Những phong tục đón Tết kỳ lạ trên thế giới
Tại nhiều nơi trên thế giới, việc chào đón năm mới còn gắn liền với những phong tục hết sức độc đáo…
Đặc sắc Ấn Độ
Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới có thời điểm đón năm mới không “đồng nhất”. Mỗi khu vực ở Ấn Độ có một thời điểm đón Tết riêng. Miền Bắc Ấn Độ đón năm mới vào tháng 4 hàng năm, trong khi lễ hội này ở miền Nam lại diễn ra vào trung tuần tháng 3, còn ở miền Tây Ấn Độ thì diễn ra vào khoảng từ tháng 11 tới tháng 12.
Mặc dù không thống nhất về mặt thời gian nhưng Tết Ấn Độ có một điểm chung là tất cả mọi người dân đều coi đây là dịp đón năm mới và là những ngày hội của lửa, của màu đỏ. Theo đó, ngày đầu năm, từ sáng sớm, mọi người đã xách những cây đèn nhỏ, những hộp phấn đỏ để đi chúc Tết các bậc cao niên và bạn bè thân hữu.
Khi gặp mặt, họ chúc mừng nhau rồi cùng lấy phấn đỏ bôi lên trán nhau tỏ ý mong năm mới gặp vận đỏ và nhiều may mắn. Năm ngày đầu năm mới, mọi nơi đều diễn các vở kịch cải biên dựa theo bộ sử thi của Ấn Độ.
Người đóng vai anh hùng trong sử thi phải “giao chiến” với người khổng lồ bện bằng giấy, anh ta phải dùng mũi tên đã châm lửa bắn vào nó. Người khổng lồ bén lửa bốc cháy trong tiếng vỗ tay reo hò của những người đứng xem. Sau đó mọi người trở về nhà, kết các chùm đèn, treo những bức tranh đặc sắc cùng những vật làm biểu tượng cho lòng mến khách bên ngoài cửa ra vào và cửa sổ. Trong những ngày đầu năm mới, người ta thường gặp gỡ nhau chuyện trò thân mật, ôn lại năm qua và bày tỏ những ước vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Tại một số địa phương ở quốc gia này trong ngày Tết, người dân không những không chúc phúc cho nhau mà họ còn ôm nhau khóc lóc thảm thiết. Họ còn đặt sẵn những thùng bột đủ sắc màu chốn công cộng để ném và tạt vào người nhau. Họ quan niệm rằng, mỗi khi năm mới bắt đầu, tuổi thọ của họ lại tăng lên còn đời người thì ngắn lại và tiếng khóc là để bày tỏ sự tiếc thương, than thở cho bản thân.
Không những thế, người dân xứ sở này còn bày biện và ăn các loại trái cây có vị đắng. Thậm chí, họ còn nhịn ăn một ngày một đêm để chào đón năm mới, thời gian nhịn ăn được tính từ bình minh của ngày đầu năm mới đến nửa đêm. Ngoài ra, người Ấn còn chuẩn bị rất nhiều bột mì để “vệ sinh” cơ thể trong lễ giao thừa. Tại những nơi công cộng, họ đặt sẵn những thùng bột đủ sắc màu để ném và tạt vào người nhau, đó là một cách mà họ tin là có thể mang lại nhiều may mắn cho nhau vào dịp năm mới đến.
Chuyện lạ ở Nam Mỹ
Nói tưởng đùa nhưng việc chửi mắng và đánh nhau là một phong tục cố hữu tại một vùng quê thuộc Peru. Theo đó, phong tục cực kỳ kỳ quặc trong dịp năm mới này vẫn thường xuất hiện tại làng Chumbilbilca của đất nước Peru xinh đẹp. Người dân ở đây ăn mừng lễ hội đón năm mới mang tên Takanakuy bằng cách mắng chửi và đánh nhau để... thắt chặt tình đoàn kết.
Họ tin rằng mắng nhau và “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” là cách xóa bỏ hết những hiềm khích cá nhân trong năm cũ và thắt chặt tinh thần đoàn kết trong năm mới. Dù không mang găng tay hay áo giáp thi đấu, nhưng rất ít người dân bị chấn thương nghiêm trọng. Bởi một lý do hết sức đơn giản là những cuộc ẩu đả này được cảnh sát địa phương giám sát.
Mặc dù có tính bạo lực nhưng bao giờ cũng vậy lễ hội Takanakuy luôn kết thúc trong những màn nhảy múa chúc mừng năm mới cùng sự hân hoan và hết sức thân mật, đoàn kết giữa mọi người. Ở Peru còn có một phong tục đón năm mới khác cũng hết sức độc đáo, đó là việc đốt hình nộm đón năm mới.
Trong suốt những ngày gần sang năm mới, người ta có thể thấy ở rất nhiều nơi trong thành phố Lima, thủ đô Peru bày bán những hình nộm của những người được coi là “kẻ thù chung của dân tộc” hay những người không được dân chúng nước này yêu mến. Và tới khi thời khắc quan trọng của năm mới đã điểm thì những “kẻ thù chung” này được mang ra đốt với hy vọng những gì không may mắn trong năm cũ sẽ bay theo những đống tro tàn của các hình nộm đóng thế.
Không chỉ ở Peru mà tại nhiều quốc gia Nam Mỹ khác phong tục đốt hình nhân vào đêm giao thừa vẫn được thực hiện một cách “đều đặn”. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, việc đốt hình nhân lại mang một hàm nghĩa khác nhau.
Ở Panama, theo truyền thống, người ta thường mang hình vẽ những người nổi tiếng đốt cháy để đón chào năm mới. Đó có thể là những nhân vật hay xuất hiện trên truyền hình hoặc các chính trị gia nổi tiếng. Họ tin rằng, điều đó sẽ giúp xua đuổi tà ma, những điều xấu trong năm cũ, để bắt đầu một năm mới hanh thông, suôn sẻ và không gặp bất cứ trở ngại nào.
Phong tục này đã tồn tại trong suốt một thời gian dài tại Panama, nhưng gần đây phong tục này đã được cải biến đi ít nhiều khi ngoài hình ảnh những nhân vật nổi tiếng được mang đốt người dân có thể sử dụng hình ảnh của những người thân đã mất của mình để đốt với hy vọng những người đã khuất cũng sẽ được chung vui một cái Tết an lành cùng mọi người.
Khác với Panama, ở Colombia, người dân thường đón năm mới với phong tục “đốt” tống tiễn năm cũ. Phong tục này có sự tham gia của toàn thể gia đình. Để chuẩn bị đón năm mới, mọi người trong gia đình cùng nhau làm một hình nộm rất to gọi là “Ông năm cũ”.
Sau đó, họ nhét vào bên trong những thứ không cần thiết, đặc biệt là những vật có thể gợi nhớ các kỷ niệm buồn trong năm vừa qua. Và rồi tất cả sẽ được đốt hết vào lúc giao thừa. Phong tục này thể hiện ước vọng muốn rũ sạch những chuyện không vui của năm đã qua và đón chào năm mới một cách đầy lạc quan trong năm mới của người Colombia.
Ăn trọn vẹn bảy bữa
Một phong tục hết sức độc đáo của người Estonia luôn khiến nhiều người cảm thấy thích thú, đó là họ sẽ cố gắng ăn trọn vẹn bảy bữa trong ngày đầu năm mới. Người Etonia tin rằng, đó là hành động đảm bảo sự no đủ trong năm mới. Nếu một người đàn ông ăn bảy bữa trong ngày đầu năm, thì người ta tin rằng anh ta sẽ có sức khỏe bằng bảy người đàn ông khác trong năm mới.
Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc ăn tám bữa trong ngày đầu năm mới sẽ tốt hơn, bởi số 7 luôn được coi là con số may mắn của người Estonia và việc ăn đủ bảy bữa ăn không hơn, không kém mới là điều mang lại những sự no đủ, may mắn trong năm mới cho mỗi người.
Vốn được biết tới là lục địa của mùa đông lạnh giá, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc người dân châu Âu không dám thử sức mình với sự khắc nghiệt của thời tiết. Vì thế thời tiết lạnh giá ở vùng biển Bắc những ngày cuối cùng của năm cũng không thể làm cho những tay bơi ở bãi biển Scheveningen, Hà Lan cảm thấy nao núng. Bởi họ tin rằng, việc ngâm mình trong lòng đại dương vào mùa đông là một trong những thử thách đo sức chịu đựng, sự rắn rỏi và sức đề kháng của mọi người trước khi bắt đầu một năm mới.
Tại một vài địa phương ở Đức, Nga, Pháp việc tắm biển hay tắm sông trong thời khắc chuyển giao sang năm mới khi tiết trời lạnh đến độ âm đang trở thành một trào lưu hết sức mới lạ. Với quan niệm tắm rửa sẽ gột sạch những rủi ro trong năm cũ cũng như rèn luyện sức khỏe, nhiều người dân châu Âu đang nỗ lực tìm cách “ngâm mình” trong nước lạnh mỗi khi Tết đến.
Không phổ biến việc tắm biển trong mùa đông lạnh giá để đón năm mới, người dân sống tại làng Urnaesch, Thụy Sỹ lại có quan niệm rằng: Những đoàn “người cây” (Silvesterchlause) sẽ giúp xua đuổi các linh hồn ma quỷ để bắt đầu một năm mới tốt đẹp hơn. Vậy là nhiều người vẫn rủ nhau hóa trang thành “người cây” đến các ngôi nhà để nhảy múa và hát những khúc ca dân gian.
Thông thường, các Silvesterchlause sẽ được gia chủ tặng cho rất nhiều đồ ăn ngon và một chút tiền. Ở Thụy Sĩ không chỉ có trẻ con mà ngay cả người lớn cũng rất thích trở thành một Silvesterchlause. Tại nhiều nơi trên giới vẫn còn rất nhiều những phong tục đón năm mới hết sức độc đáo, nhưng tất cả đều tựu chung lại ở một điểm là mọi người đều mong muốn rũ bỏ, thanh tẩy những điều không may mắn của năm cũ để đón nhận những gì tốt đẹp nhất sẽ tới trong năm mới…