Trẻ con chết oan uổng do ban công thấp, giếng trời không rào chắn ở chung cư cao tầng

Những trường hợp trẻ tử vong do rơi từ các tầng cao chung cư xuống đất xảy ra liên tiếp gần đây khiến nhiều cư dân sống ở chung cư lo ngại

Những trường hợp trẻ tử vong do rơi từ các tầng cao chung cư xuống đất xảy ra liên tiếp gần đây khiến nhiều cư dân sống ở chung cư lo ngại, khi vẫn đang còn những ban công, cửa sổ không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Nhiều trẻ chết oan vì rơi từ tầng cao chung cư

Với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, chung cư được coi là lựa chọn ưa thích của nhiều hộ gia đình trẻ. Tuy nhiên, không phải chung cư nào cũng đạt chuẩn về đảm bảo an toàn cho cư dân. Thời gian vừa qua đã có rất nhiều vụ tai nạn trẻ em rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong hoặc bị thương nặng. Riêng trên địa bàn Hà Nội cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm do rơi từ chung cư cao tầng xuống đất. Phòng Lao động thương binh và xã hội quận Long Biên cũng đã thống kê, trong vòng 3 năm trở lại đây, ngoài trường hợp của cháu bé 8 tuổi mới tử vong, thì trên địa bàn quận Long Biên cũng xảy ra 5 trường hợp tương tự.

Cụ thể, vào khoảng 20 giờ ngày 30/10 tại tòa nhà K6 (KĐT Việt Hưng – Long Biên) 1 cháu bé 8 tuổi đã rơi xuống khu vực giếng trời từ tầng 11 xuống tầng 2. Tại chung cư này mặt trước và mặt sau đều có khu vực giếng trời để thoáng khí và lấy ánh sáng cho cả tòa nhà, tuy nhiên giếng trời này xuyên suốt các tầng và ở mỗi tầng đều không có lan can. 

Theo chị Tâm (bác nạn nhân), vào thời điểm trên, cháu N.A đang chơi với 4 người bạn cùng tầng 11 cười đùa vui vẻ, sau đó, cháu N.A cùng 2 người bạn trèo lên đoạn lan can thì không may bị rơi xuống phần mái tầng 2 tử vong tại chỗ. Thấy bạn bị rơi, một người bạn của cháu N. A đã chạy vào phòng của gia đình thông báo cho bố mẹ cháu N.A biết. Vậy là chỉ một phút trẻ con đùa nghịch không để ý, người lớn không giám sát, một đứa trẻ đã phải mất mạng oan uổng.

tai nan chung cư
Chung cư K6 KĐT Việt Hưng nơi xảy ra tai nạn thương tâm của cháu bé 8 tuổi. Cách tòa nhà này hơn 100 mét, năm 2015, một cháu bé 5 tuổi cũng bị rơi từ tầng 6 của tòa nhà và tử vong.

tai nan chung cư
Những chiếc giếng trời sâu hút như thế này được rất nhiều chung cư, khu tái định cư, nhà ở xã hội thiết kế và xây dựng.

Ngày 16/3/2015, người dân sống tại tòa nhà CT19, KĐT Việt Hưng (Long Biên - Hà Nội) hốt hoảng khi phát hiện một bé trai 5 tuổi rơi từ tầng 6 xuống. Ngay sau khi phát hiện sự việc, người dân đã nhanh chóng đưa cháu bé đi cấp cứu tại BV Đa khoa Đức Giang, sau đó được chuyển lên BV Việt Đức cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch. Sau đó, bé đã tử vong vì bị thương quá nặng.

tai nan chung cư
Cửa kính đóng mở và có khoảng hở lớn như thế này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đối với trẻ.

Mới đây, vào giữa tháng 7/2016, tại tòa nhà Rainbow Linh Đàm (Hoàng Liệt – Hoàng Mai) một cháu bé 6 tuổi cũng đã rơi từ tầng 11 xuống tầng 2 tại khu vực giếng trời tử vong. Theo tìm hiểu thì gia đình nạn nhân sống trên tầng 11, tại khu vực tiếp giáp với giếng trời không được lắp lưới an toàn nên khi cháu bé leo lên cửa sổ chơi thì bị té ngã.

Những cái chết thương tâm, oan uổng của trẻ con ở chung cư đã khiến không ít bậc cha mẹ cả nước thấy lo sợ, giật mình.

Những tai nạn trên là những hồi chuông cảnh báo đáng báo động đối với an toàn ở các chung cư cao tầng, khi lan can, giếng trời, cửa sổ không song sắt đều trở thành những cái "bẫy" cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em đang ở lứa tuổi hiếu động, mải chơi, không để ý nguy cơ tiềm ẩn xung quanh mình...

Những chiếc “bẫy” đáng sợ vẫn tồn tại

Ngay trong chiều ngày 31/10, chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại nhiều chung cư tại Hà Nội và nhận thấy nhiều người vẫn còn thờ ơ, chưa nhận thức hết được hết nguy cơ tai nạn đối với con nhỏ từ những ban công, cửa sổ không có thiết bị bảo vệ ở các căn hộ. 

tai nan chung cư
Nhiều cha mẹ vẫn chưa thực sự quan tâm đến trẻ nhỏ khiến chúng có thể gặp nạn bất cứ lúc nào. 

tai nan chung cư
Nhìn những bộ quần áo đang phơi này cho thấy trẻ của gia đình này cũng mới lên 2 lên 3 nhưng họ lại không hề lắp lưới an toàn, lưới bảo vệ ban công.

Khảo sát cho thấy rất nhiều gia đình sống tại KĐT Việt Hưng, Đại Thanh, La Khê, Linh Đàm, Nam Trung Yên, Dương Nội cũng đang sống chung với những cái "bẫy" chết người từ lan can, cửa sổ... Ban công, cửa sổ ở một số chung cư tuy được xây lan can khá cao nhưng với những trẻ lớn, nghịch ngợm, biết leo trèo thì vẫn có thể xảy ra tai nạn.

tai nan chung cư
Cửa sổ giếng trời tại một chung cư ở Hà Đông mở suốt ngày mà không có ai giám sát.

tai nan chung cư
Hành lang sinh hoạt chung của cư dân trên mỗi tầng đều có cửa sổ mở ra bên ngoài như thế này.

Hiện nay, hầu hết các chung cư đều khuyến khích người dân lắp lưới an toàn hoặc cửa khung thép để đảm bảo tính mạng, phòng ngừa tai nạn, nhưng trên thực tế, rất nhiều gia đình sống tại các chung cư lại phớt lờ, bỏ qua việc lắp lưới an toàn hoặc làm cửa khung sắt vì chủ quan.

Ghi nhận tại nhiều tòa chung cư thuộc KĐT Nam Trung Yên cho thấy, bên cạnh những gia đình chủ động lắp lưới an toàn hoặc thuê thợ lắp hệ thống cửa sắt tại lan can, ban công hoặc cửa sổ thì vẫn có nhiều gia đình vẫn để lan can trống rất nguy hiểm.

chung cư
Một căn hộ tại KĐT Nam Trung Yên dù ban quản lý khuyến khích việc lắp lưới an toàn, khung sắt nhưng gia đình không lắp.

Trao đổi với chúng tôi, chị Hòa Vân - trú tại KĐT Nam Trung Yên cho biết: "Ban quản lý cũng không cấm việc lắp lưới an toàn hoặc cửa sắt gì cả nên rất nhiều gia đình đã chủ động lắp nếu có trẻ con. Nhưng một số gia đình có thể vẫn chưa ý thức được sự hiểm nguy hoặc tiết kiệm nên họ đã không thực hiện lắp lưới an toàn cho các loại cửa của căn hộ".

chung cư
Nhiều gia đình cẩn thận còn làm khung sắt an toàn như thế này, vừa chống trộm, vừa giữ an toàn

Theo khảo sát của PV, hiện nay lưới an toàn có giá rất rẻ, nhiều đơn vị đang chào bán với giá chỉ từ 110.000 - 130.000 đồng/mét vuông. Nếu một căn hộ có diện tích 100 mét vuông, diện tích lan can, các cửa sổ chỉ trên dưới 10 mét vuông và tổng tiền bỏ ra để đảm bảo an toàn chỉ trên dưới 1 triệu đồng. Đối với những căn hộ nhỏ khoảng 50-60 mét vuông, số tiền lắp đặt lưới an toàn chỉ rơi vào khoảng 600 nghìn đồng. Tuy nhiên qua khảo sát sơ bộ, sợ xấu cảnh quan, tiết kiệm chi phí và chủ quan, nhiều gia đình vẫn thoải mái sống chung với phần lan can vừa thấp, vừa nguy hiểm do không có hàng rào bảo vệ.

chung cư
Một tòa nhà chung cư cũ có giếng trời đi qua 1 dãy dọc các căn hộ. Giếng trời thông với cửa sổ của từng nhà đã từng là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em rơi xuống, chết thảm.

Nhiều gia đình cẩn thận hơn đã dùng biện pháp làm song cửa sắt cố định, đối với loại cửa sắt có giá cao hơn gấp 3-4 lần. Các ban quản lý chung cư cũng có quy định cụ thể về việc lắp các khung, cửa kiểu này.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thế Vĩnh - quản lý của một đơn vị vận hành tòa nhà chung cư tại Hà Đông cho hay: "Ban quản lý tòa nhà không cấm cư dân lắp cửa sổ sắt để đảm bảo an toàn nhưng gia đình nào muốn lắp cửa sắt, khung sắt phải xin phép và đặt cọc số tiền 3 triệu đồng trước khi thi công. Trong quá trình lắp đặt, gia đình phải đảm bảo an toàn cho các hộ khác, không làm ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà. Sau khi thi công xong thì ban quản lý sẽ có người lên nghiệm thu, nếu không phát hiện vi phạm sẽ hoàn lại số tiền đã đặt cọc".

Số liệu ở 1 quận: Mỗi năm trung bình 2 trẻ ngã từ tầng cao chung cư

Sau vụ tai nạn vừa rồi, đại diện Phòng Lao động thương binh và xã hội quận Long Biên cũng đã thống kê, trong vòng 3 năm trở lại đây, ngoài trường hợp của cháu bé 8 tuổi mới tử vong, thì trên địa bàn quận Long Biên cũng xảy ra 5 trường hợp tương tự. Bởi lẽ, vào thời điểm xây dựng các tòa nhà chung cư, khu đô thị lan can còn thấp, ban đầu đối với trẻ nhỏ từ 3 – 4 tuổi thì không thể trèo lên được nhưng khi các cháu lớn lên, do tính hiếu động đã trèo lên lan can và do sơ suất đã xảy ra sự việc đáng tiếc.

Hiện tại phòng diện Phòng Lao động thương binh và xã hội cũng đang lên phương án, đề xuất với phòng quản lý đô thị và tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đưa ra kế hoạch cụ thể để khắc phục tình trạng này như gia cố bên ngoài các tòa nhà chung cư trên địa bàn quận hay làm lan can theo hướng cửa kính và để lỗ thoáng thông gió phía trên có lưới bảo vệ.
 Theo Lê Bảo / Trí Thức Trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.