Chúng tôi đến Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM vào một buổi chiều cuối năm, các bệnh nhân ung thư nằm chen chúc hàng lang, gốc cây,… của bệnh viện, đâu đó phát ra những tiếng rên rỉ của các bệnh nhân vì căn bệnh ung thư quái ác mà không hết xót xa.
Một cổ hai tròng
Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM là một trong những bệnh viện lớn của thành phố, các bệnh nhân từ các tỉnh lên đây khám bệnh và điều trị rất đông. Gánh nặng chi phí điều trị và cơm áo, gạo tiền đè nặng lên đôi vai bệnh tật của các bệnh nhân về đây chữa bệnh.
Bà Huỳnh Thị Nga (57 tuổi, ngụ Cà Mau) cho biết: “Tôi bị bệnh ưng thư xương, lên đây điều trị đã được hai tháng, do nhà nghèo không đủ tiền thuê phòng trọ ở nên đành nằm tạm ở hàng lang bệnh viện chờ đến lượt xạ trị tiếp theo. Lúc đầu tôi cũng thấy rất bất tiện vì việc ăn ở, vệ sinh nhưng ở rồi cũng quen, khi trời nắng thì đắp màn, khi trời mưa thì chịu khó lấy áo mưa che đồ đạc lại. Mong sao bệnh tình thuyên giảm để sớm về quê”.
Nằm bên hàng lang, ông Nguyễn Văn Năm (61 tuổi, ngụ Kỳ Hòa, tỉnh Phú Yên) chia sẻ: “Khổ lắm chú ơi! Bà con lên đây chữa bệnh, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên tá túc ở hàng lang bệnh viện thôi. Ra ngoài thuê phòng trọ thì từ 150.000 – 180.000 đồng/ngày, giá rất cao, thuê có một cái giường xếp cũng mất 60.000 đồng/ngày".
Dạo quanh trên con đường Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thanh (TP.HCM) cách Bệnh viện Ung Bướu 200 mét, chỉ cần đưa mắt chú ý đến những biển hiệu thuê trọ treo trước hàng quán là có đám “cò mồi” ùa ra lôi kéo, chào mời thuê phòng.
Thấy chúng tôi, một chị bán hàng chạy đến quảng cáo phòng trọ: “Em muốn tìm phòng trọ như thế nào, ở chị còn nhiều phòng lắm, phòng tập thể đã hết chỗ, còn phòng riêng, đầy đủ tiện nghi, nhà vệ sinh riêng giá 160.000 đồng/ngày. Nếu ở nhiều ngày thì sẽ còn 130.000 đồng/ngày, muốn rẻ hơn thì thuê giường hoặc chiếu với giá 40.000 – 60.000 đồng/ngày. Ở đây, phòng chị là rẻ nhất rồi”.
Theo chân chị đến phòng trọ, điều đập vào mắt chúng tôi là những căn phòng trọ nhỏ hẹp, xập xệ, tường thấm nước, đầy rêu xanh, ẩm thấp. Nhìn vào phòng trọ bênh cạnh, nhiều bệnh nhân sống chen chút nhau trong những căn phòng nhỏ hẹp này.
Đang ngồi ăn cơm chiều, Bà Ngọc (52 tuổi) chia sẻ: “Thuê trọ là chỉ để sống qua ngày và chờ điều trị rồi về quê, phòng ở đây hẹp nhưng giá lại rẻ nên chúng tôi chọn ở. Bà con ở đây, người đến ở một, hai ngày rồi đi cứ thế phòng không lúc nào cũng có người mới”.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện phòng Hành chính Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết, do bệnh viện quá chật, số lượng bệnh nhân từ các tỉnh về đây, khám và điều trị bệnh rất đông. Tình trạng quá tải là không tránh khỏi, vì vậy các hộ gia đình xung quanh lợi dụng kinh doanh phòng trọ giá cao để kiếm lời. Nhiều bệnh nhân không đủ điều kiện thuê chỗ ở bên ngoài, nên đành ở tạm ở hành lang bệnh viện. Hiện tại, chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa cho các bệnh nhân, bệnh viện đã quyết định xây dựng một cơ mới ở quận 9 để phục vụ người bệnh tốt hơn và giảm cảnh bệnh nhân nằm ngoài hành lang chờ điều trị nữa.
Tình thương bốn phương
Những mảnh đời kém may mắn khi mang trên mình căn bệnh ung thư quái ác, đến từ các miền quê nghèo khó, họ đến bệnh viện với chung một niềm hy vọng chung là được khỏi bệnh. Cuộc sống trạm bợ, qua ngày. Cùng nhau vượt qua bệnh tật, đùm bọc lẫn nhau chia nhau miếng cơm, sớm về nhà.
Chị Hồ Thanh Ngọc (46 tuổi) tâm sự: “Tôi bị ung thư máu, sống cũng chẳng được bao nhiêu ngày nữa. Khi lên đây, điều trị và ở chung với mọi người, thấy tình cảm nhiều người nơi đây thật tốt, điều này làm cho tôi có khát vọng sống hơn. Những lúc tôi tuyệt vọng, họ đến động viên, san sẻ từng viên thuốc… bảo vệ và lo cho nhau cùng nhau điều trị bệnh”.
“Sống chung ở bệnh viện, chuyện người đến, người chuyển đi là chuyện hằng ngày. Những cuộc chia tay buồn vui xen lẫn không hết chạnh lòng", ông Nguyễn Văn Tâm (59 tuổi) chia sẻ.
Dưới tán cây bệnh viện, nhìn mọi người cùng nhau chống chọi với căn bệnh ung thư, giành giật chút hy vọng sống mà không hết xót xa cho những mảnh đời không may mắn phải căn bệnh ung thư quái ác này.