VKSND Yên Bái "tước" quyền được bồi thường của người oan sai

Với 253 lá đơn trong suốt 20 năm lặn lội đi tìm lại công lý, ông Đặng Thuật - sinh năm 1933, trú tại tổ 18, phường Nguyễn Thái Học, thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Yên Bái) được VKSND Tối cao ra văn bản yêu cầu VKSND tỉnh Yên Bái hướng dẫn cho ông Thuật làm thủ tục bồi thường oan sai.

 Với 253 lá đơn trong suốt 20 năm lặn lội đi tìm lại công lý, ông Đặng Thuật - sinh năm 1933, trú tại tổ 18, phường Nguyễn Thái Học, thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Yên Bái) được VKSND Tối cao ra văn bản yêu cầu VKSND tỉnh Yên Bái hướng dẫn cho ông Thuật làm thủ tục bồi thường oan sai. Tuy nhiên, công văn này lại bị "ngâm" suốt 5 năm trời, chỉ tới lần làm giỗ thứ 5 (năm 2013) cho ông Thuật, gia đình mới được biết…


Ra án oan khiến cả gia đình "thân bại danh liệt"

Được biết, vào năm 1986, ông Đặng Thuật, nguyên là Phó ban Tài chính Quản trị tỉnh Yên Bái phải "thân bại danh liệt" vì trong cả 2 phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm ông Thuật bỗng nhiên bị TAND tỉnh Yên Bái kết luận phạm tội Tham ô tài sản XHCN khi "mua chịu" (có giấy tờ viết tay lưu lại phòng kế toán) vật tư.

Sự việc khiến cho ông Đặng Thuật cùng người thân hết sức bức xúc nên đã gửi đơn lên TAND Tối cao đề nghị xem xét. Đến năm 1989, trong bản án Giám đốc thẩm  do Chánh án TAND Tối cao Phạm Hưng ký đã quyết định: "Áp dụng khoản 3 điều 8 Bộ luật hình sự tuyên bố Đặng Thuật không phạm tội tham ô tài sản XHCN...".

Những tưởng sau quyết định tuyên vô tội này, ông Thuật sẽ được minh oan và phục hồi danh dự, quyền lợi. Vậy nhưng, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã không làm như vậy.

Trong gần 20 năm ròng ông Thuật liên tục có 253 lá đơn đề nghị được cơ quan tố tụng xin lỗi công khai, bồi thường danh dự, vật chất, tinh thần, nhân phẩm theo Nghị quyết 388 của Quốc hội, nhưng VKSND tỉnh Yên Bái vẫn không thực hiện và không có văn bản trả lời.

Thậm chí, lẽ ra Tỉnh ủy Yên Bái phải có quyết định “xóa án” để ông Đặng Thuật được tham gia sinh hoạt Đảng trở lại; đồng thời khôi phục chức vụ và tiếp tục bố trí công tác cho ông. Vậy nhưng Tỉnh ủy Yên Bái không những không thực hiện mà “buộc” ông Thuật về hưu với mức lương của chuyên viên, chứ không phải Phó ban.
Công văn của VKSND Tối cao yêu cầu VKSND tỉnh Yên Bái phải hướng dẫn ông Đặng Thuật gửi đơn yêu cầu bồi thường nhưng lại bị
Công văn của VKSND Tối cao yêu cầu VKSND tỉnh Yên Bái phải hướng dẫn ông Đặng Thuật gửi đơn yêu cầu bồi thường nhưng lại bị "ỉm" đi.


Rồi bỗng nhiên đến tháng 3/1997 (10 năm sau), mặc dù ông Thuật được cho phép sinh hoạt Đảng tại địa phương (phường Yên Ninh, TP Yên Bái), nhưng việc Tỉnh ủy Yên Bái không có văn bản xóa án kỷ luật và thông báo tại đảng bộ địa phương khiến nhiều đảng viên nơi ông Thuật sinh hoạt cho đến nay vẫn xem ông là người có tội.

Chiều 28/11, trao đổi với Đất Việt, một người cháu của ông Đặng Thuật tâm sự trong nước mắt, việc xử oan sai rồi không bồi thường không những khiến cho ông Đặng Thuật bị "thân bại danh liệt" mà cả 2 con ông là Đặng Thị Thanh Hải (44 tuổi) làm việc tại Ngân hàng Đầu tư năm 1991 bị đưa ra khỏi biên chế không lý do.

Con trai ông là Đặng Phú Cường (41 tuổi) làm việc tại Ngân hàng Đầu tư Yên Bái được 1 năm, sau đó cũng bị sa thải. Đau khổ tủi nhục bao trùm lên cả gia đình suốt hàng chục năm qua.

Năm 2008, ở cái tuổi 76, sức khoẻ của ông Thuật đã suy sụp trước sự im lặng của cơ quan tố tụng tỉnh Yên Bái khi không thừa nhận đã gây oan sai cho ông.

Cho đến tháng 10/2008 trước lúc ông qua đời, ông Thuật kêu vợ, các con cháu dặn lại câu cuối cùng: “Bằng mọi giá các con phải lấy lại danh dự và làm rõ những gì họ đã vu oan cho bố, bố chết mới nhắm được mắt…”.

Sự im lặng... đáng sợ!

Sự thật còn đau xót hơn khi sau gần 5 năm ngày mất của ông Đặng Thuật, con cháu mới phát hiện ra có một bản công văn ngày 16/7/2008 của VKSND Tối cao do ông Nguyễn Mạnh Hiền ký, gửi VKSND tỉnh Yên Bái với nội dung: “Theo xác nhận của VKSND tỉnh Yên Bái tại bản án Giám đốc thẩm ông Đặng Thuật không phạm tội tham ô tài sản XHCN.

Tại Điều 10 Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Tòa phúc thẩm TAND Tối cao. Vì vậy, nếu ông Đặng Thuật có đơn yêu cầu bồi thường gửi VKSND tỉnh Yên Bái thì VKSND tỉnh Yên Bái hướng dẫn ông Thuật gửi đơn đến Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội để được xem xét”.

Ông Đặng Thuật (Ảnh do gia đình cung cấp).
Ông Đặng Thuật (Ảnh do gia đình cung cấp).

"Thế nhưng, 5 năm trôi qua, trước lần giỗ thứ 5 này của ông tôi khoảng 15 ngày, gia đình chúng tôi mới phát hiện ra văn bản này. Và cho đến hôm nay nó vẫn đang bị ngâm ở một nơi nào đó. Nếu như ông tôi, gia đình chúng tôi biết được công văn này vào thời điểm năm 2008, chắc hẳn ông tôi đã được bồi thường và ra đi thanh thản.

Chúng tôi đề nghị VKSND Tối cao, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao cần kiểm tra lại và có những việc làm ngay, tuy muộn, công khai xin lỗi và đền bù thiệt hại cho ông tôi để ông được thanh thản", người cháu của ông Đặng Thuật lại nức nở.

"Cần phải có thời gian tìm lại hồ sơ"

Trao đổi với PV báo Đất Việt, ông Lương Văn Thức - Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái chia sẻ: Vụ án oan sai của ông Đặng Thuật tôi có được biết nhưng vào năm 2008 tôi chưa được bổ nhiệm chức Viện trưởng nên không nắm bắt được kỹ càng.

Nói về Công văn năm 2008 của VKSND Tối cao yêu cầu VKSND tỉnh Yên Bái hướng dẫn ông Đặng Thuật gửi đơn bồi thường nhưng bị "ỉm" đi gần 5 năm sau mới được phát hiện, ông Thức cho biết: "Tôi cũng không rõ là có công văn đó không vì thời điểm ra công văn đó tôi vẫn chưa được bổ nhiệm làm chức viện trưởng.

Trường hợp của ông Đặng Thuật cũng được nhiều người biết tới, cơ quan báo chí cũng viết nhiều về việc ông này bị oan sai nhưng thực chất không hẳn như thế. Trong phiên Giám đốc thẩm tuy có kết luận ông Đặng Thuật không phạm tội tham ô tài sản XHCN nhưng vẫn yêu cầu chuyển hồ sơ của tỉnh Hoàng Liên Sơn - Yên Bái xử lý bằng biện pháp khác".

Tuy nhiên, ông Lương Văn Thức không đưa ra được biện pháp xử lý cụ thể đối với ông Đặng Thuật cũng như  ông Đặng Thuật mắc tội gì, công văn quyết định số bao nhiêu...

"Sự việc này diễn đã cũng khá lâu, tôi lại không trực tiếp xử lý vụ việc nên cần phải có thời gian tìm lại hồ sơ", ông Lương Văn Thức kết lại.

Theo Báo Đất Việt



Bình luận