Trải lòng của chàng trai chuyển giới từng sống những tháng năm như “địa ngục”

Năm tháng học trò, Dũng mang đầy kí ức buồn tủi. Bị bạn bè trêu chọc, thầy giáo quấy rối tình dục, người thân kì thị xem cậu như kẻ bệnh hoạn.

Năm tháng học trò, Dũng mang đầy kí ức buồn tủi. Bị bạn bè trêu chọc, thầy giáo quấy rối tình dục, người thân kì thị xem cậu như kẻ bệnh hoạn. Đã có lúc tuyệt vọng cùng cực, Dũng nốc cả vỉ thuốc ngủ tìm đến cái chết…

Ám ảnh vì bị thầy giáo sàm sỡ

Gặp người viết sau buổi diễn cho một công ty sự kiện tại TP.HCM, Huỳnh Chí Dũng (SN 1990) không ngần ngại khi vẫn để nguyên lớp trang điểm trên khuôn mặt thanh tú. Phải công nhận, nếu không biết trước khó ai nhận ra Dũng là một chàng trai. Dũng cao ráo trong váy áo nền nã duyên dáng, xinh xắn và dễ thương. Chàng trai này được sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh chị em gần bến phà cũ Rạch Miễu, tỉnh Bến Tre. Giọng nói nhẹ nhàng truyền cảm, Dũng thổ lộ rằng đang sống những tháng ngày ý nghĩa khi công khai giới tính thật. Cho dù cậu nhận lại không ít lời mỉa mai, giễu cợt và khinh bỉ.

Như thước phim vụng về quay chậm, Dũng ngậm ngùi kể về hơn 20 năm sống khổ sở trong cảnh “thân sâu hồn bướm” với bao cay đắng, tủi hờn. Hồi bé học mẫu giáo, Dũng hay mang búp bê vào lớp. Lên cấp một Dũng chỉ thích chơi với các bạn nữ. Năm học cấp hai, càng lớn mọi cử chỉ hành động của Dũng càng nhẹ nhàng, nữ tính. Bạn bè thấy vậy trêu chọc anh là “Pê đê”. Lần đầu được nghe hai từ “pê đê”, Dũng ngớ người ra chưa hiểu “mô tê ất giáp” gì thì đã bị bạn xúm lại nắm tóc, tụt quần “lêu lêu”. Buồn, sợ hãi Dũng xách quần vừa chạy vừa khóc vào xó lớp, ngồi thu lu một mình.

Lên phổ thông, cái danh từ “Pê đê” theo Dũng đến lớp mỗi ngày. Dũng chưa hình dung hàm ý mà đám bạn cùng trường dành cho mình và không một chút kiến thức về giới tính thứ ba. Dũng nhớ mỗi lần tập thể dục giữa giờ phải điểm danh quân số học sinh nam và nữ, nhiều bạn nói Dũng là nữ nên đẩy ra khỏi hàng học sinh nam. Giờ nghỉ chuyển tiết giữa buổi sáng và buổi trưa Dũng không dám ngủ, vì sợ bị trói vào ghế. Xe đạp hằng ngày Dũng đến trường cũng thường xuyên bị đâm lủng. Mười buổi học thì đến 9 buổi từ trường về nhà Dũng luôn trong bộ dạng thất thểu, quần áo xộc xệch vì những trò đùa ác ý của đám bạn.

Dũng ngày chưa công khai giới tính (ảnh do nhân vật cung cấp)

Thời đó, mỗi lần đến lớp là một “cực hình” đối với Dũng. Anh sợ hãi và luôn tự hỏi bản thân “Tại sao tôi bị đối xử như vậy?”. Dũng trầm tư nhớ lại: “Tôi thực sự hoảng loạn, nhưng không dám bày tỏ với ai kể cả bố mẹ và anh chị em trong gia đình. Mỗi lần bị bạn bè đem ra làm trò cười, xoay người như chong chóng, tôi lại chạy lên sân thượng của trường đứng khóc tu tu. Tôi nhớ nhất đó là khi thấy tôi bỏ chạy, một bạn nam trong lớp chạy theo giữ tôi lại và nói “Nếu Dũng là con gái, mình sẽ yêu Dũng đấy”. Cũng chính câu nói đó đã khiến Dũng mang trong mình nỗi mặc cảm “nam không ra nam, nữ không ra nữ”. Dũng mang máng hiểu ra “À mình giống con gái”.

Thế nhưng đối với Dũng, ký ức ám ảnh luôn lởn vởn trong những giấc ngủ chập chờn đến tận bây giờ đó là giờ lên lớp học thêm vi tính. “Vừa tan học, tôi tất tả chạy vào lớp. Vì đặc thù lớp học, mỗi học sinh ngồi trong một khuông nhỏ có vách ngăn với một chiếc máy tính để bàn. Thầy giáo đến gần giảng lại bài, qua loa dăm ba câu rồi cầm tay tôi lên vuốt ve, bảo sao tôi giống con gái. Nói rồi, thầy đứng sau ôm chầm lấy tôi. Trong khi các bạn khác đang lúi húi vào màn hình vi tính thì thầy bứt hết nút áo, sờ vào chỗ nhạy cảm của tôi…”, Dũng trào nước mắt.

Bàn tay bỉ ổi của thầy giáo lần mò tới đâu Dũng rởn da gà tới đó. Hoảng sợ, xấu hổ Dũng đứng phắt dậy, tay cầm nắm quần áo xộc xệch vừa chạy vừa khóc về nhà. Sau lần đó Dũng bỏ luôn lớp học thêm vi tính. Thấy con bỗng dưng nghỉ ngang lớp học, Mẹ Dũng nổi giận, mắng mỏ vì cho rằng con cái hư hỏng, ham chơi lêu lổng mà bỏ bê học hành. Nghe mẹ mắng, Dũng chỉ biết khóc và khóc. Dũng không biết phải bắt đầu từ đâu, phải nói những gì để mẹ hiểu và anh chọn cách im lặng. Suốt ngày đầu óc Dũng cứ quay cuồng, ám ảnh về hành vi đồi bại của gã thầy giáo, khiến điểm số trong lớp tụt dốc không phanh. Đêm ngủ Dũng nửa tỉnh nửa mê, ngày nghĩ sao đêm mơ vậy. 

Ước muốn sống đúng bản ngã

Cho đến đầu năm học mới, khi Dũng đang loay hoay viết những dòng thư với đầy nỗi hờn tủi thì cô giáo chủ nhiệm vô tình đọc được. Dũng giấu nhẹm mọi chuyện nhưng cô giáo vẫn nhận ra tổn thương mà Dũng đang cố nén trong lòng. Từ đấy, cô giáo luôn quan tâm động viên Dũng chuyên tâm học hành. Thế nhưng, như chim non sợ cành cong, Dũng chưa thoát ra được mặc cảm “thân sâu hồn bướm” nên e dè, mặc cảm, sống thu một góc cho riêng mình.

Tốt nghiệp phổ thông, Dũng khăn gói lên Sài Gòn. Sống nơi đô thị, có khi Dũng lâm vào hoàn cảnh thiếu thốn đến nỗi, phải chấp nhận quan hệ tình dục với bạn cùng lớp, để họ mời đi ăn một dĩa cơm, uống một ly nước…Dằn vặt, khổ sở Dũng quyết định gọi điện về cho mẹ nói sự thật: “Mẹ ơi, có lẽ con yêu đàn ông. Con xin lỗi, con không thể trở thành đứa con trai mà mẹ mong muốn, không thể có vợ, có con cho mẹ ẵm bồng”.

…Và bây giờ là “cô gái Nhã Kỳ” nền nã trong chiếc váy dài.

Dũng vẫn nhớ như in từng câu mẹ nói với mình: “Tao sinh ra mày là con trai chứ không phải là con gái, ở Sài Gòn mày sống như thế nào cũng được, nhưng về đây mày đừng để cho ai biết, tao không muốn người ta nói tao vô phước. Mày mà mặc đồ con gái, tao tống cổ mày ra đường, đừng có hòng mà quay về nhà nữa”. Nghe đến đấy, Dũng chỉ biết khóc và nói ngàn lời xin lỗi với mẹ.

Rơi vào nỗi tuyệt vọng cùng cực, Dũng nghĩ đến cái chết. Ngay tối hôm đó, anh nốc cả vỉ thuốc ngủ vào mồm. Đôi mắt mở to trừng trừng nhìn lên trần nhà nhưng Dũng không chết. Người ngoài không cảm thông đã đành, bị chính người thân ruột rà xa lánh Dũng hoàn toàn suy sụp. Về thăm nhà, Dũng không được ngồi chung bàn ăn, phải ăn uống riêng với mọi người. Nhiều lúc ngẫm nghĩ Dũng cười vô hồn, mọi người xa lánh anh như một kẻ đang mang mầm bệnh lây nhiễm chết người.

“Về quê con nít thấy tôi ở đâu là chạy vây quanh xem như “vật thể lạ”. Có lần đứa em gái cầm ly nước của tôi uống, nó liền bị mẹ đánh vào tay và quát “Mày có biết thằng Dũng bệnh hoạn không mà dám lấy cái ly nó uống?. Chắc tại mẹ “thấy gớm”. Phải mất một thời gian sau mẹ và anh chị mới hiểu cho tôi và bắt đầu thay đổi suy nghĩ, định kiến về tôi”, Dũng tâm sự.

Dù biết khi công khai giới tính, cuộc sống sẽ gặp nhiều gập ghềnh, trắc trở nhưng Dũng vẫn mong muốn mình sẽ trở thành một con người khác xa so với quá khứ. Ít nhất là sống thật với bản ngã của mình. Công việc hiện giờ của Dũng sau khi ra trường đó là một diễn viên múa tự do. Từ ngày công khai giới tính Dũng luôn muốn người khác gọi mình là Nhã Kỳ, cái tên nghe rất nữ tính. Và giấc mơ cuộc đời của Dũng đó là được sống với thân phận một cô gái đúng nghĩa. 

Ái Thụy/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.