Tuấn Ngọc, sao anh không từ chối hát cùng Sơn Tùng M-TP?

Tuấn Ngọc có quyền hát với Sơn Tùng M-TP hay bất cứ ai. Nhưng, một nghệ sĩ chân chính, thì phải kiên quyết nói "không" với những ca khúc đạo nhạc.

Tuấn Ngọc có quyền hát với Sơn Tùng M-TP hay bất cứ ai. Nhưng, một nghệ sĩ chân chính, thì phải kiên quyết nói "không" với những ca khúc đạo nhạc.

Không chỉ là "không thuộc về nhau"

Các ca sĩ "không cùng thế hệ" vẫn đứng chung sân khấu và hát cùng nhau một cách ăn ý. Chuyện đó bình thường và là quyền của các ca sĩ.

Tuấn Ngọc cũng vậy. Anh có quyền hát với Sơn Tùng và thậm chí với bất cứ ai nếu anh thấy phù hợp. Trước đây, anh và danh ca Chế Linh đã có một màn đối ứng sân khấu khá thú vị: Anh hát "Linh hồn tượng đá" còn Chế Linh hát "Riêng một góc trời".

Tuấn Ngọc, sao anh không từ chối hát cùng Sơn Tùng M-TP? - Ảnh 1.

Phần trình diễn của ca sĩ Tuấn Ngọc và Sơn Tùng M-TP.

Màn đối ứng ấy đã xoá đi phần nào định kiến "sang- sến". Các nghệ sĩ đều bình đẳng trước nghệ thuật mà cụ thể là âm nhạc. Và họ đều đẹp hơn bên cạnh cái đẹp của nghệ thuật.

Vâng, là "nghệ thuật" đích thực, chứ không phải những thứ "từa tựa", "giông giống".



Clip Tuấn Ngọc song ca chúng ta không thuộc về nhau với Sơn Tùng

Thỉnh thoảng, nhiều chương trình chúng ta vẫn thấy các đàn chị diva của Việt Nam đứng với các đàn em. Sức trẻ của đàn em, độ chín của đàn chị hoà quyện, mang lại cho âm nhạc những sắc màu độc đáo.

Tuy nhiên, sân chơi nào cũng phải có "điều kiện". Nếu là âm nhạc đích thực, nghệ sĩ đích thực, việc đứng cùng nhau, và việc nối tiếp thế hệ là điều cần thiết và đáng khích lệ. Nói một cách dân dã, "đồng chất đồng hoa" đứng cạnh nhau là việc nên cổ xuý.

Nhưng "khác" quá, "không thuộc về nhau" kể ra cũng khó. Tôi nhấn mạnh lần nữa, Tuấn Ngọc có quyền hát với bất cứ ai anh muốn.

Tuy nhiên, người hâm mộ anh có quyền rời xa anh nếu họ cảm thấy anh đi quá giới hạn mà họ đã cùng anh xây dựng trên một hành trình âm nhạc dài đã làm nên tên tuổi của anh.

Là người thần tượng giọng hát Tuấn Ngọc hơn 20 năm nay, thú thật, tôi có chút buồn, thậm chí đau lòng khi nhìn thấy anh đứng trên sân khấu hát "Chúng ta không thuộc về nhau" trong vài tiếng vỗ tay lác đác.

Trong khi đó, Sơn Tùng cất cái giọng yếu ớt, âm vực ngắn và quá sức hoàn toàn với giai điệu của "Riêng một góc trời", thì lại được vỗ tay rầm rầm.

Rõ ràng, Tuấn Ngọc và Sơn Tùng khó mà "thuộc về nhau" trong âm nhạc. Thậm chí là "không thuộc về nhau.

Sơn Tùng khó thuộc về những ca khúc có chiều sâu và đòi hỏi người hát phải có giọng hát thực sự như "Riêng một góc trời", còn Tuấn Ngọc thì không nên thuộc về mấy kiểu nhạc "lệch chuẩn" với anh đến như thế.

Là tôi đang nói ở tư cách một người nghe nhạc, tôi nhìn thấy đó là một màn song tấu khá khập khiễng, "lệch chuẩn" và nghệ thuật bị giễu nại. Trên thực tế, nhiều nghệ sĩ đã từ chối các show diễn lớn vì sự "lệch chuẩn" này.

Lorde, nữ danh ca thắng Grammy 2014 người New Zealand đã từ chối thẳng thừng ca sĩ thời thượng Katy Perry khi ngôi sao này mời cô hát mở màn cho tour "Prismatic" của Katy.

Nhiều báo viết là Lorde không muốn "đóng vai phụ" nhưng lý do thực tế mà cô đưa ra khi trả lời một kênh phát thanh là: Âm nhạc của tôi và cô ấy không phù hợp.

Nữ ca sĩ từng gây sốt cả làng nhạc thế giới từ năm 16 tuổi này sau đó bị một số fan cuồng của Katy ném đá là "chảnh", nhưng khá nhiều ngôi sao lớn lại bênh vực cô, cho rằng từ chối sự "khác vị" là cái tự trọng tối thiểu của một nghệ sĩ lớn.

Đã từng tiếp xúc với Tuấn Ngọc, tôi biết, trên sân khấu anh nghiêm nghị chỉn chu là thế, nhưng ngoài đời anh là một người thân thiện và trẻ trung.

Sẽ không mấy ngạc nhiên, khi tôi biết anh nhận lời hát với Sơn Tùng. Nhưng, sẽ rất ngạc nhiên, khi anh hát âm nhạc của Sơn Tùng, dù chỉ là một vài câu ngắn ngủi, trên sân khấu như thế.

Tuấn Ngọc, sao anh không từ chối hát cùng Sơn Tùng M-TP? - Ảnh 2.

Lần song ca này của Tuấn Ngọc và Sơn Tùng khiến nhiều người choáng.

Thật không thể hiểu nổi

Như đã nói, tôi rất ngạc nhiên khi Tuấn Ngọc hát âm nhạc của Sơn Tùng. Và, khi anh hát "Chúng ta không thuộc về nhau", ca khúc bị truyền thông phanh phui là đạo nhạc, thì tôi không thể hiểu nổi danh ca Tuấn Ngọc.

Hãy cùng nhìn lại: Ca khúc "Chúng ta không thuộc về nhau" bị tố đạo đến 99% ca khúc We don't talk anymore" của Charlie và Selena Gomez.

Ngay cả DJ Heyder, tác giả của bản "Remix We don't talk any more", cũng đã khẳng định trên một tờ báo lớn rằng, Sơn Tùng đã đạo nhạc, và ca khúc của Tùng là "phiên bản tiếng Việt" của ca khúc kia.

Các nhạc sỹ chuyên môn cũng chỉ ra, Sơn Tùng đã đạo ca khúc này từ vòng hợp âm tới tiết tấu, cấu trúc. Đây là ca khúc có vòng hợp âm đặc biệt chứ không phải vòng hợp âm thông thường - vòng hợp âm Fa-Son-La thứ-Mi thứ. Sơn Tùng đã "thuổng" nguyên cả vòng hợp âm ấy.

Vòng hợp âm giống, nhiều nốt liền nhau trong nhiều câu giống, tiết tấu giống, cấu trúc giống và beat cũng giống, thì chẳng có gì bàn cãi về việc đạo nhạc của ca sĩ trẻ này. Chuyện này rất ầm ỹ và không thể nói là không đến tai danh ca Tuấn Ngọc.

Và điều đáng buồn, đạo diễn âm nhạc của cái chương trình mời hai người "song ca" thì không thể nói là không biết. Việc đưa một tác phẩm không trung thực lên sân khấu, điều đó rất có lỗi với người nghe và không có trách nhiệm với môi trường văn hoá.

"Nói không với đạo, nhái", nhiều người đã từng làm.

Sơn Tùng từng được mời trong một show diễn với sự xuất hiện của nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc PSY, nhóm nhạc đã làm mưa làm gió với Gangnam Style.

Show này sau đó bị huỷ. Trên Fanpage của chương trình, số ủng hộ có sự hiện diện của Sơn Tùng M-TP vô cùng ít. Còn phần đa là phản đối.

Nhiều người đưa ra bình luận: "Hoặc là KPOP, hoặc là Sơn Tùng, hoặc là không gì cả". "Có Sơn Tùng thì không có KPOP và ngược lại". Những comment tẩy chay Sơn Tùng M-TP được nhận rất nhiều đồng thuận.

Sau đó, lý do mà BTC đưa ra chính thức là "không bán được vé".

Tuần trước, trong một chương trình âm nhạc lớn tại sân vận động QK 7, có nhóm nhạc huyền thoại Michael Learns To Rock cùng ban nhạc nữ nổi tiếng Hàn Quốc Wonder Girls, Sơn Tùng biểu diễn sau hai ban nhạc này.

Và kết quả là, sau khi đến tiết mục biểu diễn của Sơn Tùng M-TP thì khán giả lũ lượt kéo về. Trong đó có rất nhiều khán giả trẻ. Tôi có hỏi một số những người ra về, một lý do đáng chú ý là: "Tôi không nghe hàng nhái".

Điều đáng nói, từng hiểu tính nết của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, tôi rất hiểu họ ý thức việc bảo vệ sở hữu trí tuệ đến mức nào. Chương trình có màn song ca Tuấn Ngọc - Sơn Tùng M-TP, là sự kiện của một thương hiệu lớn, tại sao có thể dễ dãi sử dụng tác phẩm "nhái"?

Ở Việt Nam, ý thức với hàng "nhái", đặc biệt là trong nghệ thuật, rất cao. Rất nhiều người đã nói "không". Doanh nhân Lê Hoài Anh đã kiên quyết không mặc đồ của Đỗ Mạnh Cường dù bà được tặng, vì nhà thiết kế này liên tiếp bị tố "nhái" mẫu của các thương hiệu nổi tiếng.

Công chúng đã nói không, tại sao danh ca và người quyết định chương trình lại nói "có" nhỉ?

Theo Trí thức trẻ


Tuấn Ngọc

Sơn Tùng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.