Ở thành phố Hợp Phì (Trung Quốc), nhiều người dân đang truyền tai nhau câu chuyện của một ông cụ quét rác 62 tuổi. Điều gì khiến một ông cụ quét rác được nhiều người nhắc đến như vậy? Đó chính là bởi tấm lòng của ông dành cho đứa cháu trai khuyết tật của mình.
Người này chính là ông Ninh Quang Phúc. Trước đây, ông Ninh ở nông thôn, sống bằng nghề nông. Nhưng sau khi cháu trai của ông ra đời, phát hiện bé bị thiểu năng, mọi người đều xa lánh bé khiến ông thấy đau lòng. Ngay cả bố mẹ đẻ của bé cũng không buồn ngó ngàng đến con, họ hàng, hàng xóm thì chỉ muốn tránh càng xa càng tốt, nếu có nhìn cũng chỉ nhìn bé bằng ánh mắt ái ngại. Cháu nội ông Ninh không được chăm sóc chu đáo, cũng không được nuôi dạy, học hành tử tế.
Thương cháu, giận mọi người trong nhà, ông Ninh ôm cháu bỏ nhà đi, đến Hợp Phì xin làm công nhân vệ sinh kiếm tiền nuôi dạy cháu. Tiền lương mỗi tháng là 1300 NDT (hơn 4 triệu VNĐ), hai ông cháu rau cháo nuôi nhau.
Ngày ngày, ông Ninh đưa cháu cùng đi quét rác. Khi có thời gian rảnh rỗi, ông dùng mặt đất làm bảng, lấy phấn dạy cháu học chữ. Vì trí tuệ của cháu trai không được như người bình thường, ông Ninh phải rất kiên nhẫn. Nắm tay dạy cháu viết đi viết lại từng từ, ông còn kết hợp với hành động mô tả để cháu hiểu nghĩa của từ đó để cháu nhớ kỹ.
Trong túi ông Ninh lúc nào cũng có một bộ bài tây, ông dùng làm “giáo án” dạy toán cho cháu. Sau khi cháu đã nhận biết được hết các chữ số, ông bắt đầu dạy cháu làm toán cộng trừ. Hiện tại, cháu ông Ninh đã có thể viết được hơn 100 chữ, cũng đã biết một số phép tính đơn giản. Dù mất rất nhiều thời gian, thấy cháu tiến bộ, ông Ninh vẫn thấy hạnh phúc.
Ngày đi quét rác, tối hai ông cháu lại trở về căn nhà trọ cũ có diện tích 15m2. Gian nhà trọ nhỏ bé ngoài mấy hộp sữa bột và đồ chơi cho cháu trai, trên tường cũng chỉ dán mấy tờ giấy in hình cho cháu học, ngoài ra không còn đồ vật gì đáng giá. Cuộc sống vất vả, khổ cực nhưng hai ông cháu luôn sớm tối bên nhau.
Ông Ninh chia sẻ, cháu ông không phải bị thiểu năng bẩm sinh. Nếu biết cách giáo dục, đứa bé vẫn có hy vọng. Vì vậy, dù phải chịu khổ hơn nữa, ông vẫn sẽ tiếp tục cố gắng để nuôi dạy cháu nên người.