Tài xế công nghệ và "cuộc chiến" không cân sức với Grab: Thua thiệt đủ đường vì bị gán định danh "đối tác"

Mối quan hệ mà Grab đặt ra với những lao động đang "cày" cho họ nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày được gọi là "đối tác tài xế" - cái tên không hàm ý sự ràng buộc nào.

Các đối tác tài xế của Grab phải "chủ động" mọi quyền lợi của bản thân, tự chịu những rủi ro không may xảy ra trong quá trình làm việc trên đường phố, và phải chấp nhận mức chiết khấu mà Grab đưa ra.

Những ngày gần đây, vụ việc hàng nghìn tài xế công nghệ của Grab tại Hà Nội và TP.HCM đồng loạt tắt ứng dụng, tập trung kéo đến trụ sở công ty này để phản đối việc tăng mức chiết khấu lên tới 30% khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Không có cánh cửa nào mở ra, không có cuộc đàm phán nào, và các tài xế này gần như không có quyền lên tiếng. Cũng không có bất cứ ai đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ trong những lúc bị "o ép".

Họ không muốn là "đối tác", họ muốn được trở thành nhân viên và được hưởng đầy đủ quyền lợi như những người lao động ở các ngành nghề khác.

Tài xế Grab chịu thiệt thế nào khi bị gán mác "đối tác"?

Sáng ngày 7/12, hàng nghìn tài xế xe ôm công nghệ Grab đã tắt ứng dụng và kéo đến trụ sở Toà nhà Kim Ánh, ngõ 78 Duy Tân, Cầy Giấy, Hà Nội để phản đối mức điều chỉnh tăng khấu trừ và tăng giá cước cơ bản của hãng.

Tài xế công nghệ và cuộc chiến không cân sức với Grab: Thua thiệt đủ đường vì bị gán định danh đối tác-1

Các tài xế cho biết việc Grab thay đổi chiết khấu từ trước đến nay đều không thông qua "đối tác" của mình.

Trong đám đông bức xúc anh Hoà phản đối chính sách tăng khấu trừ khó hiểu đối với tài xế mà Grab thông báo trước đó vào ngày 5/12. Anh Hoà cho biết việc Grab thay đổi chiết khấu từ trước đến nay đều không thông qua "đối tác" của mình.

"Chúng tôi kí hợp đồng với Grab với danh nghĩa "đối tác", Grab làm vậy như để chối bỏ trách nhiệm đối với người lao động. Khi tôi kí hợp đồng với Grab với chiết khấu 20% nhưng chỉ sau vài tháng con số này đã lên tới 30%.

Tôi và nhiều tài xế khác chạy xe ngoài đường trên 10 tiếng một ngày, đối mặt với bao rủi ro về sức khỏe và tính mạng, nhưng không lương cứng, không tiền tăng ca và không bảo hiểm xã hội. Giờ đây Grab tăng mức chiết khấu lên 30% thì khác nào chúng tôi đi làm không công.

Lấy ví dụ gần đây thôi, tôi chạy cuốc xe 150.000 đồng thì tôi chỉ nhận về 105.000 tiền mặt chưa trừ khấu hao xe, tiền xăng, tiền ăn. Tôi còn vợ và hai con nhỏ thì với thu nhập như 2 ngày qua không đủ để trang trải cuộc sống", anh Hoà bức xúc.

Grab đang ở "thế thượng phong"

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết với thực tế như hiện nay "cuộc chơi" giữa Grab và các đối tác tài xế thì Grab đang ở "thế thượng phong".

"Mối "quan hệ lao động" trong thời kỳ 4.0 mà Grab đặt ra với tài xế là theo hình thức đối tác, không ràng buộc, các tài xế gần như phải tự đảm bảo các quyền lợi của bản thân (ví dụ như đóng bảo hiểm), tự chịu rủi ro (ví dụ bồi thường thiệt hại khi gây ra tai nạn trong quá trình làm việc) trong khi phải chấp nhận các mức chiết khấu theo quy định của Grab.

Tài xế công nghệ và cuộc chiến không cân sức với Grab: Thua thiệt đủ đường vì bị gán định danh đối tác-2

Trong mối quan hệ giữa Grab và các tài xế thì gần như tài xế phải tự đảm bảo các quyền lợi của bản thân cũng như tự chịu rủi ro.

Dù biết có nhiều thiệt thòi trong mối quan hệ hợp tác này nhưng không thể phủ nhận là Grab đem lại công ăn việc làm cho rất nhiều người, từ việc làm thêm tăng thu nhập cho sinh viên, đến công việc chính của nhiều người khác.

Thậm chí có nhiều sinh viên ra trường lựa chọn làm tài xế Grab mà không muốn làm nhân viên văn phòng vì thu nhập từ công việc này khá ổn và thời gian làm việc tự do, thoải mái", Luật sư Cường cho biết.

Theo quy định của Bộ luật lao động 2012 hiện hành thì người lao động và người sử dụng lao động sẽ ký kết hợp đồng lao động để thỏa thuận về các nội dung công việc, quyền lợi, nghĩa vụ, trong đó có quy định rõ các khoản tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp,…Dựa trên những thỏa thuận trong hợp đồng này mà quyền lợi của người lao động sẽ được xác lập và đảm bảo.

"Hiện tại, việc áp dụng chính sách người lao động với việc đảm bảo các quyền lợi của người lao động theo quy định của Bộ luật lao động chỉ được Grab áp dụng đối với nhân viên làm việc văn phòng và có ký hợp đồng lao động với Grab.

Tài xế công nghệ và cuộc chiến không cân sức với Grab: Thua thiệt đủ đường vì bị gán định danh đối tác-3

Hầu hết các tài xế muốn được làm nhân viên để được hưởng quyền lợi chứ không muốn tiếp tục làm "đối tác".

Còn đối với các tài xế chạy xe thì chính sách của Grab đối với họ là đối tác nên chỉ dựa trên quan hệ hợp tác chứ không có ký hợp đồng sử dụng lao động, nghĩa là tài xế không phải nhân viên của doanh nghiệp, không được xem là người lao động.

Thực tế quan hệ giữa Grab và các đối tác không rõ ràng do đó mà việc những tài xế muốn Grab bảo vệ quyền lợi và đóng bảo hiểm cho họ theo quy định là không quá khả thi", Luật sư Cường nói.
Mọi rủi ro do "đối tác" tự chịu

Luật sư Cường nhận định Grab cho rằng họ là một công ty công nghệ, chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm chứ không thuê người lao động. Họ chỉ làm việc với tài xế theo mối quan hệ đối tác và chia sẻ doanh thu nên đối tác sẽ phải tự chịu trách nhiệm với các quyền lợi của mình, cũng như chịu mọi rủi ro chứ không liên quan đến Grab.

"Có thể nói rằng từ trước đến nay các quy định pháp luật về lao động và kinh doanh dịch vụ vận tải tồn tại những khoảng trống nhất định do đó chưa điều chỉnh được những mối quan hệ lao động mới biến tướng theo tính chất đối tác như Grab và tài xế.

Bộ luật lao động 2012 hiện hành chỉ quy định Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động (Điều 15).

Do loại quan hệ đối tác giữa Grab và tài xế chỉ mới phát sinh trong thời gian gần đây khi các ứng dụng công nghệ được phát triển rộng rãi nên Bộ luật lao động 2012 chưa nhận diện các quan hệ lao động mới như Grab và tài xế và chưa điều chỉnh các mô hình quan hệ lao động mới như vậy", Luật sư Cường nói.

Tài xế công nghệ và cuộc chiến không cân sức với Grab: Thua thiệt đủ đường vì bị gán định danh đối tác-4

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Theo luận sư Cường, chính vì khó xác định quan hệ giữa Grab và tài xế là đối tượng điều chỉnh của Bộ luật lao động hiện hành nên cơ quan chức năng cũng chưa thể có căn cứ áp dụng quy định như tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp liên quan đến quyền lợi người lao động cho những tài xế cho dù rất nhiều tài xế lên tiếng, đòi quyền lợi.

Bộ luật lao động 2019 sắp có hiệu lực vào ngày 01/01/2021 có quy định mới hơn về Hợp đồng lao động, theo đó Điều 13 Bộ luật này quy định:

1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.


"Cuộc chơi" giữa Grab và các đối tác tài xế ai là người ở "thế thượng phong" - Ảnh 7.

Như vậy Bộ luật lao động mới định nghĩa cụ thể và rõ ràng hơn về hợp đồng lao động, quy định cụ thể hơn thế nào là tiêu chí người sử dụng lao động, người lao động, các nội dung của hợp đồng lao động.

Qua đó nhằm điều chỉnh các hình thức mới, khó nhận diện của quan hệ lao động phát sinh thời gian gần đây, ví dụ với những dạng hợp đồng đối tác của Grab.

"Như vậy với quy định mới thì nếu các quan hệ dù thể hiện ở bất cứ dạng hợp đồng nào nhưng hội tụ đủ các yếu tố của hợp đồng lao động, có sự ký kết giữa các bên, có cam kết thực hiện công việc cụ thể, có trả lương, có sự giám sát và quản lý… thì đều được coi là hợp đồng lao động, phải tuân theo quy định của pháp luật lao động. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người lao động mà còn bảo vệ người sử dụng lao động.

Tài xế công nghệ và cuộc chiến không cân sức với Grab: Thua thiệt đủ đường vì bị gán định danh đối tác-5

Các tài xế bức xúc khi Grab liên tục tăng chiết khấu một cách vô lý.

Khi quan hệ đã được Luật xác định và điều chỉnh, quyền lợi của người sử dụng lao động cũng được bảo vệ khi bị xâm phạm. Nghĩa là người lao động khi tham gia quan hệ lao động kiểu mới vẫn được đảm bảo các chế độ về bảo hiểm theo quy định của Bộ luật lao động và Luật bảo hiểm xã hội", Luật sư Cường cho biết.

Như vậy theo cách định danh của Grab, mối quan hệ giữa họ và các tài xế là quan hệ giữa các đối tác, chứ không phải giữa người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, đây là mối quan hệ bất đối xứng mà bên yếu thế là các tài xế.

Theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã đã hướng dẫn, làm rõ hơn những quy định về kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ.

Hai văn bản này phân biệt rõ giữa khái niệm đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải. Theo quy định thì các hãng xe công nghệ sẽ phải chọn một trong hai mô hình là chỉ đơn thuần trở thành đơn vị cung ứng phần mềm (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải), hoặc là trở thành một đơn vị kinh doanh vận tải (buộc tuân thủ các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam; Ký hợp đồng lao động, đóng các loại bảo hiểm, tổ chức khám sức khỏe định kỳ và thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động (bao gồm cả lái xe, nhân viên phục trên xe) theo quy định của pháp luật về lao động).

Như vậy đơn vị cung cấp phần mềm mà có điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước thì là một đơn vị kinh doanh vận tải mà trong mối quan hệ với tài xế, đơn vị này sẽ là người sử dụng lao động và tài xế là người lao động, được ký hợp đồng lao động và đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm. Đây là mối quan hệ có hợp đồng lao động chứ không phải là đối tác như hiện nay.

Với những quy định mới này thì "tài xế công nghệ" sẽ có cơ sở để đảm bảo quyền lợi và ít chịu thiệt thòi trong mối quan hệ với các hãng xe công nghệ như Grab như hiện nay.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tai-xe-cong-nghe-va-cuoc-chien-khong-can-suc-voi-grab-thua-thiet-du-duong-vi-bi-gan-dinh-danh-doi-tac-162201012152437636.htm

tài xế công nghệ

Grab


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.