Bài hát cho mối tình đầu và bài hát cuối cùng của Phan Huỳnh Điểu

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã đi về cõi vĩnh hằng cùng những ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao, Bóng cây Kơ-nia, Thơ tình cuối mua thu, Thuyền và Biển…

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã đi về cõi vĩnh hằng cùng những ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao, Bóng cây Kơ-nia, Thơ tình cuối mua thu, Thuyền và Biển…

Mỗi một tác phẩm âm nhạc bất hủ ấy đều có một “giai thoại” riêng.

Nhưng những giai thoại ấy lại cho chúng ta thấy được cái chất lãng mạn trong con người và âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu.

Hơn 70 năm sáng tác âm nhạc bằng niềm đam mê và tình yêu bất diệt, Phan Huỳnh Điểu đã để lại cho hậu thế những tác phẩm âm nhạc lãng mạn.

Điều thú vị là, đa số những tình khúc được chú ý của Phan Huỳnh Điểu đều là nhạc trữ tình. Bản thân ông đã có lần “thừa nhận”, đa số những sáng tác của ông đều có bóng dáng của những bóng hồng đã đi qua đời mình.

Ca khúc giúp Phan Huỳnh Điểu có “cây đàn vua”

Một trong những ca khúc đầu tiên của Phan Huỳnh Điểu sáng tác năm 1946 là Đoàn giải phóng quân. Đây là ca khúc sống mãi với thời gian, phản ánh một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ta.

Sau khi sáng tác ca khúc này, Phan Huỳnh Điểu đi tìm nhà sản xuất để in ca khúc này.

Ông chủ hiệu văn hoá phẩm có tên là Tăng Duyệt rất thích ca khúc này nên đã ký hợp đồng tác quyền và trả cho nhạc sỹ 800 đồng. Với số tiền này, Phan Huỳnh Điểu có thể “ăn cơm bụi” hơn năm trời.

Lúc đó, Phan Huỳnh Điểu cảm thấy vô cùng bất ngờ vì số tiền nhuận bút quá lớn cho sáng tác của mình.

Đặc biệt, sau khi ký hợp đồng tác quyền, ông Tăng Duyệt còn mời Phan Huỳnh Điểu làm cố vấn cho việc sản xuất âm nhạc. Cũng nhờ đó, Phan Huỳnh Điểu mua được cây đàn ghi ta của vua Bảo Đại với giá 80 đồng.

Ca khúc cho mối tình đầu

Phan Huỳnh Điểu sáng tác hàng chục ca khúc về tình yêu. Tuy nhiên, chỉ có 1 nhạc phẩm trong số ấy ông dành cho mối tình đầu của mình.

Phan Huỳnh Điều từng chia sẻ mối tình đầu của ông với một cô hàng xóm tên.

Ông xúc động nhớ lại: “Thời còn sống tại quê nhà ở Đà Nẵng, tôi có yêu một cô bé hàng xóm tên Mộng Tân.

Có thể nói đây là mối tình đầu của tôi mà không bao giờ có thể quên được. Thời đó yêu nhau còn không dám nắm tay nhau nữa, nhìn nhau là thấy ngượng ngùng.

Tôi được coi là yêu sớm và mạnh bạo. Khi bắt gặp ánh mắt, nụ cười của cô gái tuổi mới lớn, tôi không thể nào rời suy nghĩ của mình đi nơi khác được.

Tôi nhanh chóng ngỏ lời với cô ấy. MộngTân không trả lời, chỉ mỉm cười. Nhưng từ ngày ấy chúng tôi trở nên thân thiết với nhau…”

Tuy nhiên, chiến tranh xảy ra khiến hai người không thể đến được với nhau. Những kỷ niệm về mối tình đầu cứ đau đáu trong trái tim thổn thức của người nghệ sỹ.

Nhưng những nỗi nhớ thương, thổn thức ấy chỉ được bật lên thành nốt nhạc khi Phan Huỳnh Điểu bắt gặp bài thơ “Thơ tình cuối mùa thu” của Xuân Quỳnh.

Ít ai biết rằng: những giai điệu ngọt ngào và lãng mạn ấy là ca khúc duy nhất ông dành cho người yêu đầu.

Sau này, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã gặp lại Mộng Tân khi cả hai người đã có gia đình riêng. Những cảm xúc ban đầu lại ùa về trong ký ức.

Tuy nhiên, mối tình đầu ấy không ảnh hưởng đến cuộc sống của cả hai người. Đối với Phan Huỳnh Điểu, tình yêu lớn nhất ông vẫn dành cho người vợ hiện tại.

Cuộc đời vẫn đẹp sao được viết trên giường bệnh

Không ít người sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi ca khúc đầy tinh thần lạc quan: “Cuộc đời vẫn đẹp sao” được Phan Huỳnh Điểu viết khi ông đang bị bệnh.

Năm 1971 ông được đưa ra Hà Nội dưỡng thương và chữa bệnh sốt rét. Được sự chăm sóc tận tình của các y bác sỹ, Phan Huỳnh Điểu nhanh chóng khỏe lại.

Ông kể: “Lúc nằm trên giường bệnh, tôi có đọc bài thơ của Dương Hương Ly, nói về tình yêu. Bài thơ hay quá, tôi ngồi viết thành nhạc”.

Ca khúc này được nghệ sỹ Quốc Hương thể hiện đầu tiên và đã để lại dấu ấn đậm nét cho người nghe.

Bóng cây Kơ-nia sáng tác trong vòng 10 năm

Ca sĩ Măng Thị Hội.

Phan Huỳnh Điểu đọc được bài thơ Bóng cây Kơ-nia của nhà thơ Ngọc Anh từ năm 1959. Lúc đó, ông cũng đã phổ nhạc bài thơ này nhưng không làm nổi bật được không khí của Tây Nguyên hùng vĩ.

Vì vậy, Phan Huỳnh Điểu đành xếp bài hát này lại.

5 năm sau (năm 1964) ông mới có dịp tiếp xúc với con người và âm nhạc Tây Nguyên. Hơn 6 năm gắn bó với Tây Nguyên giúp Phan Huỳnh Điểu có đủ trải nghiệm để truyền tải được sức sống Tây Nguyên vào trong ca khúc của mình.

Tuy nhiên, phải đến năm 1971 ca khúc Bóng cây knia mới được hoàn thành khi ông ra miền Bắc chữa bệnh. Ca khúc này được Măng Thị Hội thể hiện đầu tiên. Đây cũng là ca khúc làm nên tên tuổi của Măng Thị Hội.

Điều thú vị là, nhà thơ Ngọc Anh lại là người bạn thân đồng hương của Phan Huỳnh Điểu.

Bài hát cuối cùng của Phan Huỳnh Điểu vô cùng lãng mạn

Ca khúc mà Phan Huỳnh Điểu gọi là “bài hát cuối cùng của đời tôi” lại vô cùng lãng mạn được ông sáng tác khi đã ngoài 90 tuổi mang tên: Em như áng mây, phổ thơ Trương Nam Nhi.

Nghe những giai điệu ngọt ngào cùng ca từ: “Em như áng mây bay qua đời anh rất nhẹ/ Cho con tim già cỗi sáng lên tia nắng hồng/ Em như là dòng sông đến từ miền xa ngái/ Lúc nhẹ nhàng êm ái tưới mát cánh đồng anh….” không ai nghĩ đó lại là sáng tác của 1 nhạc sỹ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm.

Những ca khúc của Phan Huỳnh Điểu không chỉ chắp cánh cho những vần thơ lãng mạn của Ngọc Anh, Xuân Quỳnh, Trần Đình Chính… bay xa mà còn góp phần làm nên tên tuổi của rất nhiều ca sỹ như Bảo Yến, Măng Thị Hội, Quốc Hường,….

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã rời xa chúng ta nhưng những sáng tác và câu chuyện thú vị xung quanh những ca khúc nổi tiếng của ông sẽ còn sống mãi trong lòng người yêu nhạc hôm nay và mai sau!

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.