Thực hư đường dây “chạy” hồ sơ giả thương binh, chất độc da cam

Người dân xã Việt Hùng (huyện Trực Ninh, Nam Định) đã gửi đơn tới PV tố cáo tại địa phương có “đường dây” làm hồ sơ giả để hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, hiện xã có 97 người đang trục lợi tiền của Nhà nước.

Người dân xã Việt Hùng (huyện Trực Ninh, Nam Định) đã gửi đơn tới PV tố cáo tại địa phương có “đường dây” làm hồ sơ giả để hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, hiện xã có 97 người đang trục lợi tiền của Nhà nước.
 
Ông Phạm Quang Dương – Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Trực Ninh - cho rằng, mọi tố cáo của ông Khải đều sai sự thật.
 
Đặc biệt, những người cầm đầu “đường dây” lại là những cán bộ đương chức của xã, ngoài ra người tố cáo còn cho rằng, “có sự bảo kê, giúp sức của cả tỉnh và huyện” cho việc chạy chế độ…Vậy thực hư của chuyện tố cáo này như thế nào, PV Báo Lao Động & Đời sống đã vào cuộc làm rõ.
 
Tố cáo đường dây chạy hồ sơ giả từ tỉnh tới huyện
 
Ông Nguyễn Cao Khải (thôn Việt Hùng, huyện Trực Ninh, Nam Định) cầm trong tay cuốn sổ photocopy “Danh sách chi trả trợ cấp hàng tháng, tháng 8.2013” và khẳng định, hàng chục cá nhân có tên trong sổ là “chạy thương binh”, “chạy chất độc da cam”. Theo đó, nghi vấn “nổi cộm” là trường hợp của ông Trần Văn Thưởng - Phó Chủ tịch xã Việt Hùng và ông Nguyễn Văn Đanh - cán bộ phụ trách LĐTB&XH của xã - đã làm giả hồ sơ để được hưởng trợ cấp chất độc da cam.
 
Ông Khải cho rằng, vị phó chủ tịch xã Việt Hùng phụ trách mảng văn xã hiện nay có hai tên là Trần Văn Thưởng và Trần Quang Thưởng. Ông Thưởng nhập ngũ năm 1982, không chiến đấu ở vùng đất nhiễm chất độc da cam, nhưng vẫn được hưởng chế độ 2.122.000đ/tháng.
 
Một trong những nghi vấn mà ông Khải đưa ra là, trong công tác tại chính quyền, ông Thưởng lấy tên là Trần Văn Thưởng, còn trong sổ chi trả trợ cấp lại là Trần Quang Thưởng… Trường hợp ông Nguyễn Văn Đanh cũng có nghi vấn tương tự ông Thưởng: Tên làm việc ở chính quyền là Nguyễn Văn Đanh còn tên lĩnh trợ cấp là Nguyễn Ngọc Đanh…
 
Ngoài ra, ông Khải còn nêu ra hàng chục trường hợp khác mà ông cho rằng, những người này đã chạy hồ sơ giả để hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, trục lợi tiền của Nhà nước. Từ những trường hợp nêu trên, ông Khải cho rằng, chắc chắn phải có một “đường dây” chạy chế độ chính sách và ai đó đã bảo kê để làm giả hồ sơ cho những trường hợp trên.
 
Chờ cơ quan công an điều tra
 
Sau khi nhận được phản ánh của ông Khải, chúng tôi đã đến xã Việt Hùng để tìm gặp những trường hợp “nghi vấn” làm giả hồ sơ để trục lợi.
 
Ông Nguyễn Văn Đanh - người bị “tố” làm giả hồ sơ để hưởng chế độ chất độc da cam - cho hay: “Ở trong quân đội, trường hợp nhầm tên đệm, tên lót không phải là hiếm. Tôi khẳng định, tuy tôi có hai tên nhưng chỉ là một người chứ không phải chạy hồ sơ gì cả”. Ngoài ra, ông Đanh còn trưng ra các quyết định hưởng chế độ bệnh binh, quyết định tuyển dụng công chức, thẻ Đảng viên, chứng minh thư nhân dân đều tên Nguyễn Văn Đanh. Ông Đanh cho biết, từ trước đến nay, ông chưa bao giờ được hưởng chế độ chất độc da cam, ông chỉ được hưởng chế độ bệnh binh 2/3.
 
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thưởng thừa nhận bản thân có hai tên là Trần Văn Thưởng và Trần Quang Thưởng, trong đó tên Trần Văn Thưởng là tên chính trong con dấu của xã. Giải thích về một người mà có hai tên, ông Thưởng nói: “Năm 1988, khi được phong quân hàm từ trung úy lên thượng úy thì tôi đang nằm trong viện. Việc Quân khu 5 đã nhầm tên lót của tôi từ “Văn” sang “Quang” sau này tôi mới biết. Tôi thấy việc ghi nhầm tên đệm trong quân đội diễn ra nhiều nên tôi cũng không kiến nghị gì. Năm 1996, tôi tham gia vào Ban chấp hành Đảng ủy xã thì lấy tên theo lý lịch Đảng nên đã dùng tên Trần Văn Thưởng”.
 
Một trường hợp khác là ông Nguyễn Viết Xuân (xóm bãi Trực Bình, xã Việt Hùng). Ông Xuân cho biết, ông sinh năm 1948, nhập ngũ tháng 5.1965, xuất ngũ tháng 9.1976 và được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhì. Trước khi, ông vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng…, năm 1968, vợ ông là bà Hoàng Thị Hoa có sinh được một người con trai. Sau đó, ông bà không sinh thêm được người con nào nữa… Năm 2008, ông làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp chất độc da cam và được hưởng trợ cấp từ tháng 6.2008.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Dương – Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Trực Ninh - cho biết: “Qua xác minh, trường hợp ông Nguyễn Viết Xuân có tham gia hoạt động ở vùng đất nhiễm chất độc hóa học và được thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng là đúng. Tại xã Việt Hùng, chỉ có ông Nguyễn Văn Đanh – cán bộ LĐTB&XH xã Việt Hùng - đang được hưởng chế độ bệnh binh 2/3, ông Đanh không nhận tiền chất độc hóa học da cam”.
 
Ông Dương cũng khẳng định, ông Trần Văn Thưởng và Trần Quang Thưởng là một. Ông Thưởng nhập ngũ tháng 2.1982, đến tháng 4.1989 được quân đội giải quyết cho hưởng chế độ bệnh binh 2/3 theo quyết định số 40/HKE của Bộ Tư lệnh QK5. Hiện nay, ông Thưởng được hưởng chế độ bệnh binh 2/3 và từ trước đến nay, ông Thưởng không hưởng chế độ chất độc hóa học da cam.
 
Ông Hoàng Đức Trọng - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định - cho hay, đơn tố cáo của ông Khải không gửi các sở, ngành của tỉnh mà gửi trực tiếp cho các cơ quan chức năng T.Ư. Về những tố cáo của ông Khải, ông Trọng cho biết: “Sau khi nhận được đơn phản ánh của ông Khải, Sở LĐTB&XH đã vào cuộc xác minh. Qua đó, các trường hợp được nêu theo đơn thư (trong đó có hai cán bộ xã Việt Hùng) đều tố cáo sai sự thật. Để xác minh có “đường dây” làm giả hồ sơ cho hơn 100 người nhận tiền trợ cấp của nhà nước như tố cáo của ông Khải hay không, cơ quan công an phải vào cuộc làm rõ”.
 
Theo Lao động


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.