Vợ chồng lục đục vì ôsin là người thân

Bởi cái sự thân quen này mà nhiều vợ chồng đã phải chịu những tình huống khó xử, thậm chí dẫn đến mâu thuẫn trong cuộc sống.

Bởi cái sự thân quen này mà nhiều vợ chồng đã phải chịu những tình huống khó xử, thậm chí dẫn đến mâu thuẫn trong cuộc sống.

Đa phần những đôi vợ chồng trẻ khi sinh con đều tìm thêm người giúp việc để đỡ đần việc nhà. Nhiều khi, để an tâm, không ít vợ chồng đã chọn người thân cận hay hàng xóm ở quê lên giúp đỡ.
 
Người giúp việc như “mama tổng quản”
 
Cuối cùng thì chị Hòa cũng thở phào nhẹ nhõm vì đã “đuổi khéo” được bác giúp việc về quê. Chị bảo, dù biết là gần tết, tìm người giúp việc rất khó nhưng nếu cứ tiếp tục để bác làm thì chị sợ rằng mình sẽ ức chế phát điên mất.
 
Chị Hòa (Tuyên Quang) và anh Tùng (Thanh Hóa) lấy nhau 2 năm trước, khi cả hai đều 27 tuổi. Do chị Hòa đã đến cái độ tuổi sinh nở nên gia đình nhà chồng rất sốt ruột mong đợi chị có tin vui. Khi mới cưới nhau được 1, 2 tháng, chị Hòa đã liên tiếp nhận được những lời hỏi han của gia đình chồng về việc “có gì chưa”. Anh Tùng vốn là con trai trưởng. Dưới anh có một em trai nữa, đã lấy vợ và sinh liền 2 cô con gái. Vậy nên, “trách nhiệm” sinh cho gia tộc một cháu trai được đổ dồn lên vai chị Hòa. Thế nhưng, anh Tùng và chị Hòa đều muốn ổn định cuộc sống trước khi có con. Anh chị dự định mua xong nhà sẽ sinh con, bởi có như vậy thì cuộc sống riêng của hai vợ chồng mới đỡ vất vả. Hơn nữa, anh chị tính rằng, với công việc bận rộn của cả hai vợ chồng thì chắc chắn khi chị Hòa sinh con sẽ phải mượn người giúp việc. Do đó, nhà cửa gọn ghẽ, rộng rãi cũng sẽ đỡ bất tiện hơn nhiều cho cuộc sống có người lạ trong nhà.


Ảnh minh họa

Được bố mẹ hai bên gia đình giúp đỡ cùng với số tiền tiết kiệm được, anh chị mua được căn hộ chung cư hơn 80m2 ở Mỹ Đình. Cũng ngay sau đó thì chị Hòa có tin vui. Đầu năm vừa rồi, chị Hòa sinh được một bé trai kháu khỉnh. Phải nói là nhà nội chị Hòa vui mừng thế nào khi có đứa cháu trai tuổi rồng. Mẹ chồng chị Hòa vốn bận rộn với công việc buôn bán tại nhà (nhà chồng chị Hòa có cơ sở sản xuất và kinh doanh nem chua ở quê) nhưng vẫn quyết tâm ra Hà Nội chăm cháu với phương châm: “Tất cả vì cục cưng tuổi rồng”.

Bà nội Tũn (tên ở nhà của con trai chị Hòa) là người khó tính, xét nét nhưng lại thương cháu nên trong những tháng bà ở Hà Nội, chị Hòa không tất bật như những bà mẹ có con nhỏ khác. Mọi việc từ cái ăn, giấc ngủ của bé đều được bà nội giành làm hết. Bà vốn có kinh nghiệm chăm sóc trẻ, lại cũng là người chịu khó học hỏi những kỹ năng nuôi trẻ hiện đại nên “trộm vía” cu Tũn nhà chị Hòa ăn ngon, ngủ ngon và có phần bụ bẫm hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi.

Tuy nhiên, sau một vài tháng ở Hà Nội thì mẹ chồng của chị Hòa phải về nhà để quản lý cơ sở sản xuất do bố chồng chị bị ốm. Trước khi về, mẹ chồng chị Hòa đã dặn đi dặn lại chị Hòa những việc cần phải làm khi chăm con nhỏ. Mẹ chồng chị cũng nhắn nhủ trước là sẽ về quê tìm cho một người để đỡ đần chị Hòa chăm sóc con cái. Chị Hòa khá e ngại khi nghe mẹ chồng nói thế bởi chị đã từng nghe nhiều khó khăn về việc có người giúp việc là người quen thân. Nhưng do mẹ chồng chị kiên quyết, còn chị lại cũng không muốn phản đối nên sau đó một thời gian ngắn, thím Bình – người bà con đằng nội xa – đã đến nhà chị Hòa với tư cách là người giúp việc.

Do là họ hàng thân quen nên ngay từ đầu, chị Hòa đã được mẹ chồng nhắc nhở là phải đối đãi cẩn thận để không mang lại tiếng xấu cho bố mẹ ở quê. Mẹ chồng chị Hòa bảo sắp xếp cho thím ở căn phòng còn trống sát với phòng ngủ của hai vợ chồng để tiện chạy ra, chạy vào chăm sóc cháu. Vấn đề tiền lương cũng được cân nhắc để sao cho hợp tình, hợp lý vì với gia đình chị thì: “Vài trăm không đáng là bao nhưng về quê lại được cái tiếng rộng rãi”. Mẹ chồng chị Hòa không quên bảo chị Hòa về việc thím Bình là người có kinh nghiệm chăm trẻ, bởi 4 anh con trai nhà thím, đứa nào cũng to lớn, khỏe mạnh. Do đó, chị Hòa không được để thím Bình làm việc nhà, bởi thím lên chủ yếu là để chăm sóc cu Tũn theo “lời gửi gắm” của bà. Vậy là, trước ngày thím Bình đến, chị Hòa gần như đã “thấm nhuần” những yêu cầu phải thực hiện với người giúp việc mới quá đặc biệt này. Chưa kể, trước ngày thím Bình lên, chị Hòa đã phải dành ra 1 ngày để dọn dẹp lại nhà cửa cho gọn ghẽ để “đón” người giúp việc.

Ngày thím Bình đến, chị Hòa “ngầm” cảm nhận được thứ “uy quyền” của người giúp việc được mẹ chồng gửi gắm. Thím Bình dù đã hơn 50 tuổi nhưng trông còn khá trẻ, lại nhanh nhẹn. Thím rất “điềm đạm” đi tham quan khắp một lượt ngôi nhà rồi “phán” rằng, vợ chồng trẻ mà sống bừa bộn quá. Thím bế cu Tũn bảo là từ nay đã có bà chăm sóc, không lo bị mẹ “vứt lăn vứt lóc” nữa nhé. Chị Hòa nói, cũng chính từ lúc đó, cuộc sống của chị như “đeo gông” vào cổ vì người giúp việc là họ hàng.

Là người lớn tuổi lại được mẹ chồng “gửi gắm” nên thím Bình tự cho mình khá nhiều đặc quyền. Thím chỉ chơi và chăm cu Tũn chứ tuyệt đối không làm việc nhà. Khi cu Tũn đang ngủ, mặc cho chị Hòa lúi húi nấu nướng trong bếp, hay đánh rửa nhà vệ sinh, thím “mặc nhiên” coi đó không phải việc của mình. Khi đó, thím sẽ ngồi đọc báo hoặc xem tivi. Chưa hết, thím lại có “sở thích” đánh giá những việc chị Hòa làm với thái độ rất “bề trên”. Thím thường bảo chị Hòa là nấu ăn gì mà “mặn chát” rồi bỏ thêm hàng thìa bột ngọt vào. Có hôm, món ăn lợ đến độ vợ chồng chị không thể ăn được. Anh Tùng có nói thì thím bảo anh bị vợ “hành” cho ăn khổ quen rồi, giờ ăn ngon mà không biết cảm nhận. Chị Hòa dọn nhà vệ sinh xong, thím vào dùng lại bảo cái mùi nước tẩy nhà vệ sinh nồng quá rồi không quên “nhắc” chị lần sau dùng xà phòng đánh cho nó thơm. Thậm chí, ngay cả việc chị giặt quần áo thế nào, thím cũng tham gia. Thím bảo chị Hòa là có tí đồ thì giặt bằng tay, cứ cho vào máy thế biết thế nào cho đủ tiền điện, tiền nước.

Thím cũng không quên bảo chị là thời buổi này bọn trẻ quá sung sướng thành ra không biết làm việc gì. Rồi thím kể ngày xưa, thím một nách 4 đứa con mà việc nhà đâu ra đấy, lúc nào cũng có cơm dẻo canh ngọt. Đó là chưa kể đến việc, thím rất “thích” lên thực đơn cho bữa ăn nhà chị. Mỗi lần chị Hòa đi chợ là thím sẽ với theo bảo thèm ăn cái này, cái nọ hay nên mua đồ gì về nấu. Có hôm, thím lại “gợi ý” là làm món này, món kia – toàn những món thím thích ăn. Anh Tùng và chị Hòa đều không ăn thịt chó nhưng đây lại là món “khoái khẩu” của thím. Nên cứ đến cuối tháng là nhà chị Hòa lại sực nức mùi mắm tôm, lá mơ để thím được thoải mái như ở nhà.

Thành ra, mặc dù mang tiếng có người giúp việc nhưng chị Hòa vẫn tất bật, thậm chí còn có phần hơn xưa để chiều theo ý của người giúp việc. Chị cứ cảm giác như nhà mình có thêm một “mama tổng quản” chứ không phải người làm. Từ khi phải đi làm, chị Hòa lại càng thêm bận rộn. Về nhà, nhìn mọi việc ngổn ngang phải làm, không ít lần chị bực dọc rồi cáu lây sang cả anh. Thím Bình không biết được điều này lại còn “đổ thêm dầu vào lửa” khi bảo anh Tùng, chồng chị là không biết dạy vợ. Cũng vì vậy  mà không ít lần, anh và chị to tiếng với nhau. Nhiều lần như vậy, chị Hòa muốn để thím Bình về quê rồi thuê người khác. Thế nhưng, khi vừa thăm dò ý kiến mẹ chồng thì chị đã nhận ngay được câu chắc nịch là phải giữ thím lại để có người chăm cu Tũn.

Trong việc nhà, chị Hòa có thể chịu đựng để đỡ mang tiếng xấu nhưng đến cả việc chăm con, thím Bình cũng đứng ra “chỉ đạo” thì chị không thể cố gắng hơn được nữa. Chị Hòa muốn chăm sóc con theo những phương pháp khoa học hiện nay nhưng thím Bình thì lại áp dụng tuyệt đối những phương pháp dân gian và luôn khăng khăng rằng mình đúng. Đến lúc cu Tũn ăn thêm bột nhão, chị Hòa mua loại bột dinh dưỡng nhiều thành phần về cho bé. Không hiểu sao, cu Tũn ăn vào lại bị tiêu chảy khiến chị Hòa vô cùng lo lắng. Sợ con không hợp với loại bột này, chị Hòa đang nghĩ đến việc tìm loại bột mới thì phát hiện ra nguyên nhân từ việc thím Bình nấu bột chưa chín.
 
Hôm đó, dọn dẹp xong nhà sớm, chị Hòa định vào nấu bột cho con ăn thì thấy thím đang đổ bột vào nồi rồi. Chị vừa quay vào phòng, thay cái áo ra định nấu tiếp thì thấy thím đã đổ bột ra đĩa. Chị Hòa hốt hoảng hỏi thím sao nấu nhanh thế thì thím hồn nhiên bảo, bột gạo thì cứ sôi là chín, có gì mà lâu với nhanh. Chị Hòa bảo, lúc mới mua bột về, chị đã dặn thím là phải nấu 15 – 20 phút bằng lửa nhỏ vì bột có thêm nhiều thành phần khác chứ không chỉ có gạo. Vậy mà, thím chẳng để ý. Đã vậy, khi nói thím, thím còn bảo 4 người con trai của thím khi xưa ăn ngô, ăn khoai sống mà vẫn to, khỏe mạnh cả. Giờ những bà mẹ trẻ cứ nuông chiều quá nên con mới sinh yếu ớt. Biết nói không được thím nên chị Hòa cũng không đôi co.

Từ hôm đó, chị luôn phải hoàn thành công việc sớm để có thể tự tay nấu bột cho con. Vậy là, dù có người giúp việc nhưng chị Hòa lúc nào cũng rối như tơ vò vì việc cơ quan, việc nhà và chăm con nhỏ. Anh Tùng làm giám sát công trình xây dựng thành ra cũng vắng nhà luôn nên không giúp đỡ được nhiều. Nhưng rất may là sau một vài lần ở nhà dài ngày, anh Tùng cũng hiểu những nỗi khổ mà chị Hòa phải chịu đựng. Anh không còn gây gổ với chị khi nghe những lời nói từ thím Bình nữa. Ngược lại, anh tìm cách thuyết phục mẹ để thím nghỉ việc. Cuối cùng, sau một lần thím Bình hái lá nhọ nồi về giã nát cho cu Tũn uống lúc sốt khiến bé bị tiêu chảy nặng, phải nhập viện, anh Tùng đã gọi điện về nhà, nói chuyện với mẹ, bảo về việc thím bất cẩn trong việc chăm sóc cu Tũn. Nghe đến việc cháu trai cưng phải đi viện, mẹ chồng chị Hòa hốt hoảng. Và tất nhiên, sau lần đó, thím Bình cũng được bà nói khéo để về quê.

Vợ chồng cãi nhau vì ôsin người làng “thích xin và hay mách”
 
Sinh con được 2 tháng thì chị Lương bắt đầu phải đi làm trở lại vì trước khi sinh, do ốm nghén nặng, nên chị đã phải xin nghỉ trước lúc sinh nở 2 tháng. Công việc những tháng cuối năm bận rộn, con nhỏ nên chị Lương bàn với chồng, anh Tuấn, tìm một người giúp việc. Thế nhưng, cả hai vợ chồng tìm mãi vẫn chưa được người nào ưng ý. Có bác đến thì già nên chậm chạp quá, làm được vài hôm thì bát đĩa trong nhà cái sứt, cái vỡ. Lại có cô trẻ, nhanh nhẹn hơn thì lười và phàm ăn. Đến thử việc mới có 2 ngày mà đồ trong tủ lạnh nhà chị Lương đã hết sạch.

Đang lúc cuống quýt tìm người giúp việc bởi thời hạn đi làm đã sắp đến thì mẹ chồng ở quê gọi ra bảo có đứa con gái nhà bác hàng xóm đang muốn đi làm thêm. Cô bé Hoa này thì chị Lương cũng đã biết trước đó vì nhà ở ngay sát nhà chồng chị. Chị có gặp một vài lần khi về quê, nghe đâu là Hoa đã vào trong Nam làm khu công nghiệp nhưng mới đây lại trở ra vì lương thấp quá. Anh Tuấn như “vớ được vàng” bởi anh đã quá mệt mỏi khi phải về nhà nấu cơm, rửa bát, dọn nhà mỗi chiều tối. Anh bảo chị Lương là đồng ý ngay. Chị Lương thì có phần hơi ngần ngại bởi không thích việc “đụng chạm” với người thân quen. Nhưng anh Tuấn gạt đi bảo rằng, dù gì thì người làm cũng ở quê, chắc sẽ chăm chỉ. Hơn nữa, anh tin rằng, khi có sự quen biết thì cũng sẽ dễ dàng bảo ban hơn. Chị Lương nghe xuôi xuôi nên cũng đồng ý.

Quả thực, thời gian đầu khi Hoa mới đến giúp việc, chị Lương và anh Tuấn đỡ vất vả hơn rất nhiều. Hoa khá chăm chỉ lại nhanh nhẹn, chịu khó, thành ra hầu như việc nhà, chăm sóc em bé đều đã đâu ra đấy. Anh Tuấn nói, những lo sợ của chị thành thừa và may là chị đã nghe theo lời anh. Chị Lương cũng thấy nhẹ nhõm hơn khi công việc nhà được san sẻ. Do ngại với người quen rồi sợ điều tiếng nên chị Lương cũng không bắt Hoa làm hết mọi việc trong nhà. Chị Lương vẫn giành lấy việc để làm bớt. Nhiều khi vào ngày nghỉ, chị còn bảo Hoa có thể nghỉ ngơi để chị làm mọi việc cho.

Thế nhưng, chỉ sau 2 tháng làm việc ở nhà chị Lương, Hoa bắt đầu thay đổi. Công việc nhà Hoa bắt đầu bê trễ. Có những hôm khi chị Lương về đến nhà, mới thấy Hoa lật đật đi cắm cơm, trong khi em bé thì chưa được cho ăn. Các món ăn trong bữa cũng được nấu ít dần đi, thậm chí có hôm còn chỉ có canh và một món ăn mặn được hâm lại từ hôm trước dù tiền đi chợ chị Lương vẫn đưa như vậy. Những ngày chủ nhật, chị Lương, anh Tuấn được nghỉ thì Hoa cũng ngủ nướng đến lúc chị Lương nấu xong bữa ăn sáng. Chưa kể, Hoa rất mê phim bộ Hàn Quốc. Hoa có thể ngồi xem mê mệt từ phim này đến phim khác, từ kênh này đến kênh khác.

Thấy vậy, chị Lương có nói khéo và góp ý với Hoa về việc nhà thì Hoa lại giận dỗi bảo, nếu thấy không ưng ý thì chị tìm người khác, em về quê. Chưa hết, Hoa còn bảo rằng, chẳng qua là do mẹ chồng chị Lương rồi anh Tuấn có lời nói lên đây trông em giúp chị chứ cũng chẳng thích làm ôsin. Nghe những lời như vậy, chị Lương vô cùng bực mình. Chị định nói chuyện với anh Tuấn về việc này.

Thế nhưng, khi chị Lương chưa kịp nói chuyện này với ai thì ngày hôm sau cô đã nhận được điện thoại của mẹ chồng. Ngay khi Lương vừa nhấc máy lên, mẹ chồng chị đã mắng xơi xơi rằng, làm gì cũng phải giữ thể diện cho bà ở quê, chứ đừng có làm để rồi bà không dám đi đâu nhìn hàng xóm láng giềng nữa. Bà còn mắng chị là dù ở thành phố, giàu có đi chăng nữa cũng không được có cái tính khinh người như vậy. Lúc chị Lương vẫn đang ớ người ra vì không hiểu chuyện gì thì mẹ chồng chị lại nói luôn rằng, bác Hiến (mẹ Hoa) bảo rằng cái Hoa nó gọi điện về bảo anh chị yêu cầu, hạch sách bắt nó làm đủ điều này, điều kia. Vừa mới sáng sớm, công việc ở công ty còn đang ngổn ngang, lại bị mẹ chồng mắng chửi một trận vô cớ nên chị Lương rất bực. Chị định bụng về nhà sẽ nói với chồng và nói cho Hoa một trận.

Vậy nhưng, vừa về đến nhà thì anh Tuấn đã gọi chị vào phòng rồi mắng là làm gì mà để mẹ ở quê cũng biết việc “bắt nạt” người giúp việc. Thì ra, vì sợ việc căn dặn con dâu là không đủ nên mẹ chồng chị Lương còn gọi điện cả cho anh Tuấn nói về việc phải bảo vợ cư xử làm sao để mẹ không xấu hổ với hàng xóm. Chưa hết, sau bữa cơm tối, chị Lương lại nghe Hoa xin nghỉ việc. Lúc này, chị Lương muốn cho Hoa nghỉ lắm nhưng vì mẹ chồng vừa mắng mà ngày hôm sau đã thấy Hoa về quê thì không biết là sẽ bị nói đến thế nào nữa. Cũng làm dâu mới được hơn 1 năm, lại không muốn gia đình căng thẳng nên chị Lương phải nhún nhường, “tâm sự” rồi “năn nỉ” Hoa ở lại làm việc. Cũng từ đó, dường như đã nắm được “thóp” của chị Lương nên Hoa trở nên ngày càng quá quắt hơn.
 
Hoa không cãi lời hay to tiếng gì với chị Lương nhưng những gì chị Lương bảo làm, Hoa cứ lì ra không làm. Đã vậy, “nhất cử nhất động” của chị Lương đều được Hoa nói lại với mẹ rồi truyền đến tai mẹ chồng chị Lương. Thành ra, cứ năm bảy ngày, chị Lương lại nhận được điện thoại “căn dặn” cách đối xử với người làm của mẹ chồng. Những cuộc điện thoại này nhiều đến độ khi nhìn thấy cuộc gọi báo tên mẹ chồng, chị Lương ngại ngần không dám nhấc máy. Thế nhưng, bực nhất là anh Tuấn, chồng chị Lương cũng không thông cảm cho nỗi khổ của chị. Mỗi lần như vậy là anh Tuấn lại cũng “góp ý” với chị Lương. Khi chị Lương nói suy nghĩ hay bực tức của mình thì anh Tuấn lại bảo là chị “khó tính” rồi anh thấy “nó vẫn ngoan ngoãn nghe lời đấy chứ”. Có lần, anh Tuấn còn bảo chị phải “sống thoáng thoáng” ra vì dù gì đó cũng là người cùng làng, cùng xóm. Những việc mà Hoa nó làm chậm thì chị bảo 1, 2 lần, nếu không thì tự làm cho nhanh. Điều đó khiến cho mâu thuẫn giữa chị Lương và anh Tuấn ngày càng lớn. Có lúc, chị không kìm nén nổi, to tiếng nói lại. Và tất nhiên, điều này lại được đến tai mẹ chồng chị qua lời Hoa.

Ngoài cái tính hay đưa chuyện, Hoa còn khiến cho chị Lương “phát điên” khi rất thích xin xỏ. Hễ thấy cái gì đẹp đẹp, thích thích là y rằng Hoa xin luôn, từ quần áo, trang sức, đồ trang điểm cho đến những đồ dùng trong gia đình. Chị Lương cũng nể nên cho một vài lần. Thành ra, Hoa quen thói thích gì là xin, không cần biết những đồ vật đó có giá trị thế nào. Rõ ràng là có nhiều thứ chị Hoa không dùng đến nhưng nó là đồ kỷ niệm hay được tặng nên chị không muốn cho. Nếu chị không cho thì lại lập tức nhận được điện thoại của mẹ chồng, bảo rằng những đồ thừa không dùng đến thì cho em nó mang về quê bớt cũng được, vừa được tiếng thơm thảo lại cũng đỡ phí đồ. Như thế, bà ở quê cũng sẽ mát mặt vì có con dâu giàu có, thoáng tính. Bà đâu có hiểu được là Hoa ngày càng “được nước”.

Vậy là, để tránh việc đồ đạc bỗng dưng được cho đi, chị Lương hạn chế dọn dẹp tủ đồ quần áo hay đồ đạc cá nhân của mình. Song, Hoa lại chuyển sang những đồ dùng gia đình. Hôm trước, thấy chị Lương đang lau chùi cái nồi cơm điện trong tủ (nhà chị Lương có 2 cái nồi, một to một nhỏ để cho những trường hợp có đông người đến ăn cơm), Hoa ngay lập tức nhanh nhảu xin cho để mang về quê vì cái nồi ở nhà đã cũ lắm, sắp hỏng. Chị Lương đang chuẩn bị nói lời từ chối thì Hoa đã thêm luôn rằng nếu biết chị cho cái nồi này thì mẹ Hoa sẽ thích lắm đấy. Thế rồi cái nồi cũng “ra đi”. Biết rằng nếu tình trạng này kéo dài, với cái tính cả nể của mình cùng với sức ép “danh dự”, “tiếng thơm” ở quê của gia đình chồng, thì chẳng mấy chốc mâu thuẫn vợ chồng sẽ càng tăng, đồ đạc cũng sẽ lần lượt cất cánh ra đi hết nên chị Lương quyết định nghĩ cách đuổi khéo Hoa về quê.

Khổ nỗi, từ sau cái lần tự nhiên đòi về, lần nào chị Lương gợi ý cho Hoa nghỉ, Hoa cũng giả vờ không hiểu và kiên quyết bám trụ ở nhà chị. Có lần Hoa còn bảo là sẽ ở nhà chị cho đến khi bé Kẹo đi học mẫu giáo. Chị Lương nghĩ ra cách để Hoa “xin” đồ của anh Tuấn. Khi anh Tuấn vắng nhà, chị Lương giả vờ mang đồ của anh ra dọn, cả những chiếc đồng hồ đắt giá mà anh sưu tầm bấy lâu. Anh Tuấn đã nổi xung với chị khi chiếc đồng hồ anh mua tận Anh được chị Lương cho đi khi Hoa xin. Anh Tuấn nói thì chị Lương bảo, em nó thích, không cho thì lại bảo vợ kẹt xỉ rồi làm xấu mặt bố mẹ. Sau đó, chị Lương đã khéo léo sắp xếp để anh Tuấn biết được thái độ thực sự của Hoa: bỏ mặc bé Kẹo cả buổi để xem phim bộ Hàn, cắt xén bớt tiền ăn… Anh Tuấn cũng dần hiểu ra được vấn đề và quyết định để Hoa nghỉ việc sau một lần tự ý gọi điện “tố” với mẹ anh việc anh chị cãi nhau. Sau lần đó, chị Lương bảo, bây giờ dù có người quen, người thân nhận giúp việc với cái giá rẻ hơn bình thường chị cũng không dám.

Theo Đang yêu


Bình luận