Tự thiêu, xả súng - Người dân “tự xử” vì thiếu tin tưởng chính quyền!?

“Tình trạng “tự xử” trong bộ phận dân chúng như tự bắt trộm chó, tự thuê xã hội đen đòi nợ, tự thiêu, tự bắn cán bộ… là do việc không hành động, thiếu trách nhiệm của chính quyền khiến người dân thiếu tin tưởng”…

“Tình trạng “tự xử” trong bộ phận dân chúng như tự bắt trộm chó, tự thuê xã hội đen đòi nợ, tự thiêu, tự bắn cán bộ… là do việc không hành động, thiếu trách nhiệm của chính quyền khiến người dân thiếu tin tưởng”…

Đây là vấn đề ủy viên thường trực UB Tư pháp Đỗ Văn Đương đặt ra trong phiên thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác tư pháp năm 2013 tại UB Thường vụ QH hôm nay, 17/9.

Án chỉ “trôi” khi Thủ tướng yêu cầu báo cáo

Đánh giá chung kết quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm từ đầu năm đến giờ, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga ghi nhận, cuối năm 2012 đến đầu năm nay, QH hết sức lo lắng về việc bùng phát tội phạm, nhất là địa bàn các thành phố lớn nhưng thời điểm này đã có thể tạm yên tâm về tình hình chung.

Tuy nhiên, bà Nga vẫn nhận định tình hình không giảm độ phức tạp. Vị Phó Chủ nhiệm UB lo ngại về mức độ nghiêm trọng của vấn đề khi tình trạng bảo kê của một số cá nhân, tổ chức đã biểu hiện rõ ràng qua việc nhiều tội phạm diễn ra ngang nhiên, thậm chí ngay cạnh trụ sở cơ quan quản lý nhà nước. Xét lại vấn đề này, bà Nga cho rằng cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, khu vực hay vì “quy lỗi” cho Bộ trưởng, trưởng ngành.

Theo hướng suy luận này, đại biểu Đỗ Văn Đương cũng cho rằng báo cáo về tình hình tội phạm của Chính phủ chưa phản ánh đúng tình hình thực tế, những vi phạm trong y tế, giáo dục, khai thác tài nguyên khoáng sản… chưa đề cập mà lại “đổ hết tội” cho cơ quan pháp luật trong khi nhiều vấn đề phát sinh thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Ông Đương đề cập tình trạng “không hành động” của chính quyền địa phương. Dẫn chứng từ vụ trôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa, ông Đương khẳng định đủ căn cứ khởi tố bắt giam ngay người đứng đầu doanh nghiệp có hành động “lắt léo”, vi phạm hết sức nghiêm trọng nhưng địa phương không hề có động thái gì.

“Tình trạng “tự xử” trong một bộ phận dân chúng, từ việc tự vây đánh trộm chó đến chết, tự thuê xã hội đen đi đòi nợ, đến tự thiêu, tự bắn cán bộ… là do việc làm lơ, không hành động, thiếu trách nhiệm của chính quyền dẫn đến những việc làm bột phát, phản ứng” – ông Đương phân tích.

Mổ xẻ sâu thêm vấn đề, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Luật “phê” báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ vấn đề địa chỉ trách nhiệm, trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành hay Chủ tịch UBND, giám đốc Sở, trưởng ngành đến đâu.

Ông Luật dẫn lại chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa bàn để xảy ra tình trạng tội phạm có tổ chức, hoạt động kiểu băng nhóm xã hội đen. Dù vậy, nghịch lý vẫn diễn ra, từ vụ Tiên Lãng tới vụ nhân bản xét nghiệm ở Hoài Đức, vụ chôn thuốc sâu ở Thanh Hóa… chỉ khi lãnh đạo Chính phủ lên tiếng, yêu cầu xử lý nghiêm, báo cáo trong thời hạn cụ thể thì việc mới “chạy”, người dân mới yên tâm. Những vụ án hình sự nghiêm trọng khi CQĐT Bộ Công an vào cuộc thì cử tri cũng mới chắc mẩm sự việc được xử lý rốt ráo. Còn nếu cứ để địa phương xử lý, người dân sẽ vẫn lo lắng là việc lại… chìm xuồng.

Án tham nhũng “vướng” vì… tiêu cực

Nối tiếp bức xúc, đại biểu Đỗ Văn Đương chuyển sang vấn đề án tham nhũng, chức vụ, kinh tế khả năng phát hiện yếu, hạn chế. Cơ quan chức năng mới chỉ chủ yếu bắt được tham nhũng vặt. Một vụ tham nhũng lớn, việc khám phá có sức mạnh giải quyết cơ bản tình hình thì các cơ quan tư pháp chưa làm được.

Ông Đương chỉ thẳng “bệnh” ở đây là biểu hiện bao che phổ biến ở các cơ quan, địa phương.

Ngoài ra, đại biểu cũng phân tích: “Bất cập vì quy định trinh sát kinh tế không được “hành động” với cán bộ đảng viên khi người đó chưa bị khởi tố. Mà nếu không phải đảng viên thì nêu có cũng chỉ có thể tham nhũng vặt vì làm sao được đảm nhận những chức vụ cao”.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại phiên thảo luận về công tác
tư pháp năm 2013 của UB Thường vụ QH.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng phê hoạt động trinh sát, kinh nghiệm điều tra của lực lượng công an chưa tốt để phát hiện tham nhũng, có “đánh hơi” được tham nhũng thì cũng chưa làm trọn vẹn được, hoặc để bị can bỏ trốn hoặc kịp thời phi tang chứng cứ.

Ông Quyền cho biết, UB Tư pháp mới đây tiến hành giám sát ở nhiều cơ quan khối tư pháp, thấy nhiều địa bàn trong 2,5 năm chỉ xử lý được một vài vụ tham nhũng. Điều đó chứng tỏ công tác nghiệp vụ điều tra tham nhũng cơ bản là yếu, ngược hẳn với kết quả đấu tranh rất tốt, hiệu quả đối với nhóm tội phạm an ninh quốc gia.

Thực trạng quá trình điều tra án tham nhũng, chức vụ, kinh tế án kéo dài, đã kéo dài nhiều năm đến nay vẫn chưa có hướng khắc phục cơ bản. Nhiều trường hợp sau khi phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần thì “tội nhân” lại được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp kết luận đó là dấu hiệu bỏ lọt tội phạm rõ ràng vì có đến 90% các trường hợp được miễn trách nhiệm không đúng theo tinh thần quy định của luật. Trách nhiệm về việc này, ông Quyền cho rằng, có cả phần của CQĐT, VKS và tòa án.

VKS thì kháng nghị do ngại va chạm nên dù đã đề nghị truy tố về một tội danh khác với mức hình phạt khác nhưng kho tòa xử ra một hướng khác hẳn, áp dụng hình phạt nhẹ hơn rất nhiều nhưng cơ quan công tố vẫn không kháng nghị. Ông Quyền cho rằng đó là điểm bất bình thường trong hoạt động truy tố.

Còn về phía tòa, tình trạng cho hưởng án treo đối với nhóm tội phạm này, ông Quyền cũng kết luận là có biểu hiện nương nhẹ, thực hiện không pháp luật. Theo quy định, án treo chỉ được áp dụng với những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, khung hình phạt dưới 5 năm tù nhưng nhiều vụ tham nhũng rõ ràng tội phạm nghiêm trọng nhưng tòa vẫn áp dụng 2 tình tiết giảm nhẹ để xử mức phạt dưới khung và cho hưởng án treo.

Phó Chủ nhiệm Lê Thị Nga lại lo ngại về việc chất lượng làm án ở địa phương không “gợn” nhiều mà vấn đề là án trọng điểm, án tham nhũng nằm ở cấp TƯ thì chất lượng lại không đảm bảo. Tỷ lệ hồ sơ bị trả đi trả lại nhiều lần cao hơn nhiều so với địa phương.

Đặt câu hỏi về sự phi lý đó khi rõ ràng ở cấp cao tập trung nhiều cán bộ điều tra, truy tố giỏi, chất lượng điều tra lại không đạt, bà Nga lý giải là có tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Điều này dư luận, đơn từ tố cáo đã có nhiều, tổ chức Minh bạch cũng xếp hoạt động tư pháp ở top 5 trong thang cảm nhận tham nhũng.

Theo P.Thảo (Dân Trí)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.