"Xuân tha hương" vì không có tiền
Năm nào vợ chồng Nguyệt - Hưng cũng lặn lội 500 km từ Hà Nội về Quảng Bình ăn Tết. Nhưng năm nay, họ sẽ đón xuân ở Hà Nội vì thiếu tiền.
Năm nào vợ chồng Nguyệt - Hưng cũng lặn lội 500 km từ Hà Nội về Quảng Bình ăn Tết. Nhưng năm nay, họ sẽ đón xuân ở Hà Nội vì thiếu tiền.
Lần đầu “xuân tha hương”
Mấy hôm nay, Nguyệt treo status trên Yahoo Messenger bằng một câu thơ “xào” của Nguyễn Bính: “Tết này chưa chắc con về được/Con gửi về quê một tấm lòng”. Bạn bè xông vào hỏi han, Nguyệt ngậm ngùi: “Quyết định rồi chúng mày ạ. Buồn. Nhưng phải thế thôi”.
Ngày Tết, ai cũng mong đoàn tụ gia đình. |
Vợ chồng Duyên – Thịnh cũng gác kế hoạch về quê Tết này vì lý do kinh tế. “Năm ngoái bọn em đã ăn Tết Hà Nội một lần rồi, phải nói là buồn không gì buồn hơn. Vợ em cứ khóc suốt, may mà còn có con gái, nó làm cô ấy vui lên. Em vì không về quê nên anh em trong cơ quan nhờ trực thay cả Tết, coi như vừa giúp họ vừa có thêm thu nhập. May là mỗi ngày cũng chỉ cần lên cơ quan một buổi rồi về, nên vợ em mới chấp nhận”, Thịnh tâm sự.
Hai vợ chồng chẳng có người thân ở Hà Nội, nên Tết không đến nhà ai chơi. Cả cái Tết, họ chủ yếu ở nhà xem tivi, trừ đêm 30 chở nhau đi xem bắn pháo hoa. Bắt đầu từ mùng 4, phố xá đông trở lại, họ mới đưa con đến các điểm vui chơi trong thành phố. “Lúc đấy người các nơi đổ về Hà Nội đông lắm rồi, nên khi đi chơi không còn cảm giác tủi của kẻ tha hương vì thiếu tiền nữa, vợ em bảo thế. Rồi cô ấy nói, thôi ở nhà cũng có cái hay, tranh thủ nghỉ ngơi vì cả năm chả lúc nào được nằm ườn, mà không đến nhà ai thì đỡ tốn tiền mừng tuổi”, Thịnh cười.
Thấm thía nỗi buồn của việc ăn Tết xa quê, vợ chồng Thịnh hạ quyết tâm từ giờ cứ Tết là phải đoàn tụ với gia đình, nhưng năm nay, họ vẫn phải ở lại Hà Nội, bởi món nợ từ vụ làm ăn thất bát hai năm trước vẫn chưa trả xong và vào những ngày cuối năm này, cái ví của họ vẫn lép kẹp, trong khi quê lại quá xa.
Đã về quê là phải hoành tráng?
Sau cuộc cãi nhau với vợ tối qua, anh Thiết quyết định Tết này sẽ ở lại Hà Nội, dù gia đình anh không đến nỗi “hoàn cảnh”. Người đàn ông 37 tuổi, quê Hà Tĩnh này mới mua được căn hộ chung cư rộng hơn 100 m2. Dĩ nhiên, như đa số mọi người, trong số tiền nộp mua nhà của Thiết, có đến 40% là vay nợ, sau khi ngân quỹ gia đình đã được vét sạch. Dọn về nhà mới, vợ bảo Tết này về ăn bám ông bà nội thôi, vợ chồng mình chỉ còn đủ tiền mua vé xe khách.
Thiết bảo không được, đã về quê ăn Tết là phải đàng hoàng. Mình dù sao cũng mang tiếng là công dân thủ đô, lại đã có nhà cửa đàng hoàng, công ăn việc làm ổn định, làm gì có chuyện vác xác về ăn chực. Thế nghĩa là, ngoài việc phải đưa bố mẹ ít nhất chục triệu đồng, hai vợ chồng còn phải chuẩn bị số tiền không nhỏ để lì xì rộng rãi cho trẻ con cũng như các ông già bà cả trong họ, mừng những cặp đôi làm đám cưới hoặc sinh con trong năm khi Thiết không về được… Anh nói, cả năm có mỗi cái Tết, không có tiền thì đi vay.
Vợ bảo, đã vay nợ è cổ ra rồi, không thể vay thêm vài chục triệu đồng vì lý do vớ vẩn như thế. Cái chữ “vớ vẩn” làm Thiết nổi khùng, cho là vợ không tôn trọng nhà chồng, bèn bảo cô không vay thì tôi vay. Nhưng nghĩ lại, anh cũng biết chẳng còn chỗ nào mà vay nữa, nên ra một quyết định làm vợ sửng sốt: Không về quê ăn Tết nữa, sẽ gọi điện cho bố mẹ nói rằng vì mới mua nhà nên phải ở ngoài này thắp hương. Anh bảo, ở Hà Nội ăn Tết úi xùi thế nào cũng xong, chứ đã về quê là phải hoành tráng.
Cũng như Thiết, năm nào về Tết, anh Vương cũng mua sắm và biếu bố mẹ hai bên rất xông xênh, mừng tuổi cũng rộng rãi. Thế nhưng năm nay, anh mất chức giám đốc ở một công ty xây dựng, chấp nhận ở nhà đưa đón con và “ủ mưu” cho các dự định tương lai. Vợ bàn, hay năm nay ở lại Hà Nội ăn Tết, vì nếu về quê thì không thể chu đáo với gia đình.
Vương gạt đi, bảo, không chu đáo cũng về: “Em còn tiền mua vé tàu không? Nếu không thì để anh gọi điện bảo bố gửi cho. Các cụ cần mình về chứ có cần tiền hay rượu ngoại, bánh kẹo ngoại của mình đâu. Mình đã không có tiền, Tết lại còn không được gặp người thân nữa thì chết còn hơn”. Được lời như cởi tấm lòng, vợ anh cũng hết “lăn tăn” về cái sự “vác mồm về ăn chực”.
Vợ chồng Thủy – Vĩnh cũng có quyết định tương tự. “Lâu nay mình chi tiêu rộng rãi mỗi lần về quê ăn Tết nhưng đâu phải vì sĩ diện hay thích khoe khoang, thể hiện. Thế nên Tết này chả có tiền mừng tuổi ai, mình cũng chẳng ngại. Mình về vì tình cảm chứ có phải để trình diễn vẻ thành đạt đâu mà cứ phải ngon nghẻ mới về. Ngay cả những khi mình có tiền biếu bố mẹ vài chục triệu, thì người vui nhất vì chuyên đó thực ra là vợ chồng mình chứ không phải bố mẹ. Mình vui vì đã có khả năng báo hiếu, còn bố mẹ thì đâu cần nhiều tiền, chỉ cần yên tâm về con cái thôi” - anh Vĩnh nói.
Vì thế, dù năm nay tình hình kinh tế khó khăn, vợ chồng Vĩnh vẫn hào hứng mong Tết đến, để được về quê. Vì với anh, cũng như đa số người Việt Nam khác, đoàn tụ gia đình là một trong những ý nghĩa quan trọng nhất của Tết cổ truyền.
Theo Xzone/TTTĐ