Vụ chùa Bồ Đề: Mua bán trẻ em thì có thể bị tù chung thân

"Có tới 11 trẻ em bị “mất tích” thì đây rõ ràng là một sự việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Nếu hành vi những đối tượng có liên quan đến sự việc có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật hình sự thì cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh tương ứng".

PV đã có cuộc trò chuyện với luật sư Trương Anh Tú quanh vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề.

- Một số người tố cáo rằng có tới 11 trẻ “mất tích” bí hiểm tại chùa Bồ Đề. Người chịu trách nhiệm về sự mất tích này sẽ bị khép tội gì và phải lĩnh án ra sao?

- Việc có tới 11 trẻ em bị “mất tích” thì đây rõ ràng là một sự việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, do vậy cần phải có một sự vào cuộc của cơ quan điều tra để làm sáng tỏ sự việc.

Nhiều người tố cáo đã có 11 trẻ bị mất tích ở chùa Bồ Đề.


Sau khi đã điều tra làm rõ được toàn bộ nội dung vụ việc, làm sáng tỏ được những người có liên quan, hành vi mà những đối tượng này đã thực hiện, đông cơ, mục đích… thì từ đó mới có thể xác định được trách nhiệm của những đối tượng này.

Nếu hành vi những đối tượng có liên quan đến sự việc có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật hình sự thì cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh tương ứng.

- Chùa Bồ Đề không có chức năng cho con nuôi. Tuy nhiên, có bằng chứng là giấy tờ sư Đàm Lan ký cho con nuôi. Vậy nhà sư sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này như thế nào, thưa ông?

- Một cơ sở không có chức năng cho con nuôi theo quy định của pháp luật thực hiện hành vi cho con nuôi thì đây là hành vi cho con nuôi trái pháp luật.

Hành vi cho con nuôi trái pháp luật là hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại điểm c khoản 4 Điều 50 của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 của Chính phủ quy định xủ phato vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bổ trợ tư pháp, Hành chính tư pháp, Hôn nhân và gia đình, Thi hành án dân sự, Phá sản doanh nghiệp, Hợp tác xã. Theo quy định của điều luật này thì hành vi cho con nuôi trái pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng và phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cho con nuôi trái pháp luật.

- Phạm Thị Nguyệt đã trao 35 triệu cho bảo mẫu Trang của chùa Bồ Đề để trở thành mẹ nuôi của bé Cù Nguyên Công lúc đó mới 1 tháng tuổi. Tuy nhiên, sau một thời gian Nguyệt nuôi thì bé Công đã bị chết. Theo ông, Phạm Thị Nguyệt có phải chịu trách nhiệm về cái chết của bé Cù Nguyên Công không?

- Theo tôi, để xác định rõ trách nhiệm của Phạm Thị Nguyệt đối với cái chết của cháu Cù Nguyên Công thì cơ quan điều tra cần phải tiếp tục điều tra làm rõ về nguyên nhân dẫn tới cái chết của cháu Cù Nguyên Công xem có phải cháu Cù Nguyên Mông chết do bị bệnh sởi không.

Trường hợp, cháu Cù Nguyên Công bị mắc bênh sởi thật và để chữa bệnh cho cháu, Phạm Thị Nguyệt có đưa cháu Công tới bệnh viện cứu chữa, nhưng do điều kiện khách quan mà cháu Công không qua khỏi thì Phạm Thị Nguyệt không phải chịu trách nhiệm về cái chết của cháu Công.

Khi bị bắt, Phạm Thị Nguyệt đang nuôi 2 bé. Tháng 6, bé Cù Nguyên Công đã bị chết khi Nguyệt đang nuôi.

 
Ngược lại, trong trường hợp cháu Cù Nguyên Công bị dịch sởi phải đưa đi viện để điều trị nhưng Phạm Thị Nguyệt lại bỏ mặc, không đưa đi viện, hành vi không cứu chữa này của Nguyệt đã có dấu hiệu của tội phạm, như vậy cần phải điều tra làm rõ.

Mua bán trẻ em thì có thể bị tù chung thân

- Khi công an bắt, Nguyệt còn đang nuôi 2 con nhỏ và công an chứng minh được rằng Nguyệt chỉ là người nuôi hai bé này. Tuy nhiên, Nguyệt không chứng minh được nguồn gốc của 2 bé này. Nguyệt có bị ghép vào tội bắt cóc trẻ con vì việc này không?

- Để khẳng định xem Nguyệt có phạm tội không, phạm tội gì, tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 134 BLHS hay tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” theo quy định tài Điều 120 BLHS thì cần phải đấu tranh và làm sáng tỏ hai vấn đề.

Thứ nhất, Nguyệt có được hai em bé trên từ ai, tổ chức nào? Thứ hai, động cơ, mục đích của việc Nguyệt nuôi hai em bé này?

Trường hợp Nguyệt có hành vi bắt cóc hai em bé này nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ cấu thành tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tài Điều 134 BLHS (hành vi khách quan của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt giữ người trái phép bằng cách dùng vũ lực bắt giữ người một cách công khai hoặc bí mật; dụ dỗ, lừa dối người bị bắt đi theo rồi bắt giữ làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản).

Trường hợp Nguyệt có được hai bé này từ việc mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em thì Nguyệt phạm tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” theo quy định tài Điều 120 BLHS.

Trường hợp Nguyệt nhận hai em bé này từ một người khác nhằm mục đích để nhận làm con nuôi (xác lập quan hệ cha mẹ con), và thực tế Nguyệt có nuôi dưỡng, chăm sóc cho hai cháu bé, tuy nhiên về quy trình, thủ tục Nguyệt chưa tuân theo đúng quy định của pháp luật về nhận nuôi con nuôi thì thì Nguyệt không phạm tội.

- Theo ông, nếu công an chứng minh được Nguyệt buôn bán trẻ em thì Nguyệt sẽ phải chịu tối đa bao nhiêu năm tù?

- Theo quy định tại Điều 120 Bộ luật hình sự thì.

1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Vì động cơ đê hèn; d) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em; đ) Để đưa ra nước ngoài; e) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; g) Để sử dụng vào mục đích mại dâm; h) Tái phạm nguy hiểm; i) Gây hậu quả nghiêm trọng”.

Như vậy, nếu cơ quan công an chứng minh được Nguyệt có hành vi mua bán trẻ em (trong trường hợp này số lượng trẻ em lên tới 3 trẻ em) thì mức án cao nhất mà Nguyệt phải đối mặt có thể là tù chung thân.

Sau chùa Bồ Đề có một nghĩa địa nhỏ và các bé bị chết khi đang nuôi ở chùa được chôn ở đây.


- Công an còn phát hiện trong phòng người phụ nữ này có nhiều giấy chứng sinh, khai sinh giả và Nguyệt khai là xin được ở bệnh viện. Nếu một nhân sự của bệnh viện cấp những loại giấy tờ này cho Nguyệt thì người đó sẽ mắc tội gì và sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?

- Hành vi làm giả giấy chứng sinh, giấy khai sinh của nhân viên đã cung cấp cho Nguyệt các loại giấy tờ này có dấu hiệu của “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại điều 267 Bộ luật hình sự. Theo quy định của Điều luật này thì:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng”.

- Cám ơn ông vì cuộc trò chuyện này!

Theo Nguoiduatin

Bình luận