Vợ học thạc sĩ, chồng thèm "rau sạch"
Ngày có thông báo nhận bằng thạc sỹ cũng là lúc Trúc run run ký vào lá đơn ly hôn, chính thức không thể níu giữ được chồng ở bên mình nữa.
Sau bao ngày đèn sách, cuối cùng Trúc cũng cầm được tấm bằng thạc sỹ trên tay. Nhưng chính vào thời khắc "trồng cây tới ngày ăn quả", Trúc không hề thấy hạnh phúc. Để có được tấm bằng này, cô đã mất không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức và cả người chồng và gia đình nhỏ của mình nữa.
Ngày được thông báo lên nhận bằng và dự lễ tốt nghiệp cũng chính là ngày cô run run ký vào lá đơn ly hôn. Những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng vốn đã căng thẳng lại càng không thể cứu vãn khi có người thứ ba xuất hiện.
Chồng Trúc vốn không ủng hộ việc cứ cuối tuần là vợ lại tất tả lên Hà Nội đi học. Anh không cần lấy một cô vợ có bằng thạc sỹ để rồi sau này nói anh thua kém hẳn 1 cái đầu (anh mới chỉ có tấm bằng cử nhân), quan trọng hơn là cuối tuần anh thèm cảm giác ấm cúng, sum vầy chứ không phải ở nhà một mình cơm canh lạnh ngắt.
Nhiều lần cãi vã, xung đột, mâu thuẫn nảy sinh cũng từ hai chữ "thạc sỹ". Tình cảm vợ chồng cũng không được mặn nồng như xưa. Đỉnh điểm là khi chị khăn áo lên Hà Nội 3 tháng trời để ôn và thi tốt nghiệp. Chị muốn chạy chốn cái không khí căng thẳng trong gia đình để dồn sức cho việc học.
Chị đinh ninh rằng sau khi khóa học kết thúc, mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa, chị sẽ lại là người vợ đảm đang mỗi ngày chăm sóc chồng, vun vén cho gia đình. Thế nhưng, chị đã đi sai một nước cờ. Thời gian chị cặm cụi vào sách vở cũng là lúc anh tìm được niềm vui mới cho mình, một nguồn "rau sạch" đáp ứng được nhu cầu cho một người đàn ông thiếu hơi vợ như anh.
Người thứ 3 là một cô gái độc thân còn khá trẻ, vừa mới ra trường được một năm. Họ quen nhau qua một vài người bạn và nhanh chóng kết thân. Mới đầu, chồng Trúc chỉ coi cô ấy như em gái, thường xuyên chuyện trò, tâm sự những mâu thuẩn trong gia đình để giải tỏa tâm lý. Nhưng dần dần, anh tìm được sự đồng cảm từ người con gái ấy. Mỗi khi vợ anh cũng vắng nhà, anh lại gọi điện rủ "em gái" đi uống nước.
Không biết họ nhận lời làm "người tình" của nhau từ khi nào, nhưng có người rỉ tai chị rằng trong thời gian chị đi ôn thi, anh thường xuyên dẫn cô ấy về qua đêm, sáng hôm sau hai người lại lai nhau đi làm tình cảm như cặp vợ chồng son. Chị như rụng rời chân tay, không thể nghĩ mình dễ dàng trao chồng cho người khác dễ dàng như vậy.
Khi chị đã biết chuyện, anh cũng chẳng giấu giếm mà công khai mối quan hệ, thậm chí còn dẫn cô gái kia đến trước mặt chị để "3 mặt 1 lời". Đau đớn thay, khi chỉ có thể chọn một trong hai người đàn bà, anh chọn cô gái kia chứ không phải chị. Bầu trời như sụp đổ trước mắt chị, chị đã quá vô tâm, dửng dưng và ích kỷ nên đánh mất chồng lúc nào không hay.
Trúc biết phải làm gì đây khi người suốt 3 năm qua đầu ấp vai kề cùng mình nói rằng mình quá ích kỷ, và rằng anh ta yêu người kia thật lòng chứ không phải là chuyện tình say nắng. Những ngày tháng qua khi anh một mình cơm nước, Trúc ở đâu? Khi mẹ anh ốm phải truyền nước và bón cháo, con dâu quý ở đâu? Và quan trọng, khi anh cần một người ở bên để thỏa mãn những nhu cầu đàn ông thì vợ anh ở đâu?
Ước mong thành thạc sỹ của Trúc giờ đã toại nguyện, nhưng là một thạc sỹ bị chồng bỏ. Sau khi đưa nhau ra tòa, mỗi người đi một đường, Trúc vẫn mơ hồ và mụ mị, cô không biết sẽ phải đi đâu và sống một cuộc sống mới khi không có người đàn ông bên cạnh như thế nào. Cô lạc lõng, bơ vơ và hối tiếc nhưng đã quá muộn để cứu vãn tình hình.
Theo Xahoi