Từ phá thai có “khuyến mãi" đến chuyện bỏ con mới sinh...

Hàn Quốc có luật cấm phá thai, nên phụ nữ nước này đổ xô qua Trung Quốc (TQ) phá thai.

Hàn Quốc có luật cấm phá thai, nên phụ nữ nước này đổ xô qua Trung Quốc (TQ) phá thai.

Nhưng dù phá thai được cho phép ở TQ, phụ nữ Hàn qua nước này để phá bỏ hòn máu vẫn bị xem là phi pháp, và nếu xảy ra sự cố thì họ không được bồi thường pháp lý. Còn nếu phá thai ở quê nhà, họ có thể bị tù.

Từ phá thai có “khuyến mãi”…

Các chuyên gia của Hiệp hội Bác sĩ ủng hộ cuộc sống ở Hàn cảnh báo những chuyến du lịch sang TQ có nguy cơ cao, vì rất nguy hiểm cho phụ nữ mang thai đi xa hoặc sau khi phá thai.

Từ phá thai có “khuyến mãi" đến chuyện bỏ con mới sinh... 1

Một người mẹ mang bầu 9 tháng quyết định giữ con thay vì đem cho làm con nuôi

Chuyên gia Cha Hee-jae nói: “Một cuộc phá thai ở các cơ sở thiếu điều kiện an toàn vệ sinh có thể gây ra các biến chứng, nhiễm trùng, chảy máu, dẫn đến vô sinh, thậm chí tử vong”. Cảnh sát cảnh báo phụ nữ Hàn qua TQ phá thai có thể bị đưa ra tòa xét xử. Nhưng những vụ du lịch này vẫn tăng sau khi nhiều bác sĩ phụ khoa ở Hàn bị bắt tháng 2/2010 do thực hiện phá thai trái phép.

Do chủ trương “mỗi nhà chỉ nên có một con” từ năm 1971, phá thai là hợp pháp ở TQ. Một “cò” thu xếp các chuyến du lịch phá thai ở TQ cho biết: người phá thai có thể sử dụng tên giả để không bị mất danh dự, bác sĩ TQ lành nghề do có nhiều năm kinh nghiệm. Toàn bộ chi phí gồm tiền di chuyển-ăn ở và công phá thai là 200 triệu won/một chuyến đi 4 ngày. Có cả giá “khuyến mãi” nếu khách nhờ dịch vụ xin visa và mua vé máy bay của các công ty du lịch.

Theo Cục thống kê Hàn, năm 2012 số trẻ chào đời là con ngoại hôn (cha mẹ không lấy nhau thành vợ chồng) đã “lên đến đỉnh” với 10.100 trẻ, tăng nhẹ 1% (100 trẻ) so với năm 2011, chiếm 2,1% trên tổng số trẻ chào đời ở Hàn, là tỷ lệ thấp nhất trong các nước thành viên Tổ chức Hợp tác kinh tế-phát triển (OECD).

Nhưng ở Hàn vẫn còn nhiều phụ nữ chưa lấy chồng chọn cách phá thai. Theo Bộ Y tế-an sinh xã hội Hàn, phụ nữ chưa chồng chiếm 42% trong 342.433 vụ phá thai hồi năm 2005. Đến năm 2010, cứ 1.000 phụ nữ thì có 14,1 ca phá thai. Theo nghiên cứu năm 2012 của bộ trên, số ca phá thai ở Hàn đã giảm từ 290.000 ca năm 2005 xuống còn 160.000 ca năm 2010, có lẽ do phụ nữ Hàn ngày nay muốn ra nước ngoài phá thai.

Hồi trung tuần tháng 8, một cấp tòa quận ở tỉnh Gyeonggi (Hàn) đã tuyên án 6 tháng tù treo trong một năm, bị cấm hành nghề một năm đối với một bác sĩ đã phá thai trái phép. Cô gái 29 tuổi nhờ ông ta phá thai bị phạt số tiền 2 triệu won. Phán quyết của tòa nêu: “Phá thai là tội nghiêm trọng, vi phạm quyền được sống của thai nhi.

Ca này không cần đáp ứng các điều kiện ngoại lệ cho phép phá thai trong Luật Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. Tại Hàn, luật cấm phá thai nhưng có ngoại lệ, như người mang thai bị bệnh đe dọa đến mạng sống. Nếu dựa vào ngoại lệ này để phá thai thì bác sĩ có thể bị án tù 2 năm, người mang thai bị án tù 1 năm.

Phán quyết này đã làm dấy lên một tranh luận, do vào tháng 6, một cấp tòa khác tuyên đình chỉ xét xử các bác sĩ bị buộc tội thực hiện phá thai: “Thực tế phá thai đang là một biện pháp phổ biến và được chấp nhận, sẽ không công bằng khi chỉ có các bác sĩ phải chịu trách nhiệm”.

… Đến chuyện bỏ con mới sinh

Gần đây, chính quyền thành phố Seoul (SMG) cho biết trong 8 tháng đầu năm 2013, đã có 176 trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ rơi, tăng gấp đôi so với năm ngoái lên 2,6 lần so với 67 ca bỏ con hồi năm 2012. SMG dự báo số trẻ sơ sinh bị bỏ sẽ tăng hơn 250 ca trong cuối năm nay.

Theo mục sư Jeong Young-ran của nhà thờ Chúa thương loài người (ở Nangok, tây nam Seoul), sự gia tăng số trẻ mới sinh bị bỏ rơi là do Luật Con nuôi đặc biệt sửa đổi vốn có những quy định xin nhận con nuôi nghiêm khắc hơn: buộc mẹ ruột (có cha ruột càng tốt) phải đăng ký giấy sinh con tại địa phương, trước khi họ cho người khác nhận đứa trẻ mới sinh làm con nuôi. Đây là cách bảo đảm khi đứa trẻ lớn lên sẽ có thể tìm được cội nguồn.

Khi bảo vệ dự thảo luật mới, Bộ Y tế-an sinh xã hội Hàn cho biết các bà mẹ phải đăng ký giấy khai sinh cho con và đăng ký vào sổ gia đình. Nhưng luật mới - có hiệu lực từ tháng 8.2012 - đã bị “phản ứng phụ”: các tổ chức nhận con nuôi nói luật mới sẽ cải thiện quyền của đứa trẻ bị bỏ rơi, nhưng các cơ quan tổ chức cho - nhận con nuôi đặt đứa trẻ vào tình cảnh nguy hiểm khi buộc cha mẹ chúng phải cung cấp tên - tuổi, trong khi họ không muốn bị nhận diện là người bỏ con. Trên hết, hầu hết các trẻ bị bỏ rơi là con của những người mẹ chưa lấy chồng, bí mật bỏ con vì họ không muốn ai biết họ từng sinh con.

Từ phá thai có “khuyến mãi" đến chuyện bỏ con mới sinh... 2

Mok Kyong-wha chấp nhận bỏ người yêu để nuôi con trai, không chịu phá thai theo gợi ý của anh ta

Giáo sư luật Kim Sang-yong ở Đại học Chung-Ang nói: “Nếu các người mẹ đơn thân phải đăng ký việc con ra đời trên sổ gia đình của gia đình họ, thì sẽ phải có thêm các luật để bảo vệ thông tin này nếu những người mẹ ấy muốn”.

Mục sư Jeong nêu: “Vì luật này, đứa trẻ được bỏ trong “Hộp em bé” của nhà thờ chúng tôi mà không có giấy khai sinh thì không thể làm con nuôi. “Có sự khác biệt rõ ràng về số trẻ bị bỏ rơi từ tháng 8/2012, khi luật có hiệu lực. Trước khi sửa luật, nhà thờ chúng tôi mỗi tháng đón nhận khoảng 2 trẻ, nhưng từ khi có luật mới, chúng tôi đón nhận 16 trẻ mỗi tháng”.

Riêng trong tháng 7 qua, số trẻ bị bỏ rơi lên cao nhất (31 em) có nghĩa mỗi ngày có 1 đứa trẻ bị mẹ bỏ. Mục sư Lee bị chỉ trích là xúi giục người ta bỏ con khi lập “Hộp đựng em bé”, và ông cũng nhận được nhiều lời nhắn nên dẹp: “Đó là cái hộp cứu nhiều mạng sống lẽ ra phải chết. Họ hèn nhát phê phán một cách vô trách nhiệm, phớt lờ vấn đề khi có nhiều trẻ bị mẹ lặng lẽ bỏ rơi, nhưng khi việc ầm ĩ họ lại đổ thừa cho chiếc hộp vì sự thật quá khó chịu”.

Và bỏ con nuôi chết đói!

Đầu tháng 9, một bé gái chưa đầy 1 tuổi được tìm thấy chết đói trong một căn hộ ở tỉnh Gyeonggi, sau khi bị cha mẹ nuôi bỏ mặc suốt 2 tháng. Cảnh sát nêu cha nuôi tên họ Lee là một trung sĩ quân đội 24 tuổi lấy vợ Yang 32 tuổi năm 2011 mà không thể có con. Năm ngoái, họ tìm được lời rao trên một trang mạng internet của một bà mẹ đơn thân: “Cần tìm người sẵn sàng nuôi con tôi mà không hỏi câu nào”.

Hai bên gặp nhau và vợ chồng Lee sẽ nhận con của người mẹ làm con nuôi khi em chào đời. Vợ chồng Lee bày mưu Yang sẽ là người sinh con khi đăng ký phòng sinh tại một bệnh viện ở phía bắc Seoul. Đến tháng 9/2012, người phụ nữ có thai giả làm Yang đã sinh cô con gái và cô trao ngay cho vợ chồng Lee.

Không may là ngay sau đó, mối quan hệ hôn nhân của Lee-Yang đổ vỡ và Yang bỏ chồng cùng đứa trẻ ngày 5.7.2013. Hôm sau, Lee lên đường tham gia một cuộc huấn luyện tân binh, bỏ mặc cô con nuôi bé bỏng trong căn nhà trống. Hồi đầu tháng 9, anh ta trở về và tìm thấy xác đứa trẻ. Anh báo cảnh sát và họ kết luận em bé chết đói!

Đó là một dẫn chứng khác về một lỗ hổng trong Luật Con nuôi đặc biệt, vốn buộc người mẹ phải chờ ít nhất một tuần - sau khi đứa con chào đời - rồi mới được cho người khác nhận làm con nuôi. Đã xảy ra nhiều vụ nhận con nuôi lén lút qua mạng internet từ khi luật này được thông qua.

Một quan chức Bộ Y tế-an sinh xã hội Hàn nói nhằm ngăn chặn hoạt động này, bộ đã nhờ cảnh sát điều tra và cũng kiểm tra các trang web cẩn thận hơn. Luật nhằm bảo vệ mạng sống của em bé khỏi bị phá thai, với lý lẽ buộc người mẹ có thời gian xem xét hành động sẽ có thể giúp giảm chuyện cho con nuôi. Nhưng hóa ra nó chỉ làm tăng các vụ cho - nhận con nuôi phi pháp và ít tốn kém, khỏi phải làm giấy khai sinh và đăng ký vào sổ gia đình. Từ đó càng có thêm nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.

Rất dễ tìm thấy các lời rao “Tìm cha mẹ nuôi” hoặc “Hãy nhận con tôi” trên các diễn đàn internet như địa chỉ mà vợ chồng Lee-Yang đã truy cập vào. Một bà mẹ đơn thân đã kể thẳng: không thể có đủ tiền đóng viện phí hoặc không thể tự nuôi con. Một số người mẹ biết, nhưng một số người mẹ khác cũng không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật: nếu bị phát hiện, người dính líu con nuôi phi pháp có thể bị ngồi tù 3 năm và nộp phạt 20 triệu won (18.440 USD).

• Theo cảnh sát Hàn, năm 2012 có 139 ca trẻ mới sinh bị bỏ rơi trên toàn Hàn. Từ tháng 1 đến tháng 7-2013 đã có 152 ca.

• OECD cho biết khuynh hướng trẻ ngoài giá thú đang ngày càng tăng trên toàn thế giới, phản ánh những thay đổi về thái độ đối với 3 mảng hôn nhân, lập gia đình và làm cha-mẹ.

TheoDòng Đời


Bình luận