Thế giới ngầm thu gom rác: Giành giật giữa các ông trùm

Từ lâu, hoạt động của các đường dây rác đã trở thành một thế giới ngầm. Để có được một đường dây rác, ngoài việc mua, các ông trùm còn phải dùng bản lĩnh giữ địa bàn

Từ lâu, hoạt động của các đường dây rác đã trở thành một thế giới ngầm. Để có được một đường dây rác, ngoài việc mua, các ông trùm còn phải dùng bản lĩnh giữ địa bàn

Ngoài một số chủ đường dây rác tạo lập từ trước, những ông trùm rác hầu hết đều mua lại từ người khác.

Nghề kinh doanh “thời thượng”

Theo chủ một đường dây rác tại quận Bình Thạnh, TP HCM, mặc dù việc mua bán đường dây rác không công khai như mọi hàng hóa khác nhưng từ lâu nay đã thành lệ. Bình quân, đường dây rác mỗi tháng thu được khoảng 20 triệu đồng thì sẽ có giá từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Anh Khánh - chủ một đường dây rác ở huyện Hóc Môn, TP HCM - cho biết vừa mua lại đường dây rác tại quận Gò Vấp với gần 400 hộ dân, giá gần 500 triệu đồng. Còn những khu vực nhiều cửa hàng, khách sạn thì giá mỗi đường dây rác có khi lên cả tỉ đồng nhưng không dễ gì mua được. “Từ những năm 1990, giá mỗi đường dây rác ở các quận nội thành TP HCM đã lên đến hàng trăm triệu đồng, khu vực ngoại thành từ 30-50 triệu đồng” - anh Khánh nói. Hiện nay, trên địa bàn TP, có nhiều ông trùm nắm trong tay cả chục đường dây rác nằm rải rác ở một số quận, huyện. Nhiều ông trùm xem đường dây rác như là một tài sản quý giá của mình, đời cha không làm nữa thì để lại cho con. “Mặc dù không một cơ quan nào cấp cho chủ các đường dây rác như chúng tôi cái quyền về việc quản lý nhưng từ lâu nó đã trở thành “tài sản” riêng như luật bất thành văn” - chủ một đường dây rác cho biết. Ông Vương (ngụ Bình Dương) mua một đường dây rác khoảng 500 hộ dân từ năm 1995 với giá 20 triệu đồng. Thu được đến năm 2003 thì bị một cán bộ trong phường giành giật, sau đó giao cho người nhà làm. Bị mất đường dây rác, ông cùng gia đình đến TP HCM và phải “săn” gần 1 năm mới mua lại được một đường dây rác ở quận 4 với giá 210 triệu đồng. Tuy vậy, theo hầu hết các chủ đường dây rác, mặc dù họ phụ trách việc thu gom rác cho các hộ dân và thu tiền nhưng phải lấy đúng giá của TP đưa ra và đóng các loại phí theo quy định. Sau khi có đường dây rác trong tay, những ông trùm chỉ đứng ở mức độ “quản lý”, còn việc thu gom, phân loại rác đều thuê công nhân làm. Những người chuyên đi thu gom rác chủ yếu là lao động phổ thông ở các tỉnh miền Bắc hoặc miền Trung. Trước đây, anh Lê Quang Hùng - chủ một đường dây rác ở quận 9, TP HCM - có đường dây rác ở các quận 3, Bình Thạnh. Sau đó, anh bán lại cho một chủ khác và người này hoạt động cho đến bây giờ. “Hiện nay, các đường dây rác đã đi vào ổn định, người nào muốn theo nghề này thì phải mua lại chứ không còn cách nào khác” - anh Hùng nói. Theo anh Hùng, có nhiều người coi việc mua đi bán lại các đường dây rác như một nghề kinh doanh “thời thượng” vì lãi lớn.

Phải có bản lĩnh thì các ông trùm mới giữ được đường dây rác của mình
Phải có bản lĩnh thì các ông trùm mới giữ được đường dây rác của mình

“Chỗ nào có ăn là ắt sẽ đổ máu”

Nhiều ông trùm đường dây rác tư nhân đã xây được biệt thự, mua xe sang từ nguồn thu này. Do đó, đã xảy ra không ít cuộc “huyết chiến” để tranh giành địa bàn, bảo vệ các đường dây rác. Trong các trùm đường dây rác, ai cũng biết đến ông Năm Đậu, người được xem là “vua” rác đầu tiên ở TP HCM. Vào thời hoàng kim, ông làm chủ cả chục đường dây rác trên địa bàn TP. Thời gian đầu, ông sống khỏe nhờ thu nhập từ các đường dây rác nói trên. Cũng vì thế mà ông đã nhiều lần bị chủ các đường dây rác khác ganh tị và luôn tìm cách để phế truất. Đã có hàng chục cuộc thanh trừng giữa Năm Đậu với các tay anh chị được các chủ đường dây rác thuê để giành giật địa bàn diễn ra kể cả công khai và bí mật. Bị một số ông trùm đường dây rác ở khu vực Sở Thùng (Bình Thạnh) làm khó dễ, công nhân của ông Năm Đậu cứ thế đua nhau bỏ nghề. Thất thế, ông bán luôn những đường dây rác trên địa bàn TP và rút về quản lý một đường dây rác khác ở Bình Dương. Tuy nhiên, cuộc chiến giữa các ông trùm ở đây vẫn không dừng lại. Bất lực, ông Năm Đậu bán luôn đường dây rác cho một số người khác, chấm dứt đời “vua” rác của mình. Anh Lê Xuân Hưng, một chủ đường dây rác ở TP HCM, cho biết trước đây làm chủ gần cả chục đường dây rác nhưng sau đó bị một số người khác nhảy vào giành giật. Anh phải làm đơn gửi các cấp chính quyền thì mới yên thân. “Chỗ nào có ăn là ắt sẽ đổ máu” - một chủ đường dây rác tên T. khẳng định. Theo T., trước đây anh cũng là “vua” rác ở khu vực các quận 3, 6, Tân Phú. Mỗi tháng, gia đình anh thu nhập từ đường dây rác không dưới vài trăm triệu đồng. Thế nhưng, cũng không ít lần phải đổ máu vì những cuộc giành giật địa bàn. “Thấy ăn rồi cứ lo giành giật, đánh nhau; hơn nữa, lẽ nào đời mình rồi đến đời con cứ làm rác mãi nên tôi quyết định sang lại cho người khác với giá gần 1 tỉ đồng” - anh T. tâm sự.

Theo NLĐ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.