Khi vợ là “chúa tể rừng xanh”
Rất nhiều bà vợ cứ lấy hết lý do này đến lý do khác để hành chồng. Đấy là sai lầm và họ nên biết rằng, làm thế chỉ khiến hạnh phúc gia đình mong manh hơn mà thôi.
Anh cũng vui vẻ và thỏa lòng khi lấy được mẫu người như chị về làm vợ. Sau 2 tháng, vợ có tin vui, cả gia đình anh đang vỡ òa trong hạnh phúc, mừng rỡ khôn xiết thì anh lại thấy Hòa Anh có nhiều thay đổi.
Tính cách chị ít nhiều khó tính hơn trước. Trước đây chị rất ủng hộ chồng đi bóng bánh buổi tối với cơ quan, giờ thì chị “giăng lưới” bắt chồng về nhà để… đọc truyện cho con nghe (mặc dù cái thai trong bụng chưa được 1 tháng tuổi).
Chị ra sắc lệnh, anh phải về sớm giúp chị chợ búa cơm nước. Anh cũng ít nhiều biết rằng “bà đẻ là khó tính lắm”, thế là anh ra sức chiều chuộng vợ. Hàng ngày anh dậy sớm lau nhà, giặt giũ phơi phóng, đưa vợ tới cơ quan rồi ngược về công ty mình. Làm chút việc buổi sáng rồi anh lại năng nổ đến đón vợ đi ăn trưa và chiều đón nàng về.
Anh giành mọi việc vào tay mình, Hòa Anh chỉ cần tắm rửa cho bản thân, nằm dài xem tivi hoặc chỉ tay năm ngón sai chồng làm việc. Thế nhưng, dù nằm một chỗ nàng vẫn cáu bẳn.
Chẳng hiểu chị nghe được tin “vợ bầu, chồng dễ cặp bồ” ở đâu, chị về nhà khóc lóc suốt ngày để dằn mặt anh: “Anh sẽ là người vô lương tâm nếu làm thế với em” hay “mẹ con em chết đi còn hơn”…
Rồi lỡ nấu cơm hơi khô hay nhão là nàng lại cau mày, dậm chân, canh hơi mặn do cho nhiều tôm quá thì nàng cũng gào lên như nhà bị cháy.
Nếu anh có lỡ mở mồm xin chạy ra ngoài tí hoặc công ty có việc về muộn thế nào chị cũng khóc lóc như điên dại bảo chồng “vô tâm, hư hỏng”…
Nhiều lần muốn quát cho vợ một trận nhưng may anh trấn tĩnh lại được, anh cố bấm bụng vì “bà nào đẻ chẳng bị lên cơn” – bạn anh khuyên thế. Anh đùa bảo lấy chính câu của người bạn để làm kim chỉ nam dẫn đường tới hạnh phúc gia đình của mình.
Hàng ngày, anh đi chợ, nấu cơm, đêm đêm lọ mọ quét dọn nhà cửa, vợ nói gì anh cũng nhiệt tình nghe theo. Anh than thở: “Cố lên Long ơi, mày chỉ còn hơn 8 tháng nữa là được nghỉ ngơi mà”.
Cũng lấy phải bà vợ là "chúa tể", anh Phan Anh (Nghi Tàm, Hà Nội) cũng chán ngán. Càng ngày anh càng thấy khoảng cách vợ chồng cứ xa dần nhau hơn.
Chị Thu Hường – vợ anh không phải lao động chính trong nhà nhưng chị lại được sinh ra trong một gia đình giàu có, sẵn của cải, lại rất giỏi tay hòm chìa khóa.
Sau khi cưới, chị kiêm luôn người lên kế hoạch thu chi cho gia đình và xét duyệt mọi nhu cầu của chồng, chị tự phong cho mình là bà "tướng", là "chúa tể" khi quản tiền của chồng.
Suốt ngày chị đe nẹt anh là: “Biết kiếm mà không biết giữ là vứt, may cho đời anh là gặp em đấy nhé!”
Đi làm, chị chỉ đưa cho anh một chút tiền gọi là để “an toàn khi đi đường và tránh nhiều tiền lại gái gú”.
Bố mẹ chị tặng quà cưới cho hai con bằng căn nhà chung cư mới ở khu Linh Đàm, hạnh phúc chưa tròn khi suốt ngày chị lải nhải rằng: “May cho đời anh cưới được em chứ lấy con khác thì ra gầm cầu sống nhé”.
Biết tính vợ "phổi bò", anh chẳng nói chẳng rằng. Một hôm, nhân dịp anh ký được một hợp đồng lớn với đối tác, anh được thăng chức, anh em trong phòng kéo đến nhà anh với một chai rượu vừa là thăm nhà, vừa đến chia vui.
Mọi người đang “zô zô” thì vợ anh về. Anh chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi thấy vợ mình xấu xí đến vậy. Cô ấy hằm hè, mặt như đeo chì, lườm nguýt mọi người. Đương nhiên, chẳng cần bảo họ cũng chạy rẽ đất”.
Sau khi mọi người ra về, Hường mắng như tát nước vào mặt anh, đại ý rằng, lên lớp cho anh và nhắc anh cần biết thân phận mình ở đâu. Rằng đây không phải là nhà của anh. Anh phải biết ai là chủ…
Anh thấy cuộc sống bế tắc khi suốt ngày bị vợ bủa vây, gây áp lực. Mà khổ, anh có phải là thằng đàn ông ăn bám, chỉ suốt ngày tiêu tiền vợ đâu?
TheoTTVN