Ngôi đền này có rất nhiều bức tượng được chạm khắc
nổi là hình ảnh nam nữ giao hoan với đủ tư thế như trong cuốn “từ điển
tình dục” Kamasutra nổi tiếng.
Hiện nay Ấn Độ được coi là một quốc gia khá bảo thủ về vấn đề tình dục . Thế nhưng ít ai biết rằng, cách đây khoảng 8 thế kỷ, tình dục lại rất được coi trọng ở Ấn Độ và được dạy trong nhà trường như một môn học chính thức. Đời sống thế tục cũng gắn bó chặt chẽ với đời sống tâm linh. Điều này thể hiện qua những ngôi đền tình dục nổi tiếng ở quốc gia này.
Quần thể 85 ngôi đền tình dục tại đây được triều đại Chandela xây dựng từ giữa năm 950 đến 1050. Hiện nay chỉ còn 22 ngôi đền tồn tại khá nguyên vẹn và được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1986.
Thoạt nhìn, những ngôi đền tình dục có kiến trúc không khác gì so với những ngôi đền bình thường.
Thế nhưng nếu nhìn kĩ, du khách có thể thấy trên các bức tường có rất nhiều bức tượng được chạm khắc nổi là cảnh nam nữ giao hoan với đủ tư thế như được miêu tả trong cuốn “từ điển tình dục” Kamasutra nổi tiếng được viết vào thời Ấn Độ cổ đại, giữa thế kỷ thứ 4 TCN và thế kỷ thứ 2.
Có nhiều giả thuyết khác nhau về sự tồn tại của các bức tượng này. Một số cho rằng các vị vua Chandela đi theo triết lý Tantric đề cao bình quyền nam và nữ và coi trọng chuyện phòng the.
Một giả thuyết khác lại cho rằng, những ngôi đền này là nơi thờ phụng các tài nghệ của người Ấn Độ cổ đại, trong đó bao gồm cả nghệ thuật làm tình. Do vậy, các bức tượng cảnh giao hoan trong đền được coi là điềm tốt vì nó đại diện cho sự khởi đầu và cuộc sống mới.
Ấn Độ giáo cũng có truyền thống coi tình dục là một chuyện thiết yếu nên các bức tượng phòng the này được đặt xen kẽ với những bức tượng miêu tả cảnh cầu nguyện hay chiến tranh.
Tuy nhiên tất cả các bức tượng tình dục đều mang tính biểu cảm và được khắc họa một cách đầy nghệ thuật chứ không hề mang đến cảm giác thô tục.
Tại đây không chỉ có những bức tượng miêu tả cảnh phòng the của đôi nam nữ, mà còn có cả hình ảnh quần hôn hay… người quan hệ với động vật.
Những ngôi đền này từng phải trải qua không ít thăng trầm lịch sử. Nhiều bức tượng trong đó đã bị hư hỏng một phần do tác động của thiên nhiên, chiến tranh và của chính con người bởi chúng từng được các “cảnh sát đạo đức” ở Ấn Độ coi là đồi bại.
Trên thực tế, những người dân và cả khách du lịch khi đến với ngôi đền này dường như đều chỉ mải mê ngắm nhìn các bức tượng được chạm khắc rất tỉ mẩn mà không hề cau mày khó chịu hay xấu hổ hoặc cười rúc rích vì những cảnh nhạy cảm.