"Tờ rơi cảnh báo cướp giật là việc bình thường!'

Những ngày qua, có nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh việc công an phường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM phát tờ rơi cảnh báo tình trạng cướp giật tới du khách. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng có ý kiến trao đổi với PV về việc này.

 Những ngày qua, có nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh việc công an phường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM phát tờ rơi cảnh báo tình trạng cướp giật tới du khách. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng có ý kiến trao đổi với PV về việc này.

Phát tờ rơi cảnh báo tội phạm

Vụ việc gây xôn xao khi mới đây công an phường Phạm Ngũ Lão, Q.1 cho in ấn, phát tờ rơi và gửi đến du khách nước ngoài có mặt trên địa bàn, chủ yếu ở khu “phố Tây” Phạm Ngũ Lão.

Các nội dung trong tờ rơi khuyến cáo du khách nâng cao cảnh giác trước các loại tội phạm đường phố đang diễn biến phức tạp.

tờ rơi, du khách, Phạm Ngũ Lão, công an, TPHCM, phố Tây, cướp, an ninh
Tờ rơi cảnh báo mà công an P.Phạm Ngũ Lão, Q.1 gửi du khách

Về việc phát tờ rơi, có nhiều ý kiến đồng thuận, cho là đúng và cần thiết. Tuy nhiên, một số ý kiến với lời lẽ nặng nề cho rằng đây là hành động “bôi nhọ” đất nước.

P.V VietNamNet ghi nhận ý kiến của du khách, là những người nhận được các tờ rơi khuyến cáo này.

Theo vợ chồng anh chị Danielle và Mette đến từ Đan Mạch: “Sau khi đọc hết nội dung cảnh báo, tôi thấy tờ rơi này rất hữu ích với những du khách lần đầu tiên đến Việt Nam như chúng tôi. Vì chỉ sau một thời gian ngắn ở đây, chúng tôi đã gặp không ít rắc rối.

Hôm qua, chúng tôi bắt taxi từ khách sạn để đến bến xe bus gần đó. Biết chúng tôi không thạo đường nên tài xế taxi đã chở chúng tôi đi lòng vòng khá lâu. Cuối cùng, chúng tôi phải trả 250 nghìn đồng cho một cuốc taxi mà tôi nghĩ đi bộ còn đến đích nhanh hơn. Ngoài ra, chúng tôi nghĩ là mình còn bị lấy đắt đôi lần khi mua đồ trên phố”.

Còn đôi bạn Cedric và Amandine đến từ Bỉ cho rằng: “Chúng tôi có biết về tờ rơi này vì đã ở TP.HCM được 2 tuần rồi. Tôi thấy nội dung cảnh báo được ghi trong tờ rơi chỉ phản ánh được một vài trường hợp thôi chứ chưa đủ. Như hôm trước, chúng tôi đi mua xăng thì thấy nhân viên cây xăng chưa đưa chỉ số về 0 mà đã đổ. May mà chúng tôi phát hiện ra.

tờ rơi, du khách, Phạm Ngũ Lão, công an, TPHCM, phố Tây, cướp, an ninh
Đôi bạn du khách đến từ Bỉ đang đọc tờ được công an phát 

Vậy nên tôi nghĩ, để không bị lừa đảo hay cướp giật thì quan trọng nhất vẫn là tự đề phòng. Nên nghiên cứu trước về nơi mình sẽ đến và luôn chủ động cảnh giác để tránh khỏi những rắc rối. Đó là kinh nghiệm mà chúng tôi có được sau khi đã đi qua nhiều nơi trên thế giới, bởi ở đâu cũng vậy thôi. Có tờ rơi cũng tốt, mà không có cũng chẳng sao”. 

Trong khi đó, Trung tá Nguyễn Văn Phước - Trưởng công an phường Phạm Ngũ Lão xác nhận, hiện việc phát tờ rơi đang tạm dừng lại, chờ ý kiến chỉ đạo.

Phía công an TP.HCM đang yêu cầu giải trình và Đội phong trào của Công an Q.1 đang thực hiện.

“Tôi đã trực tiếp tiếp xúc và ý kiến người dân phần lớn là đồng tình”, Trung tá Phước nói thêm.

“Việc làm hết sức bình thường”

Trung tá Phước cho hay, công an đã làm hết sức như thực hiện các biện pháp tuần tra, canh gác, kiểm soát… Nhưng ở khía cạnh phát tờ rơi, giúp người dân có ý thức hơn, nâng cao tinh thần cảnh giác, tự phòng, tự quản, tự giữ tài sản của mình, từ đó hạn chế được rất nhiều chuyện xảy ra.

tờ rơi, du khách, Phạm Ngũ Lão, công an, TPHCM, phố Tây, cướp, an ninh
Thông báo mới đây của công an P.Phạm Ngũ Lão, Q.1 gửi các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn, thông báo về tình hình tội phạm nước ngoài hoạt động trộm cắp... 

Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: “Mình phải ủng hộ việc làm đó, phải đồng cảm với công việc của anh em công an chứ!

…Phát tờ rơi để giúp du khách nâng cao ý thức cảnh giác, nhắc nhở mọi người cùng tham gia là cần thiết. Vừa qua, có một số tệ nạn, điển hình như kẻ nghiện ngập có những hành động cướp giật hết sức táo bạo, buộc phải có cảnh báo cấp thời”.

Vị Chủ tịch phân tích thêm, về phương thức đấu tranh thì có nhiều cách, không đơn thuần là việc phát tờ rơi, có những phương pháp vừa công khai, vừa bí mật; ngoài việc bố trí lực lượng công an, cùng các cơ quan khác tuần tra, kiểm soát, còn có mạng lưới trinh sát…

Mục tiêu chung là phải bảo vệ an toàn, không chỉ du khách mà phải an toàn cho nhân dân, chống lại các tệ nạn, điển hình như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo…”, ông Quân nhấn mạnh.

Còn theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo (đoàn luật sư TP.HCM), đây là việc làm rất tích cực, thể hiện sự thiện chí của chúng ta, mong muốn du khách sẽ được an toàn hơn trong thời gian du lịch tại Việt Nam.

tờ rơi, du khách, Phạm Ngũ Lão, công an, TPHCM, phố Tây, cướp, an ninh
Các công an gặp và phát tờ rơi cho du khách tại phố Phạm Ngũ Lão

Tuy nhiên, theo ông, thay vì phát tờ rơi cho du khách tại các điểm công cộng, nên tiến hành dưới hình thức là bảng thông báo ngay tại các cơ sở khách du lịch đang lưu trú hoặc lập nên các biển cảnh báo ở những nơi khách du lịch thường lui tới và dễ quan sát nhất…

Như thế sẽ tạo nên hình ảnh tích cực và hài hòa hơn là hình ảnh cảnh sát phải thường xuyên cầm các tờ rơi đi phát cho từng du khách nước ngoài.

Luật sư Thảo cũng cho hay, ông từng có dịp đi du lịch ở một số nơi như HongKong, Singapore, Nhật Bản… thấy chính quyền địa phương treo những biển cảnh báo khách du lịch và người dân địa phương về các tình hình an ninh trật tự là điều hết sức bình thường.

Họ treo các bảng cảnh báo, thậm chí bản tin cảnh báo ở những khu vực tập trung đông người, trạm xe điện ngầm... để hướng dẫn du khách. Khi đó với tư cách là một khách du lịch, tôi sẽ tự ý thức hơn trong việc bảo vệ tài sản của mình và cũng cảm thấy yên tâm hơn khi nhận được những cảnh báo này từ các nhà chức trách”, ông Thảo nói.

Ông này có ý kiến thêm: “Nếu chúng ta làm được như thế thì hình ảnh tích cực trong việc cố gắng ngăn chặn các tệ nạn xã hội của TP.HCM sẽ được các du khách nhìn nhận một cách thân thiện và yên tâm hơn”.

Theo Vietnamnet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.