Thâm nhập đường dây gái "tay vịn" Hà Thành: Tôi đi... "thi tuyển"

Chỉ cần đến gặp mặt, hỏi thăm sơ qua, PV khi giả đi xin việc đã được tay 'chăn dắt' hướng dẫn đi làm luôn. Công việc nhàn hạ, 'lịch sự', được bao ăn ở với mức thu nhập khủng....

Chỉ cần đến gặp mặt, hỏi thăm sơ qua, PV khi giả đi xin việc đã được tay 'chăn dắt' hướng dẫn đi làm luôn. Công việc nhàn hạ, 'lịch sự', được bao ăn ở với mức thu nhập khủng....

Sơ tuyển nhanh chóng, công việc nhàn hạ

Tiếp nối câu chuyện về loại hình công việc mới: 'tay vịn' cho các quán bar, karaoke được công khai thông tin tuyển dụng trên facebook trước đó, tôi đã chọn một trong số các địa chỉ của các "nhà nhân sự" để liên lạc xin việc.

Lần theo số điện thoại cụ thể 0968.666.xxx trên một trong số các trang này, chúng tôi đã liên hệ và gặp gỡ được một nhân vật chuyên “chăn dắt”, tìm kiếm gái có nhu cầu làm công việc nhàn hạ mà lương cao.

Trong khi gọi điện thoại, PV được hướng dẫn đến một địa chỉ tại quán cà phê trên phố T.N. (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để gặp mặt. Địa chỉ đến là một ngôi nhà nằm ngay đầu phố thông ra đường lớn. Vì lý do đang chuyển nhà nên PV được tiếp tại một quán cà phê gần đó. Nhìn lướt qua, đó là ngôi nhà hai tầng, mặt tiền được cho thuê làm quán cà phê, mặt sau là nơi ở lúc nào cũng trong tình trạng đóng kín mít mà không ai có thể nhìn được vào bên trong.

Khi PV trong vai một cô gái nhà quê lên Hà Nội tìm việc và có ý muốn xin vào phục vụ trong quán karaoke, người đàn ông tên N. nhiệt tình giới thiệu, chia sẻ về công việc đầy hứa hẹn, được làm việc trong môi trường... "sang chảnh, lịch sự".

Nơi làm việc của các "tay vịn" được tuyển là các quán bar, karaoke.

Sau khi hỏi thăm tên, tuổi, quên quán và kinh nghiệm làm việc trước đây, N. bắt đầu giới thiệu: “Bên anh vẫn còn tuyển nhân viên, không phải làm một chỗ cố định mà chạy các quán khu vực trên phố Hàm Long, Bà Triệu... nên em mang luôn quần áo sang ở cùng bọn anh để tiện cho công việc.

Bọn anh có chỗ ở luôn, có thể chứa được khoảng 20, 30 người. Hiện tại, các nhân viên của anh đang ở đó để tiện cho đi làm. Tiền phòng sẽ chia theo đầu người. Đảm bảo ngày nào cũng có việc cho các em làm, phương tiện di chuyển do bọn anh chở, không phải lo lắng”.

Khi được hỏi về nội dung công việc, N. cho biết: “Công việc nói chung rất đơn giản, nội dung lành mạnh, quan trọng là do các kỹ năng của em phải khéo léo để làm vừa lòng khách. Khi được chở đến quán, sau khi được khách chọn thì em vào đó, mở bia, chọn bài hát cho khách. Nếu gặp bàn khách ít hát thì có thể ngồi nói chuyện với khách, uống cùng họ nếu được yêu cầu”.

N. còn đặc biệt dặn: “Nếu khách có hành vi quá trớn thì em có thể xin phép ra ngoài, báo với quản lý nhà hàng và báo cho bọn anh để xử lý”.

Thu nhập khủng, đãi ngộ tốt

Khi giả làm gái nhà quê đi xin việc, PV rụt rè hỏi về cách thức ăn mặc và các kỹ năng do mới lần đầu đi làm, chưa có điều kiện để “ăn diện” thì được N. trấn an: “Em cứ yên tâm, nếu không biết make up, anh có thể nhờ các chị làm cùng make up cho em, khi đi làm cùng thì một bàn có khoảng 3, 5 người tùy theo khách gọi. Nhìn các chị làm như nào thì em làm theo”.

Ảnh minh họa.

Về tiền lương và các đãi ngộ, theo chia sẻ của N. thì mỗi ngày các nhân viên ở đây có thể chạy nhiều bàn ở nhiều quán tùy theo lượng khách gọi. Thu nhập nghề này tùy thuộc vào khách hàng. Nếu mình khéo léo, biết nói chuyện thì mỗi bàn ít nhất sẽ thu được 300.000 đồng, nhiều nhất có thể lên đến một triệu đồng hoặc một triệu rưỡi.

Với mỗi một bàn tiếp khách, các nhân viên sẽ phải trả cho người dắt đến là 80.000 đồng. Trang phục bắt buộc phải mặc váy và phải make up, các nhân viên phải tự túc trong hai khoản này.

Trong quá trình đang ngồi trao đổi, chúng tôi bắt gặp một, hai người đàn ông xăm trổ khác là “đồng nghiệp” của N. đang làm việc, chở các nhân viên nữ khác về nhà trọ. Các nhân viên này đều trang điểm đậm và ăn mặc sexy, thiếu vải hết cỡ.

Cũng trong lúc này, PV được biết, ngôi nhà trong ngõ cũ được di chuyển đến một ngôi nhà rộng hơn trên đường T.Đ.T. (Đống Đa, Hà Nội). Theo lời kể thì ngôi nhà này rộng rãi hơn, có hai khu cho nam và nữ ở riêng biệt. Nhân viên có thể thoải mái sinh hoạt và tiện lợi cho việc đi làm.

Vậy thực sự các "tay vịn" khi được tuyển sẽ có được một cuộc sống đúng như lời quảng cáo của các gã chăn dắt? và liệu có hay không chuyện "lờ lớ lơ" của các cơ quan chức năng?... Những câu hỏi này sẽ được chúng tôi giải mã cho độc giả trong bài viết tới.

Theo Người đưa tin



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.