Truyền thông nước ngoài tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Các hãng thông tấn nước ngoài đưa tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời hôm nay, đồng thời ca ngợi tài năng và những chiến thắng vang dội trong sự nghiệp của ông.

Các hãng thông tấn nước ngoài đưa tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời hôm nay, đồng thời ca ngợi tài năng và những chiến thắng vang dội trong sự nghiệp của ông.

“Võ Nguyên Giáp, vị tướng sáng suốt và tự học để chỉ huy quân đội đánh bại quân Pháp và buộc người Mỹ phải từ bỏ nỗ lực hung bạo nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, vừa qua đời ở tuổi 103”, AP đưa tin.

Truyền thông nước ngoài tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: AFP.

Đại tướng Giáp qua đời lúc 18h9 hôm 4/10 tại bệnh viện quân y 108, nơi ông đã điều trị từ năm 2009. Ông bước sang tuổi 103 cách đây hơn một tháng. AP nhận định rằng di sản cách mạng của tướng Giáp rất lớn.

“Vị tướng được mệnh danh là ‘Napoleon đỏ’ đã lãnh đạo một đội quân du kích. Họ cắt lốp ô tô để làm dép cao su. Song những người lính ấy đã kéo pháo qua những quả núi để bao vây và nghiền nát quân đội Pháp tại thung lũng Điện Biên Phủ vào năm 1954. Chiến thắng không tưởng ấy, vẫn đang hiện diện trong giáo trình của các trường quân sự, không chỉ đưa Việt Nam tới nền độc lập, mà còn đẩy nhanh tiến trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương và những khu vực xa hơn”, AP bình luận.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tướng Giáp tiếp tục đánh bại chính phủ miền nam Việt Nam, một chế độ do Mỹ hậu thuẫn, vào tháng 4/1975, thống nhất một đất nước từng bị chia cắt thành hai phần.

“Không cuộc chiến giải phóng dân tộc nào dữ dội và gây tổn thất lớn như cuộc chiến này. Nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu bởi vì với Việt Nam, không thứ gì quý hơn độc lập và tự do”, tướng Giáp nói với phóng viên AP vào năm 2005, khi cả nước chuẩn bị kỷ niêm 30 năm ngày giải phóng Sài Gòn. Đây là lần cuối cùng ông trả lời phỏng vấn của truyền thông nước ngoài.

BBC nói rằng tướng Giáp là vị chỉ huy quân sự đầu tiên đánh bại một cường quốc phương Tây ở châu Á, đồng thời là người đã áp dụng một cách hoàn hảo các chiến thuật chiến tranh du kích để chống lại một quân đội có vũ khí hiện đại hơn nhiều.

“Ông là người đạo diễn cuộc tổng tấn công vào quân đội Mỹ ở miền nam Việt nam vào dịp Tết âm lịch năm 1968, một trong những nhân tố khiến quân Mỹ phải rút khỏi Việt Nam”, BBC bình luận.

Truyền thông nước ngoài tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp 2

Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên tạp chí Times.

Truyền thông nước ngoài tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3

Thông tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được trang AFP đưa lên trang chủ.

Theo AFP, bài học quân sự đầu tiên của tướng Giáp, một cựu giáo viên lịch sử, là cách chế tạo lựu đạn trong một cuốn bách khoa toàn thư cũ.

"Những chiến thuật chiến tranh du kích của tướng Giáp là niềm cảm hứng của những người chống chủ nghĩa thực dân trên khắp thế giới", AFP khẳng định.

Stanley Karnow, một nhà báo và nhà văn người Mỹ, từng nhận định rằng tài năng quân sự xuất chúng của tướng Giáp đã đưa ông vào danh sách những nhà chỉ huy quân đội vĩ đại nhất lịch sử nhân loại.

"Tuy nhiên, khác với những vị tướng thiên tài như Ulysses S. Grant hay Douglas MacArthur của Mỹ, tướng Giáp giành được những thành công vĩ đại nhờ năng khiếu quân sự bẩm sinh, chứ không trải qua quá trình đào tạo chính thức", Karnow nhận xét.

Truyền thông nước ngoài tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp 4

Bài viết về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên tờ AFP.


Truyền thông nước ngoài tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp 5

Hãng tin Bloomberg cũng đưa tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên trang nhất.

Washington Post cho rằng tướng Giáp là một trong những nhà quân sự tài ba nhất trong việc triển khai thế trận chiến tranh nhân dân.

"Các nữ dân công vận chuyển vũ khí, đạn, lương thực và các thứ khác ra tiền tuyến. Trẻ em trở thành giao liên để thông báo cho bộ đội, du kích về sự di chuyển của đối phương qua các làng", tờ báo viết về thế trận chiến tranh nhân dân của Việt Nam.

Vị tướng huyền thoại tự học nghệ thuật chiến tranh theo cách cổ điển nhất: Chiến đấu.

"Mọi người dân Việt Nam đều là chiến sĩ. Mọi làng mạc và đường phố đều là chiến trường. Đất nước chúng tôi là một chiến trường lớn. Khi kẻ thù lọt vào chiến trường ấy, chúng tôi sẽ bao vây, tấn công và đánh bại họ", Washington Post dẫn lời ông.

Theo Zing/Tri thức, Kênh 14

Bình luận