Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính, đề xuất này dựa trên tính toán chỉ số giá tiêu dùng năm 2016 tăng khoảng 5%/năm; tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%/năm; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 3 - 3,5%/năm.
Mức tăng thêm cũng tính toán đến sự hợp lý để thực hiện lộ trình đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Ngoài ra, cũng theo ông Mai Đức Chính, theo Luật BHXH 2014 (Điều 89), từ 1.1.2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. “Vì vậy, lộ trình tăng mức lương tối thiểu phải tránh gây đột biến về chi phí của doanh nghiệp; phải bù đủ trượt giá (dự kiến khoảng 5%/năm); tăng theo mức tăng năng suất lao động khoảng 3 - 3,5%/năm để cải thiện tiền lương của người lao động” – ông Chính nhấn mạnh.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Nhu cầu sống tối thiểu của người lao động là căn cứ hết sức quan trọng trong việc xác định mức lương tối thiểu vùng. Điều 91 của Bộ luật Lao động quy định, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động. Song, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động hiện đang được nhiều cơ quan xác định với số liệu khác nhau. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc thống nhất xác định mức lương tối thiểu vùng hàng năm của các bên trong Hội đồng Tiền lương quốc gia.