Trái tuyến, vượt tuyến: Không trả bảo hiểm y tế

Dù có chậm và sai sót, BHXH Việt Nam hứa thực hiện đầy đủ quyền lợi cho bệnh nhân BHYT.

Dù có chậm và sai sót, BHXH Việt Nam hứa thực hiện đầy đủ quyền lợi cho bệnh nhân BHYT.

Chiều 19-1, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin, giải đáp những phản ánh của báo chí liên quan đến việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, thừa nhận sau gần 20 ngày thực hiện Luật BHYT sửa đổi vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.

Quyền lợi được đảm bảo dù chậm cấp, đổi thẻ

Trả lời thắc mắc về việc chậm triển khai cấp lại, đổi thẻ BHYT theo mẫu mới; in thêm thời gian tham gia năm năm liên tục trên thẻ BHYT và nhiều sai sót thông tin trên thẻ, ông Thảo cho rằng do nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện Luật BHYT sửa đổi chậm nên việc ban hành văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam cũng chậm. Từ đó ảnh hưởng tới tiến độ cấp lại, đổi thẻ cho các nhóm đối tượng điều chỉnh mức quyền lợi hưởng và các đối tượng có thẻ BHYT hết thời hạn sử dụng.

Về việc in thêm thời gian tham gia năm năm liên tục trên thẻ BHYT, ông Thảo cho biết hiện nay BHXH mới cấp mã số định danh cho đối tượng tham gia cả BHXH và BHYT mà chưa cấp mã định danh cho đối tượng chỉ tham gia BHYT nên gặp khó về thông tin cá nhân. Ngoài ra, ông Thảo cũng thừa nhận do danh sách các đơn vị quản lý đối tượng tham gia BHYT lập chuyển cho cơ quan BHXH còn nhiều sai sót như sai lỗi chính tả, thiếu ngày tháng năm sinh, nhân thân sai lệch so với giấy tờ tùy thân nên dẫn tới tình trạng phải cấp lại, đổi thẻ cho người tham gia BHYT.
 

Người bệnh mong muốn ngành y tế nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh BHYT. Trong ảnh: Chờ khám tại BV K Trung ương Cơ sở Tân Triều. Ảnh: HUY HÀ

Trả lời về việc quyền lợi người bệnh có bị ảnh hưởng khi chậm cấp đổi thẻ, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách - BHXH Việt Nam, cho biết để đảm bảo quyền lợi cho người mua BHYT không bị gián đoạn, BHXH Việt Nam đang khẩn trương áp dụng nhiều giải pháp vừa cấp đổi thẻ mới, vừa tiếp tục tổ chức cho người tham gia BHYT được khám, chữa bệnh liên tục theo chế độ hiện hành.

“20 ngày qua đã có 30 triệu thẻ đã được cấp đổi theo mẫu mới. Người chưa nhận được thẻ BHYT mới vẫn được sử dụng thẻ cũ nếu còn thời hạn với quyền lợi mới theo luật. Với những thẻ có sai lệch thông tin do lỗi cơ quan bảo hiểm vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi khám, chữa bệnh trong khi chờ đổi thẻ” - ông Sơn nói.

Người bệnh có thể tự yêu cầu chuyển tuyến

Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, người khám bệnh vượt lên tuyến trung ương khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được chi trả. Người bệnh chỉ được thanh toán 40% khi nằm viện điều trị nội trú ở tuyến trung ương, 60% ở tuyến huyện và 70% ở tuyến tỉnh. Từ 1-1-2016 sẽ được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú trong cùng địa bàn tỉnh. Trước đó, người bệnh đi khám, chữa bệnh trái tuyến được chi trả ở các mức 30%, 50% và 70% chi phí điều trị.

Giải đáp về vấn đề này, ông  Sơn cho biết việc cắt giảm, không thanh toán một số khoản chi phí đối với người bệnh vượt tuyến lên trên điều trị ngoại trú là nhằm giảm tải ở tuyến trên.

Ông Sơn thông tin việc không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT ngoại trú khi bệnh nhân tự ý đi khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến đã được cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định. “Theo thống kê, có đến 70% bệnh hoàn toàn có thể điều trị tại tuyến dưới. Việc không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT ngoại trú tại tuyến trên nhằm mục đích giảm tải ở các tuyến này” - ông Sơn giải thích.

Trả lời câu hỏi người dân muốn chuyển lên tuyến trên một phần là do không tin tưởng tuyến dưới hoặc bệnh nặng quá muốn chuyển lên tuyến trên để điều trị vì thực tế đã xảy ra trường hợp tuyến dưới điều trị không hiệu quả, ông Sơn cho biết việc chuyển tuyến là do cơ sở khám, chữa bệnh căn cứ tình hình bệnh tật của người bệnh và khả năng chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo quy định của Bộ Y tế, trường hợp người bệnh tự yêu cầu chuyển tuyến thì cơ sở khám, chữa bệnh giải quyết cho người bệnh để bảo đảm quyền lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh. “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi chuyển người bệnh đi phải cung cấp thông tin để người bệnh biết về phạm vi quyền lợi và mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT khi khám, chữa bệnh không theo đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật” - ông Sơn nói.
 

57.000 thẻ BHYT học sinh bị in sai ngày sinh

Ông Chu Minh Tộ, Trưởng ban Sổ thẻ - BHXH Việt Nam, thừa nhận có 57.000 thẻ BHYT của học sinh bị in sai ngày tháng năm sinh. Theo ông Tộ, trong số 57.000 thẻ này có trên 41.100 trường hợp là do nhà trường lập danh sách chuyển sang không có ngày tháng năm sinh nên phần mềm tự động in ngày tháng năm sinh là 1-1-2015. Còn lại 17.000 thẻ là do cơ quan BHXH lập sai. BHXH sẽ yêu cầu cấp lại thẻ cho các em.

64triệu người tham gia BHYT tính đến thời điểm hiện nay theo BHXH Việt Nam, đạt tỉ lệ 71%. Nợ đọng BHXH trên cả nước còn gần 7.300 tỉ đồng.
 
 
Theo Huy Hà - Dương Ngân (Pháp Luật TPHCM

Bình luận