Thế hệ những cậu ấm cô chiêu “trời đánh”

vì một chút sức ép, quá lười biếng để làm bất cứ công việc khó khăn và quá yếu đuối để đối phó với thực tế cuộc sống.

Có một thế hệ ở Trung Quốc được gắn với tên gọi của một loại quả - quả dâu tây. Đó là những người trẻ được ví với một loại quả nhìn đẹp đẽ nhưng dễ bầm dập, dễ hư vì cuộc sống nhung lụa, dễ ngã quỵ vì một chút sức ép, quá lười biếng để làm bất cứ công việc khó khăn và quá yếu đuối để đối phó với thực tế cuộc sống.



Quý tử họ Xu nằm lăn ra đường ăn vạ, cảnh sát phải can thiệp


Nạt cha

Mới đây, cộng đồng mạng ở Trung Quốc xôn xao về một “màn kịch” giữa đường phố thành phố Trùng Khánh. “Diễn viên chính” là cậu thanh niên 21 tuổi họ Xu. Xu đã đòi bố mình - chủ một cửa hàng bán và cho thuê giàn giáo xây dựng mua cho chiếc xe ô tô con trị giá 150.000 nhân dân tệ (khoảng 450 triệu đồng). Xu nói rằng, chiếc xe này là một trong số những yêu cầu mà gia đình người bạn gái cậu thách cưới. 

 Một người hàng xóm của Xu cho biết, cậu quý tử này đã nhiều lần “vòi” bố mẹ để được mua những món hàng đắt tiền. Mới đây, cậu ta đã bắt bố mua cho chiếc máy vi tính giá 3.000 nhân dân tệ (khoảng 9 triệu đồng). Lần khác, khi người bố không đồng ý mua xe, Xu đã lao ra giữa đường và nằm lăn ra. Không còn cách nào khác, bố Xu đã buộc phải hứa sẽ đi vay tiền để mua xe ô tô cho cậu ta vào cuối năm nay. 

Lời hứa của bố chỉ làm cho Xu nguôi được vài hôm. Chưa đầy 1 tuần sau, Xu lại nhắc lại việc mua xe và cậu ta nói dứt khoát rằng phải mua ngay, không thể chờ đến cuối năm. Khi người bố nói không đồng ý vì chưa vay được tiền, Xu đã giật chiếc bình chữa cháy, xông tới chiếc xe tải của gia đình, đập nát kính xe. Chưa hết, cậu ta lại tiếp tục chạy ra đường Pan Long nằm sõng soài dọa tự sát. Và lần này, những lái xe đã gọi điện báo cảnh sát và họ đã tới lôi cổ anh ta đi. 

Mắng mẹ

Trong thời đại công nghệ hiện nay, khi “đẳng cấp” được không ít thanh thiếu niên thể hiện bằng những thiết bị công nghệ mới nhất, chỉ vì muốn có một chiếc iPhone cho bằng bạn bằng bè, không ít những “đứa trẻ dâu tây” đã làm nhục bố mẹ mình giữa chốn đông người. Một cậu bé ở thành phố Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông đã thẳng tay tát vào mặt người mẹ của mình sau khi mẹ cậu ta - một người bán hoa quả - đã cố chiều con bằng cách mua cho một chiếc điện thoại hàng nhái. Phát hiện ra, cậu con trai đã ném chiếc điện thoại xuống đất vỡ tan và tát vào mặt mẹ trước mặt những người khách hàng. 

Không chỉ con trai, mà những cô con gái cũng “dâu tây” không kém. Nhân dịp đỗ đại học, một cô gái ở Bắc Kinh (giấu tên) đã bắt mẹ thưởng. Được dẫn đi mua sắm, cô con gái chọn mua một chiếc Iphone, một chiếc iPad và một chiếc MacBook với tổng số tiền hơn 20.000 nhân dân tệ (khoảng 60 triệu đồng). Khi người mẹ nói không đủ tiền, cô con gái đã mắng mẹ giữa cửa hàng đông người rằng cô sẽ mất mặt với đám bạn nếu không có những thứ này rồi bỏ đi, mặc cho người mẹ nước mắt chảy dài. 

Giữa khuôn viên trường Đại học Huazhong ở Hán Khẩu, một cô gái đã lớn tiếng quát cha mẹ và dọa sẽ bỏ học nếu bố mẹ không mua cho một chiếc iPhone. “Con sẽ không học ở đây nếu bố mẹ không mua điện thoại, kể cả bố mẹ đã nộp tiền học phí”. Sau hơn một giờ “thương thuyết”, cuối cùng cô gái này đã đồng ý chuyển sang một dòng điện thoại khác, giá rẻ hơn.



Con hư tại…

Khái niệm “Thế hệ dâu tây” vốn chỉ những người sinh năm từ 1980 trở đi. Sở dĩ được “dán mác” tên loại quả này là bởi quả dâu tây rất mỏng manh và dễ bị hư hỏng. “Thế hệ dâu tây” cũng vậy, họ không chịu được những khắc nghiệt và khó khăn của thế giới thực tại. Họ là những người không chỉ ích kỷ, kiêu ngạo mà còn chậm chạp trong công việc. 

Theo các nhà xã hội học, “thế hệ dâu tây” vốn được lớn lên trong điều kiện dư dả, khó khăn và nghèo đói là những điều xa lạ với những người trẻ tuổi này. Họ được bố mẹ nuông chiều do chính sách một con của Trung Quốc, ngoài những chuyện “mắng mẹ nạt cha” bị cộng đồng lên án, “Thế hệ dâu tây” còn được nhắc tới là những người không chịu được áp lực công việc, thường xuyên nhảy việc. Ben Hsu, 25 tuổi, đã tốt nghiệp một trường dạy nghề, nhưng cậu ta đã đổi việc hơn 10 lần trong vòng 5 năm, trong đó, có nơi anh chàng này bỏ công ty ngay sau một ngày làm việc. Một “dâu tây” khác tên Liv Cheng, 24 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, đã từ bỏ ý định trở thành giáo viên dạy nhạc vì gặp phải một chút khó khăn tại trường học. “Giáo viên mà có nhiệm vụ phải lau sàn và đi đổ rác”, Liv phàn nàn khi kể lại ngày đầu đi làm - “Tại sao tôi phải làm việc đó? Tôi có phải lao công đâu. Tôi thà ở nhà còn hơn”. 

Nhiều nhà xã hội học Trung Quốc đồng quan điểm rằng, có nhiều những cô gái, chàng trai thuộc “thế hệ dâu tây” như trên là do lỗi của cha mẹ đã quá nuông chiều với những thú vui và sở thích nhất thời của con em mình đến mức làm hỏng chúng. “Mọi nhu cầu của “thế hệ dâu tây” đều được đáp ứng từ khi họ còn rất trẻ. Vì thế, họ không có khát vọng vươn lên hay có mong muốn đạt được một vị trí cao trong xã hội” -  nhà bình luận về tình hình xã hội Wang Shing-ching nói.

Theo ANTĐ

Bình luận