Osin “người làng”

Nhiều mẹ khi tìm giúp việc có tâm lý thích tìm người quen, người cùng quê hay thậm chí là họ hàng gần gận. Mình thì nói thật, bây giờ mà có người quen, người thân, nhận lương chỉ bằng một nửa người dưng mình cũng cạch không dám mượn nữa.

Nhiều mẹ khi tìm giúp việc có tâm lý thích tìm người quen, người cùng quê hay thậm chí là họ hàng gần gận. Mình thì nói thật, bây giờ mà có người quen, người thân, nhận lương chỉ bằng một nửa người dưng mình cũng cạch không dám mượn nữa.


Osin “người làng”


Chẳng là hồi mới sinh bé Cốm, mình có “trót” tâm sự với mẹ chồng sẽ đi làm sớm, và bảo sẽ tìm giúp việc để hai bà khỏi phải bỏ hai ông ở quê lên thành phố chật chội, khổ sở. Lúc kể chuyện mình cũng chỉ nghĩ là nói rõ từ đầu để khi đi làm lại bà khỏi xót cháu mà trách móc, tuyệt nhiên không có ý nghĩ nhờ bà gì cả.

Thế mà mấy ngày sau về quê, bà đi hết làng trên xóm dưới nhà này nhà nọ rồi dẫn được một chị lỡ thì - tên Hoa ra nhà mình. Bà bảo chẳng đâu bằng người làng người nước, vừa biết tính nết, biết nhà cửa không sợ gian dối, trộm cắp; lại vừa là chỗ thân quen gần gũi người ta sẽ chăm nom con cái tài sản của mình chu đáo hơn. Rồi bà còn rào trước đón sau: chị ấy là người hiền lành thật thà, chịu khó, dặn mình phải cư xử cho tốt, đừng để về quê mang tiếng là lên thành phố rồi cậy này cậy nọ.

Nói thật, mình ngại va chạm với mẹ chồng, với nhà chồng, dù là trực tiếp hay gián tiếp qua họ hàng, làng xóm nên kể cả mỗi lần về quê chồng mình cũng hạn chế giao tiếp xóm giềng. Bởi vậy khi mẹ chồng dẫn chị “người làng” lên, mình đã không thoải mái rồi, cảm giác bị áp đặt. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cũng là bà lo cho mình, hơn nữa sợ từ chối thì bà giận nên đành gật đầu để chị Hoa ở lại.

Cái điều mình lo ngại đến ngay từ khi mình gật đầu chấp nhận chị Hoa. “Người cùng làng” của mẹ chồng quả là có uy lực. Mẹ chồng yêu cầu mình sắp xếp cho chị một phòng riêng, sắm chăn màn riêng. Bà còn yêu cầu mình phải trả lương cho chị bằng nhà cao nhất trong khu (lý do vài trăm chẳng đáng là bao đối với nhà mình nhưng giúp đỡ được chị rất nhiều, về quê sẽ được tiếng là dâu của bà rộng rãi).

Cái “tiếng” mà bà nội Cốm nhà mình thích làm mình thuê giúp việc mà phải để ý lời ăn tiếng nói, rón ra rón rén như mình là giúp việc ấy, khốn khổ khốn nạn. Chị Hoa thì biết có hậu phương vững chắc nên cũng tỏ vẻ ta đây với mình, cứ như chính bà nội mới là người trả lương thuê chị.

Đúng là chị thật thà, hiền lành. Nhưng thói đời, cái gì cũng có hai mặt. Thật thà thì hay cục cằn, tự ái; hiền lành thì hay chậm chạp. Chẳng hiểu ở quê chị làm đồng làm ruộng thế nào, chứ ở nhà mình cả ngày có mỗi việc nấu hai bữa cơm và lau cái nhà mà lúc nào gọi cũng thấy chị đang dở việc. Nhiều khi mình vội quá phải đuổi chị ra ngoài để tự làm cho nhanh.

Nhưng lần nào cũng thế, đuổi chị ra để tự làm được tầm 30 phút thì điện thoại của mình lại đổ chuông. Chị đã tố tội mình xong! Mẹ chồng mình sẽ lại ra rả điệp khúc: “Giúp việc chỉ là giúp, con vẫn phải là chính! Mình có học hành, có văn hóa, đừng cư xử thô lỗ với chị ấy, về làng người làng chửi cho đấy!”; rồi thì “Mẹ đã bảo chị ấy là người hiền lành, thật thà; chậm chạp thì càng cẩn thận chứ làm sao...”. Nói thật, lắm lúc mình phát ức lên, tự dưng có camera theo dõi trong nhà, mang tiếng ở riêng cách mẹ chồng hàng trăm cây số mà bị chỉ đạo từ việc nói thế nào với người giúp việc.

Một lần ức quá như thế, mình đã gọi chị lại nặng lời mắng mỏ, rằng mình ghét thói “tâu hớt” của chị; rằng chị ở nhà mình, mình là chủ thì phải tôn trọng mình chứ... Ai dè, chị quát lại “Tôi không phải là osin như chúng nó, tôi là người cùng làng, bà nội em Cốm nhờ tôi ra giúp nhà em chứ”. Ôi trời ơi, mình suýt nữa thì nhồi máu cơ tim.

Mà nào có dừng ở việc quát lại mình. Sau đó, dù đã tối, chị đùng đùng xếp túi xách ra bến xe về quê. Thế là đêm ấy nhà mình như có bão, mẹ chồng gọi không biết bao nhiêu cuộc điện thoại (khéo phải gấp 10 lần cái hồi mình đi sinh em Cốm nửa đêm). Trách mình đối xử với chị Hoa tệ bạc chán, bà quy ra là mình coi thường bà, muốn chống đối bà... Rồi bà gọi chồng mình để hai vợ chồng quay ra cãi nhau.

Cả đêm mất ngủ, sáng hôm sau vợ chồng mình lại phải tha lôi nhau về quê từ sớm, để xin lỗi bà nội, rồi sang xin lỗi chị Hoa, “nhờ” chị ra giúp lại như ý bà. Từ đó thành lối mòn, cứ giận dỗi là chị xách valy về quê, nhà mình sẽ nổi giông bão, là vợ chồng con cái bồng bênh nhau xe đò rước mời. Chuyện chị thành camera, thành chuyên gia “tâu hớt”, mình cũng chả dám ý kiến nữa, dù độ tâu của chị đã tăng nhanh từ chuyện riêng ứng xử với chị đến chuyện riêng của vợ chồng mình. Chiều chị hơn chiều vong, nhịn chị hơn cả nhịn mẹ chồng, muốn cho chị nghỉ việc lắm mà không dám... Mình không biết đã bao lần hối hận vì tâm sự chuyện muốn có osin với mẹ chồng khi mới sinh Cốm.

Cũng may, một lần nhà mình cãi nhau chuyện chồng nhậu về muộn, mình mắng chồng vô trách nhiệm, tiện mồm “đổ điêu” bảo hắn đi tăng 2, tăng 3 nữa chứ gì; chị Hoa đã “hóng sai” liền “tâu” với bà nội rằng chúng mình cãi nhau to vì chồng mình bồ bịch, khéo sắp bỏ nhau. Lần ấy, bà nội không alo mà ngay sáng sớm hôm sau đã xuất hiện ở nhà mình. Khi chúng mình được gọi vào phòng giáo huấn thì chồng mình lần đầu tiên đã nổi cơn tam bành không chỉ với chị Hoa mà cả bà nội. Nếu mình không can thì khéo hôm ấy nhà mình có án mạng.

Bà nội bữa đó không còn lý do gì bênh chị Hoa nữa, chồng mình thực ra lâu nay cũng khó chịu vì tự dưng osin thành “bà cô” trong nhà nên liền kiếm cớ cho chị Hoa theo bà về quê luôn. Nhà mình chấm dứt giai đoạn “osin làng” với bao kỷ niệm như thế đấy!

Theo Kiến thức


Bình luận