Bi hài chuyện… bị ép duyên
Vì từ chối lấy một anh chàng Việt kiều, bố mẹ chị tuyên bố: “Chị muốn làm gì mặc xác chị. Cuối năm mà không có người rước là tôi từ mặt”.
Vẫn giữ nguyên khuôn mặt còn chưa hết cơn ấm ức, chị Giang (Văn Chương – Hà Nội) cho biết: “Tuần vừa rồi mình đang công tác trong Nam thì mẹ gọi điện thông báo về nhà có việc gấp. Nghĩ hay không nghĩ lại nghĩ dại, cộng với giọng điệu của mẹ qua điện thoại mình nghĩ có việc không lành… Thế là vội vàng mình thu xếp công việc rồi đáp chuyến bay sớm nhất về. Nhưng về đến nhà thì mẹ mình chỉ cười trừ và chiều hôm sau thì một người đàn ông xuất hiện…”.
Hóa ra bố mẹ chị Giang vì lo “quả bom nổ chậm” trong nhà là chị cứ mải mê công việc, không chịu yêu đương, tìm hiểu nên đã “dấm” cho chị một đám “khá tốt”. Và khi chị đang còn ngơ ngơ với cái lý lịch “chồng Việt kiều” mà bố mẹ chị cung cấp thì anh chàng lò dò xuất hiện. Chị trở tay không kịp, cũng không biết nói năng gì…
“Sẵn cơn bực vì bị lôi tuột từ trong Nam ra, khi công việc còn bộn bề chỉ vì cái lý do hết sức ngớ ngẩn, mình quyết tâm phá hỏng đám xem mặt bằng cách nói năng cộc cằn, hành động thì luống cuống, ứng xử vô phép rồi muốn ra sao thì ra…”, chị Giang kể lại.
Và theo đúng như dự đoán. Chàng rể Việt kiều hụt của bố mẹ chị Giang nhìn thấy bộ dạng của chị chỉ dám ngồi lại một lúc rồi ngán ngẩm chào ra về. Anh chàng một đi, không liên lạc trở lại khiến cho bố mẹ chị nổi đóa lên. “Vẫn biết các cụ sốt ruột nhưng cuộc đời là của tôi, đâu thể úi xùi gật đầu vâng lời vì anh ta giàu, cần lấy vợ để đẻ con…” chị Giang mệt mỏi chia sẻ.
Chị cũng cho biết, từ sau buổi gặp mặt anh chàng Việt kiều hôm ấy, bố mẹ chị chỉ tuyên bố một câu: “Chị muốn làm gì mặc xác chị. Cuối năm mà không có người rước là tôi từ mặt”. Điều này khiến cho chị đã mệt vì công việc giờ lại thêm gánh nặng tâm lý.
Cũng được liệt vào hàng gái ế, 30 chưa có người rước, chị Trang ở Đống Đa – Hà Nội vẫn bông đùa, vô lo vô nghĩ về chuyện lấy chồng. Trong khi chị hời hợt bao nhiêu thì bố mẹ chị lại cuống cuồng, lo lắng bấy nhiêu. Thấy con gái cứ dửng dưng không ra yêu cũng chẳng ra hẹn hò với những người có ý với mình, bố mẹ chị quyết định ép duyên, giục cưới.
Không hiểu quen biết, mối lái thế nào, hai ông bà tìm được một anh chàng “vừa mắt” và ép chị phải yêu bằng được để cuối năm còn cưới. “Bố mẹ giấu tôi, đưa số điện thoại cho anh ta. Lúc đầu tôi thấy một vài tin nhắn hỏi han, nghĩ rằng nhầm số nên tôi mặc kệ, xóa đi. Cho đến một hôm số máy đó gọi trực tiếp. Cũng muốn nhân cơ hội báo cho người đó là đã gửi nhầm tin nhắn nên tôi nghe máy. Nhưng hóa ra, người nhầm là tôi. Ở đầu dây bên kia, anh ta lắp bắp nói gì đó về việc mai mối… Tôi vốn dĩ không thích tốn thời gian vào những chuyện vẩn vơ nên cáo nhầm và cúp máy…”, chị Trang nói.
Hai ngày sau, trong bữa tối, bố mẹ chị chuyện trò vòng vo một lúc rồi đi thẳng vào vấn để: “Sao nó gọi, con không nghe máy. Nó cũng được đấy, là giảng viên đại học. Tuổi hơi nhiều nhưng ngoan. Nó lại không cần gì, chỉ cần vợ học hành tử tế, có công ăn việc làm…”.
Mới nghe qua về “tiêu chuẩn kén vợ” của anh ta, chị Trang đã thấy nóng gáy. Sau khi tranh luận một thôi, một hồi với bố mẹ, lại được biết thêm rằng người đàn ông kia vừa gọi điện lại cho bố mẹ chị “mách” với ông bà rằng: “Cháu gọi mà cô ấy không nghe…”, thế là chị nổi cáu “dẹp” luôn ý định của bố mẹ.
“Tôi tuyên bố thẳng với bố mẹ rằng nếu còn mai mối, ép duyên kiểu đó, tôi sẽ chuyển công tác xa nhà, một năm về một lần cho bố mẹ đỡ… ngứa mắt. Vẫn biết có hơi quá nhưng không thể chịu nổi cái quan điểm cưới để ‘đẻ cho kịp’ của bố mẹ tôi", chị chia sẻ về quyết định của mình.
3. “Mày không lấy chồng, làm sao bố dạy bảo được chị dâu”
Còn đối với chị Thư ở TP. Hồ Chí Minh thì chuyện ép duyên có phần hơi khác. Mới bước sang tuổi 25, vừa chia tay người yêu chưa được bao lâu, bố mẹ chị đã kịp tìm cho chị một đám khác và bắt cưới cho bằng được. Bố mẹ chị còn dọa: “Nếu không cưới thì dọn ra khỏi nhà, thích ở đâu thì ở”.
Tìm hiểu lý do vì sao mới 25 tuổi mà bố mẹ đã muốn “đuổi” tống tháo chị về nhà người ta thì chị Thư cho biết: “Trong mắt bố mẹ thì chị dâu tôi vốn không tốt nết như những người khác. Cho nên ông bà không muốn tôi là rào cản trong việc dạy dỗ, uốn nắn con dâu. Bố mẹ tôi cho rằng vì tôi chưa lấy chồng, nên là đứa ‘có vấn đề’, muốn dạy bảo con dâu thì sợ chị ấy sẽ bật lại rằng ‘con gái ông bà thế nào mới không có người rước…’. Vì thế, bố mẹ muốn tôi nhanh chóng lấy chồng để dễ bề nói năng”.