần so với tỷ lệ ở Hà Nội".

Theo tìm hiểu của PV , số lượng phụ nữ mắc HPV ngày càng gia tăng cũng chính là nguyên do khiến nhiều gia đình, dù con gái vẫn còn nhỏ (ở độ tuổi 8-10 tuổi-PV) đã tìm đến các bệnh viện chuyên khoa để nhận được tư vấn về việc tiêm vắc-xin ngừa HPV. Cũng chính vì sự nôn nóng phòng bệnh, nhiều người đã tin vào dịch vụ tiêm vắc-xin tại nhà, trong khi chưa có cơ sở khẳng định, vắc-xin đó  an toàn hay không? Bởi các loại thuốc ngừa HPV được quảng cáo lập lờ, thổi phồng đã khiến nhiều người đổ xô đi tiêm phòng mà bỏ qua việc phải đi khám định kỳ.

Vắc-xin là "nghi can" gây ra cái chết của một bệnh nhân ở TP.HCM- ảnh minh họa.

Cũng theo tìm hiểu của PV, dịch vụ tiêm phòng vắc-xin cho trẻ và tiêm phòng ngừa ung thư tử cung tại nhà gần đây phát triển theo hình thức truyền miệng, "một đồn mười, mười đồn trăm" chứ không công khai như các hình thức tiêm, truyền thuốc tại nhà khác. Chị Nguyễn Thu Liên (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết, đầu tháng 3 vừa qua, một người bạn học phổ thông có rỉ tai chị về loại vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả 100% (đã tiêm là không mắc ung thư cổ tử cung-PV) mà lại không tốn kém, chị Liên đã tiêm thử.

Theo lời "tiếp thị" của cô bạn thì đây là dịch vụ do các bác sỹ, y tá làm tại trung tâm y tế dự phòng trực tiếp làm nên có thể yên tâm về chất lượng. Chỉ cần có nhu cầu là có người đến tận nhà  chăm sóc tận tình, chu đáo?! Cũng theo chị Liên, một mũi tiêm vắc-xin Cervarix ngừa HPV chỉ mất 220 nghìn đồng và chỉ cần tiêm một mũi?! Nghe chị Liên kể chuyện, PV khá ngạc nhiên về giá thành của loại vắc-xin này và trộm nghĩ liệu người bệnh có bị ăn bớt thuốc trong quá trình tiêm hay không?

Gọi điện đến số điện thoại chuyên nhận tiêm truyền tại nhà mà chị Liên cung cấp, PV được biết, dịch vụ tiêm vắc- xin cho trẻ khá hút khách, còn tiêm vắc-xin ngừa ung thư tại nhà thì hầu như không có đơn đặt hàng. Theo cảm quan của PV, phía "đầu mối" này có vẻ dè dặt khi trả lời sau hàng loạt "sự cố" liên quan đến vắc-xin. Người phụ nữ này ấp úng: "Phần lớn phụ nữ tìm đến các bệnh viện lớn để làm các xét nghiệm và tiêm vắc-xin tại viện cho an toàn".

Trao đổi với một bác sỹ chuyên khoa, PV nhận được câu trả lời, vắc-xin ngừa HPV không có giá rẻ như vậy và theo "chuẩn" thì phải tiêm 3 mũi theo lịch trình cụ thể. Giả sử có tình huống vắc-xin ngừa HPV có giá rẻ như báo phản ánh thì có thể đã bị ăn bớt liều lượng. Và khi liều lượng không đủ thì không có tác dụng ngừa HPV, bên cạnh đó, người tiêm  chưa lường hết được những tai biến phản ứng phụ có thể xảy ra.

Nói về lời quảng cáo với công dụng thần kỳ trên, BS. Lê Thanh Thuý- Phó giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội quả quyêtá, có những người đã tiêm phòng vắc -xin cũng bị mắc ung thư tử cung, vắc-xin không phải là "thần dược". Vì vậy, dù có tiêm phòng rồi, chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ. BS.Thuý dẫn chứng: "Theo y văn thế giới hiện có đến 100 tuýp HPV, nhưng chỉ có 30 tuýp gây nhiễm trùng đường sinh dục và 15 tuýp có khả năng gây ung thư (tuýp 16 và 18 là nguy hiểm nhất). Vì thế, với khả năng chủng ngừa 4 tuýp như trên của Gardasil (2 tuýp đầu ngừa HPV, 2 tuýp sau ngừa bệnh mồng gà) hay 2 tuýp của Cervarix thì chỉ làm giảm chứ không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ ung thư cổ tử cung".

Sốt sắng ngừa HPV, canh cánh nỗi lo... mất mạng

Theo tìm hiểu của PV, ở các bệnh viện lớn như Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội, Phụ sản Từ Dũ, Pasteur TP.HCM..., hàng tháng, số người tìm đến bệnh viện xin được tư vấn về các biện pháp ngừa HPV khá lớn. Tại đây, các bác sỹ khuyến cáo, bệnh nhân nên tiêm vắc-xin ngừa HPV. Tuy nhiên, thông tin về một phụ nữ tại TP.HCM bị tử vong sau khi tiêm vắc-xin Cervarix ngừa HPV mới đây khiến nhiều phụ nữ hoang mang, lo lắng. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu tiêm vắc-xin ngừa ung thư có an toàn?

Gardasil là một loại vắc-xin ngừa HPV được sử dụng phổ biến ở Việt Nam.

Trao đổi với PV báo điện tử Người đưa tin, TS.Vũ Bá Quyết, phó giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: "HPV là loại ung thư phụ nữ thường gặp, đứng hàng thứ 2 trên thế giới sau ung thư vú. Việc sử dụng vắc-xin có tác dụng phòng ngừa chủ yếu là virus HPV (Human papillloma virus, đây là một loại virus có khả năng gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, một loại bệnh lây truyền qua đường tình dục-PV). Ở trong nước, hiện nay có nhiều loại vắc- xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung nhưng trong đó có 2 loại thường được sử dụng phổ biến nhất là Gadasil và Cervarix (đó là một loại của Mỹ và một loại của châu Âu-PV). Gardasil ngừa 4 chủng HPV 6,11,16,18 và Cervarix ngừa 2 chủng HPV 16,18. Do đó, khi bị nhiễm một loại HPV thì vắc-xin cũng có tác dụng bảo vệ chống các chủng còn lại, độ tuổi tiêm ngừa là từ 10- 26 tuổi. Một vài nước trên thế giới vẫn áp dụng tiêm ngừa cho lứa tuổi trên 26. Tiêm vắc- xin HPV gồm 3 mũi, theo lịch 0-2-6 (mũi thứ 2 cách mũi đầu 2 tháng, mũi thứ 3 sau mũi đầu 6 tháng)". Được biết, vắc- xin ngừa ung thư tử cung Gardasil có giá 1,3 triệu đồng;  Cervarix có giá 750 nghìn đồng".

Cũng theo TS.Vũ Bá Quyết, việc sử dụng vắc-xin phòng ngừa hoàn toàn hợp lý vì nó phục vụ cho lợi ích phòng chống bệnh tật. Trên thế giới cũng đã có trên 100 triệu phụ nữ sử dụng loại thuốc này để phòng ngừa HPV và không hề xảy ra các biến chứng, tai biến gì. Còn ở Việt Nam, đây là thuốc mới được sử dụng và cũng cho hiệu quả cao. Thực tế, có rất nhiều loại thuốc chủng HPV nhưng không phải loại nào cũng có thể phòng ngừa đạt tỷ lệ 100% được. Đặc biệt, đây là vắc- xin phòng bệnh chứ không phải là thuốc đặc trị, có tác dụng chữa bệnh.

TS.Quyết nhận định, kết quả đã chứng minh, hai loại vắc-xin phòng ngừa HPV được sử dụng trên thế giới không có trường hợp nào sau khi dùng xảy ra tai biến. Riêng đối với loại vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem, một loại vắc xin mới đây bộ Y tế có công văn yêu cầu dừng sử dụng do có liên quan đến một số trường hợp tử vong lại là loại vắc-xin thế hệ khác, của Hàn Quốc nên chưa đánh giá một cách chính xác được.

Phải có quy trình kiểm nghiệm, thử nghiệm

Đề cập tới quy chuẩn cũng như chất lượng các loại vắc-xin sau khi nhập từ nước ngoài về Việt Nam, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc sở Y tế Hà Nội cho biết: Những vắc-xin nhập về đều phải được kiểm nghiệm, thử nghiệm, đảm bảo độ an toàn khi lưu hành mới được phép nhập về sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa có thể khẳng định 100% khi dùng không xảy ra biến chứng được. Bởi lẽ, trong hàng chục triệu người sử dụng như vậy sẽ có một tỷ lệ nào đó có thể có nguy cơ xảy ra nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Những trường hợp xảy ra biến chứng có nhiều yếu tố như do cơ địa, sốc hay do những dấu hiệu khác...

Chẳng hạn như vụ việc vắc -xin 5 trong 1 Quinvaxem, những trường hợp mắc phải hiện cho thấy đều không liên quan tới loại vắc-xin này do không có bằng chứng khoa học chứng minh bản chất sự việc do nguyên nhân tiêm chủng loại vắc- xin này gây ra. Điều liên quan tới nó ở chỗ, sau khi tiêm có trường hợp tử vong do có khả năng ngẫu nhiên trùng hợp?!

 Muốn xác định các trường hợp này bị như thế nào, nguyên nhân từ đâu rất cần được khám nghiệm tử thi mới xác định chính xác được, còn không sẽ là vấn đề cực kỳ khó khăn, rất khó xác định nguyên nhân có phải do vắc-xin hay không. Bởi trên thực tế, người ta chỉ phân tích trên dấu hiệu lâm sàng, các mô tả triệu chứng bệnh gây ra tử vong.  

Tử vong sau tiêm ngừa ung thư cổ tử cung

Chiều ngày 31/5, Hội đồng khoa học, sở Y tế TP.HCM đã đề nghị xét nghiệm lọ vắc-xin Cervarix ngừa HPV cùng lô tại trung tâm Y tế dự phòng Q.9 (TP.HCM), để xác định chính xác nguyên nhân trường hợp Đặng Kim Chi (17 tuổi, ngụ Hóc Môn, TP.HCM) sau khi tiêm vắc xin Cervarix ngừa HPV đã tử vong. Kết quả thử độc chất có hiện diện Paracetamol, propranolon và Adrenailne trong máu; có sự hiện diện propranolol trong nước tiểu và dịch dạ dày. Do đó, theo hội đồng khoa học, nguyên nhân tử vong chưa được xác định. Vì vậy, hội đồng yêu cầu làm thêm các xét nghiệm chuyên biệt để xác định chính xác nguyên nhân gây tử vong.   

Theo NĐT


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.