Hôn nhân "giãy chết" vì những lý do lãng xẹt
Thứ bảy, 21/03/2015 09:54
Ly hôn xanh - tôi cứ tự hỏi vì sao lại thế? Tại sao nếu có tình yêu rồi lại không đắp xây, không chịu đựng để rồi lại ly hôn chỉ vì lý do ngớ ngẩn nhẩt!
Ly hôn xanh - tôi cứ tự hỏi vì sao lại
thế? Tại sao nếu có tình yêu rồi lại không đắp xây, không chịu đựng để
rồi lại ly hôn chỉ vì lý do ngớ ngẩn nhẩt!
Sau khi xem những con số này, tôi tự hỏi, sao mà nhiều người ly hôn
thế! Sau khi nghe những câu chuyện, tôi tự hỏi, sao họ chia tay vì
những lý do buồn cười thế!
Từ trải nghiệm của
mình thì tôi thấy, có thể chuyện ly hôn chỉ cần bắt đầu bằng những tiếng
thở dài (Bởi thế, tôi rất sợ những tiếng thở dài trong đời sống vợ
chồng). Trình tự của nó là, vợ nép vào góc giường của vợ hay nằm và thở
dài, chồng lại dạng tay, dạng chân cố tình gây tiếng động đi kèm là
tiếng thở dài. Cả hai vợ chồng cứ như vậy rồi thở dài nối tiếp thở
dài...
Họ có những lo nghĩ và phật lòng riêng mà không ai chịu chia sẻ.
Có
thể, họ nói được chuyện với nhau, sau đó tiếng thở đều đều thay cho
những tiếng thở dài rồi họ thiếp đi. Ngày mai, có thể vợ chồng đã làm
hòa.
Thế nhưng cũng có nhiều đêm, tiếng thở
dài của vợ chồng mãi là tiếng thở dài và không hề có tiếng thở đều đều
giữa họ. Sự nặng nề nâng lên gấp bội sau đó, chẳng ai bỏ được cái tôi to
đùng đoàng của mình để hòa hợp... Chỉ vài đêm như thế… mất ngủ… căng
thẳng… stress là một trong hai bên sẽ nghĩ đến ly hôn.
Lời chia tay sau cùng là: Em với anh không hòa hợp/ Anh với em không
hòa hợp/ Chúng ta không cùng một chí hướng/ Chúng ta khác nhau/ Chúng ta
không thể dung hòa...
Và dễ xảy ra hơn là trong cuộc hôn nhân
của hai người trẻ. Khi ấy, những ý nghĩ “chúng ta chưa có con, chúng ta
không có mối ràng buộc nào cả, chia tay lúc này thật nhẹ nhàng...” là
chất xúc tác.
Và muôn vàn lý do tẹp nhẹp khác…
Rất nhiều cuộc "ly hôn xanh" bắt nguồn từ những lý do lãng xẹt (Ảnh minh họa).
Một
buổi tối nọ, có một anh chồng đi làm về vừa đeo tai nghe và miệng véo
von hát. Cô vợ gọi giật giọng lại: Anh ơi đừng hát nữa. Anh chồng vẫn
không nghe thấy gì. Cô vợ lao đến gần chồng và bảo: Anh bỏ tai nghe ra.
Anh đừng hát nữa. Giọng "táo bón" lắm! Chị vợ chưa bao giờ nói nặng lời
như vậy với chồng, anh chồng tối sầm mặt mũi, nghĩ vợ mình quá đáng quá
thể. Thế là họ giận nhau. Chị không nói lời xin lỗi. Anh cũng không chịu
tha thứ. Anh nghĩ chị coi thường mình, chị nghĩ anh vô tâm. Thế là giữa
họ có những rạn nứt không hề nho nhỏ...
Tôi có
hai người bạn. Họ mới cưới nhau được 6 tháng, hôn nhân tưởng đang thời
đẹp nhất. Thế nhưng hục hặc hai bên, chị vợ nói với tôi "chị nhất định
phải ly hôn". Hỏi chị mới biết, lý do chỉ là hai bên to tiếng, anh tát
chị một cái đau điếng... Chị lý sự: Bố mẹ chị nuôi chị mấy chục năm, cho
chị bao nhiêu thứ thế mà từ bé đến lớn chưa bao giờ đánh chị. Vậy mà
"thằng chồng" vô dụng - chị vẫn gọi như thế vì anh lương thấp - chưa
nuôi được chị ngày nào mà dám dang tay tát chị. Chị tiểu thư quá mà anh
thì nghèo hèn đâm ra "ngẩng cao đầu". Hôn nhân của họ cũng có dấu hiệu tan vỡ...
Lại
có chuyện ở một gia đình nọ, cô vợ trẻ làm ở chi cục thuế, chồng làm ở
siêu thị điện máy. Nói về tiền thì hai người kiếm ngang nhau. Có điều,
tâm tính thì khác xa nhau. Cô vợ suốt ngày làm việc với sổ sách, kế toán
nhưng lại rất mê thơ. Thi thoảng cô lại sáng tác một bài thơ... Có lần
về nhà khoe với chồng, sau khi đọc thơ về hạnh phúc cho chồng nghe, anh
chồng bảo: "Em bị phê à?".
Từ
hôm ấy, cô vợ mất hết cả hứng. Bao nhiêu thơ mới sáng tác, cô đọc hết
cho đàn ông khác nghe. Chẳng biết, thơ cô hay thật hay hay giả nhưng làm
đàn ông khác gật gù. Thế rồi quan hệ của họ rạn nứt. Cô vợ nghĩ chẳng
cần chồng bởi cô không cần chỗ dựa vật chất còn chỗ dựa tinh thần thì
“bị phê”, hai người mang nhau ra tòa ly hôn.
Trong
một trăm cặp đôi yêu nhau vừa vừa và lấy nhau, chẳng ai nghĩ lấy rồi
chia tay. Trong một trăm cặp đôi yêu nhau say đắm và lấy nhau, chẳng ai
nghĩ hôn nhân của họ chỉ được vài mùa trăng... Thế nhưng, tình yêu không
phải là tất cả cho một tổ ấm. Thế nên ở đâu đó, người ta vẫn hay kể
những câu chuyện về những cặp đôi yêu nhau say đắm, thề non hẹn biển, vượt muôn trùng khơi để đến với nhau nhưng rồi lại chia tay. Vậy cái gì có thể thành một tổ ấm?
Nhiều
người trải nghiệm rồi nói với tôi rằng, tình yêu không đủ cho một tổ
ấm… nhưng sự chịu đựng nhau lại có thể thành một tổ ấm. Tôi cũng nghĩ
hôn nhân là sự chịu đựng. Chịu đựng chia nhà vệ sinh, chia việc nhà,
chia việc trông con, chia trách nhiệm với gia đình hai bên...
Tại
sao bước vào hôn nhân lại phải chịu đựng? Phụ nữ thì nghĩ "em đẹp/ em
có học/ em có công việc ổn định với thu nhập tốt/ Em có quyền..." Đàn
ông thì nghĩ "Anh là đàn ông (có chút bề trên)/ Anh tử tế vừa phải/ Nhà
anh được/ Công việc của anh được/ Anh xứng đáng được phục vụ"... Chỉ cần
một sự kiêu ngạo trong chuỗi thống kê trên trỗi dậy thì không thể có
một cuộc hôn nhân hạnh phúc được.
Những cuộc "ly hôn xanh"
với những lý do chia tay lãng xẹt. Từ đó tôi cứ tự hỏi, nếu có tình yêu
rồi, tại sao không đắp xây, không chịu đựng để rồi lại ly hôn?!
(Còn nữa)
Theo Trí Thức Trẻ
Theo Trí Thức Trẻ
Bình luận