'Về quê thăm chồng, nữ phu xe gặp cảnh uất nghẹn'

“Thân gái ôm nỗi buồn xa quê, đêm đêm bán sức ở chợ để kiếm chút tiền vun đắp cho mái ấm. Nhưng đổi lại, họ nhận không ít cay đắng, những đổ vỡ và mất mát…”

“Thân gái ôm nỗi buồn xa quê, đêm đêm bán sức ở chợ để kiếm chút tiền vun đắp cho mái ấm. Nhưng đổi lại, họ nhận không ít cay đắng, những đổ vỡ và mất mát…”, chị Phạm Thị Hậu (42 tuổi, Kinh Môn, Hải Dương) nói về bi kịch của nhiều nữ phu kéo ở chợ đêm lớn nhất Hà Nội.

Video: Cuộc sống về đêm của nữ phu xe chợ Long Biên (Hà Nội)


Nỗi sợ "những đêm ráo mồ hôi"

Những tháng cuối năm, chưa cận Tết, hàng hóa ở chợ Long Biên (Hà Nội) ế ẩm nên phu xe cũng ít việc, thậm chí là không có việc nhưng đêm đêm họ vẫn đều đặn đi làm và chỉ trở về phòng trọ khi trời đã sáng.

Chị Phan Thị Chiêm (quê Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Gần 10 năm làm phu xe, trừ ngày về quê có việc gia đình, vợ chồng tôi chưa nghỉ một buổi chợ nào. Đến chợ, cứ có việc là hai vợ chồng lao vào làm, không kén chọn đắt rẻ, ít nhiều. Mỗi tối kiếm được hơn 100 nghìn đồng là thấy quý rồi” .

Chị Phan Thị Chiêm (quê Vĩnh Phúc). Ảnh: Ngọc Trang

Theo lời chị Chiêm, những ngày Hà Nội ngày rét kỷ lục nhưng ít phu xe phải mặc áo ấm. Sau mỗi chuyến hàng họ kéo trên vai, mồ hôi lại toát ra đầm đìa.

“Công việc vất vả khiến nhiều cặp vợ chồng cãi nhau, thậm chí đánh nhau giữa chợ. Vậy mà đánh nhau xong, lúc đếm tiền công, hai vợ chồng lại cười như pháo rang. Còn các phu xe không có việc, cả đêm mồ hôi không ướt áo thì mặt mày méo xệch, bạn kéo xe hỏi cũng không buồn trả lời”, chị Chiêm thật thà chia sẻ.

Chính vì công việc vất vả nên khi tâm sự về sức khỏe, hầu hết các phu xe đều cho biết, họ luôn trong trình trạng đau lưng và ê ẩm mình mẩy.

Chỉ vào túi thuốc treo trên tường, chị Phạm Thị Huệ (SN 1975, Ý Yên, Nam Định) nhăn nhó kể, chị vừa phải ra hiệu thuốc. “Chúng tôi thường bị đau lưng, đau khớp. Mỗi lần đau, tôi lại ra hàng thuốc mua tạm để uống. Các loại thuốc này chủ yếu là giảm đau để tối lấy sức để kéo xe tiếp”.

Các phu xe thường dự trữ túi thuốc trong phòng trọ, có người không có tháng nào là không tốn tiền mua thuốc. Tuy nhiên chị tâm sự, việc ốm đau lặt vặt không sợ bằng những vụ tai nạn nghề nghiệp.

Mỗi năm đều có những phu xe phải bỏ việc vì tai nạn. Ảnh: Vũ Lụa

“Ở chợ Long Biên, mỗi năm đều có những phu xe phải bỏ việc vì tai nạn. Có người kéo xe hàng xuống dốc nhưng đang kéo thì phanh xe hỏng. Xe hàng đổ lên người gây gẫy chân, gẫy tay. Một vài trường hợp phu xe còn mất mạng. Đó là lúc họ mải mê kéo hàng không để ý xe tải đang lao đến. Hoặc họ vì tham hàng, chở nhiều và cố chen lên trước xe tải, bị xe chèn cả người lẫn hàng”, chị Tuyết nói.

Cách đây 8 năm, cả gia đình chị Tuyết từ quê lên Hà Nội mưu sinh. Hai vợ chồng chị kéo xe ở chợ, mỗi người một xe. Ngày đó con trai mới học lớp 3, để con ở nhà cùng ông bà, họ không yên tâm nên đưa con lên đây. Hằng ngày cậu bé đi học, đêm đến có hôm em ở nhà học bài, có lần em theo mẹ ra chợ kéo hàng.

“Chúng tôi không có hộ khẩu ở đây nên con phải học trường dân lập, tốn kém. Bố mẹ lại bận rộn vào ban đêm không kèm cặp con học được nhiều vì vậy chúng tôi không dám sinh thêm con. Muốn sinh con thì chỉ có cách là một người phải nghỉ việc”, chị buồn bã kể.

Vợ lăn lội phương xa, chồng ở quê vun tình mới

Làm công việc nguy hiểm, vất vả lại ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nhiều phu xe ở chợ Long Biên cho biết, điều làm họ tổn thương nhất chính là sự phản bội của người chồng ở quê.

Chợ Long Biên,Lao động nghèo,Phụ nữ
Ảnh: Vũ Lụa

Theo lời kể của chị Hậu, trong thời gian vợ lên chợ Long Biên làm phu xe, người chồng ở nhà đã nảy sinh tình cảm với một người phụ nữ khác. Tiền bạc vợ gửi về nuôi con, người chồng mang cho người tình. Người đàn ông này còn dẫn người phụ nữ khác về nhà...

“Tôi có người bạn, cùng lên Hà Nội làm phu xe từ cách đây 8 năm. Cả hai ở chung một phòng trọ giá 800 nghìn/tháng. Mỗi đêm, hai chị em đều đặn kéo xe ra khỏi nhà từ lúc 9 giờ tối để kiếm tiền gửi về cho chồng con ở quê. Tuy nhiên cách đây 2 tháng, người bạn này đã bỏ việc về quê”, chị Phạm Thị Hậu (42 tuổi, Kinh Môn, Hải Dương) cho biết.

“Hôm đó chị ấy bị ốm, không thể đi làm nên bắt xe về quê nghỉ ngơi ít ngày. Về đến nhà, chị bắt gặp chồng và người phụ nữ kia đang ở cùng nhau nên ghen tuông ầm ĩ. Sau đợt đó, chị quyết định thôi kiếp xa chồng làm thân phu kéo, bỏ nghề để về quê”- chị Hậu kể.

Nói bằng giọng cay đắng, chị Hậu cho rằng: “Rất nhiều phụ nữ làm phu kéo ở chợ này rơi vào hoàn cảnh như bạn của tôi. Nhưng đổi lại họ nhận không ít cay đắng, những đổ vỡ và mất mát…”.

Nhiều nữ phu xe cho rằng, tìm việc làm đối với những người phụ nữ không tiền, không trình độ và không còn tuổi trẻ là một bài toán khó. Ảnh: Vũ Lụa

Tuy nhiên khi được hỏi về phương án tìm một công việc khác để mưu sinh, chị Hậu lại lắc đầu. Chị cho rằng, tìm việc làm đối với những người phụ nữ không tiền, không trình độ và không còn tuổi trẻ như chị là một bài toán khó.

“Ở quê tôi khu công nghiệp mọc lên rất nhiều nhưng phụ nữ ở tuổi xế chiều như tôi không thể nộp hồ sơ. Nhiều người cũng khuyên tôi nên về quê chăn nuôi làm ruộng, nhưng ruộng bây giờ ít, buôn bán thì không có vốn, xin đi làm osin thì không phải lúc nào cũng gặp được người chủ tốt. Vì vậy chắc tôi vẫn gắn bó với công việc này không phải chỉ còn ngày một ngày hai…”, người phụ nữ tóc đã lấm tấm sợi bạc nói.

Theo VietNamNet


phu xe

chợ Long Biên


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.