Tranh cãi về câu thơ trong đề thi: Em gái cố nhà thơ lên tiếng

Ở câu 1 phần đọc hiểu bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ, phần trích đoạn thơ có câu "Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa" gây tranh cãi.

Ở câu 1 phần đọc hiểu bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ, phần trích đoạn thơ có câu "Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa" gây tranh cãi.

Nhiều giáo viên cho rằng, câu đó phải là "Ôi Tiếng Việt như đất cày, như lụa".

Bộ Giáo dục - Đào tạo ngay trong chiều tối 2/7 đã khẳng định đề thi Văn 2016 trích thơ không sai và câu thơ "Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa" là chính xác theo nguyên bản.

Vậy, câu thơ "Ôi Tiếng Việt như đất cày, như lụa" được trích dẫn ở đâu và vì sao nhiều giáo viên lại cho rằng câu này đúng?

Trả lời trên tờ Gia đình & Xã hội, PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học, là em gái cố nhà thơ Lưu Quang Vũ) chia sẻ, trên thực tế có tồn tại 2 bản song song với nội dung khác nhau đó là: "Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa" và "Ôi Tiếng Việt như đất cày, như lụa".

Bà cho hay, khi in bài thơ Tiếng Việt lần đầu trên báo Văn nghệ, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã biên tập và sửa thành "như bùn" và từ đó trên nhiều sách báo sử dụng văn bản này.

"Cho đến khi làm Tuyển thơ, gia đình căn cứ vào bản thảo viết tay của anh Vũ còn lưu giữ được, chúng tôi đã phục nguyên văn bản bài thơ theo đúng bản gốc", tờ VOV thuật lại lời PGS.TS Khánh Thơ.

Trên tờ Vietnamnet, PGS Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM thông tin:

"Bài thơ Tiếng Việt với câu thơ "Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa" được công bố trên báo Văn nghệ năm 1978, in trong Lưu Quang Vũ, Thơ tình, NXB Văn học, 2002.

Còn bài thơ Tiếng Việt với câu thơ "Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa" in trong tuyển tập Thơ Việt Nam 1945 – 1985, NXB Giáo dục năm 1985, xuất phát từ bản thảo của chính tác giả".

PGS Giang cho hay, việc sửa chữa từ "như bùn" sang "như đất cày" cũng đã được tác giả đồng ý. Ông đánh giá, cả hai câu thơ đều có giá trị và dùng bản thảo nào cũng được.

Cô Nguyễn Thị Minh Ngọc (giáo viên Văn Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM) nói trên tờ Pháp luật TP HCM, hai từ "như đất cày" và "như bùn" không có gì sai về ngữ nghĩa và "quan trọng là trong đề thi đã trích đúng nguồn".

Tranh cãi về câu thơ trong đề thi: Em gái cố nhà thơ lên tiếng - Ảnh 1.

Trích đoạn thơ trong bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ được Hội đồng ra đề thi trích dẫn từ bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong cuốn Thơ Việt Nam 1945-1985

Ở một góc độ khác, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm về việc hai từ "như bùn" và "như đất cày" khác nhau. 

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) chia sẻ trên tờ VOV: "Từ "đất cày" là những gì hình tượng gần gũi, thân thương với người dân Việt Nam từ bao đời nay. 

Nếu thay vào đó là "như bùn" thì có thể khiến người đọc liên đới đến những cái gì đó không sạch cho lắm, có phần biểu tượng của sự tối tăm, gian khổ chứ không có biểu tượng gì gắn với sự mượt mà, tinh tế của tiếng Việt".

Đồng quan điểm với GS Thuyết,  TS Trịnh Thu Tuyết  (nguyên giáo viên môn văn, Trường THPT Chu Văn An Hà Nội) nói trên Pháp luật TP HCM rằng, dùng từ "như đất cày" sẽ hay hơn "bởi gợi lên sự bình dị và mộc mạc của tiếng Việt, nhưng lại rất tinh tế".

Tranh cãi về câu thơ trong đề thi: Em gái cố nhà thơ lên tiếng - Ảnh 2.

Trong tuyển tập thơ "Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành lại ghi là "Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa". Ảnh: VOV

Tranh cãi về câu thơ trong đề thi: Em gái cố nhà thơ lên tiếng - Ảnh 3.

Câu thơ trong tuyển tập thơ "Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi". Ảnh: VOV

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.