"Cuồng phong thịnh nộ" kẻ kế thừa "Năm đại họa 2012"

Khán giả sẽ mong chờ ở 'Cuồng phong thịnh nộ'- Into The Storm những màn cháy nổ, tàn phá khốc liệt cùng hàng loạt hiệu ứng kỹ xảo đỉnh cao.

Khán giả sẽ mong chờ ở 'Cuồng phong thịnh nộ'- Into The Storm những màn cháy nổ, tàn phá khốc liệt cùng hàng loạt hiệu ứng kỹ xảo đỉnh cao.
 
Phim lấy bối cảnh thị trấn giả tưởng Silverton, tọa lạc tại bang Oklahoma của Mỹ, chuẩn bị đón đầu đợt tấn công từ một cơn lốc xoáy chết người. Rất nhiều người đã bỏ đi để cứu mạng sống mình, nhưng một nhóm học sinh trung học lại liều mạng dấn thân sâu vào trong trung tâm cơn lốc nhằm thu thập những số liệu về sức tàn phá của cơn lốc.
 
Song song với nhóm học sinh còn có rất nhiều các nhân vật khác được liên kết lại với nhau như: một người cha tìm mọi cách để cứu được con trai mình, một cặp đôi trẻ đấu tranh dành lại sự sống trong tâm bão hay một nhà nghiên cứu lập dị muốn lưu lại tất cả hình ảnh về cơn bão… thâm chí hình ảnh trong tâm bão.
 
Cơn lốc CGI khốc liệt
 
 Kể từ bộ phim Twister (1996) của đạo diễn Jan de Bont cho tới nay, các bộ phim về thảm họa lốc xoáy vẫn chưa có điểm nhấn thật sự và khá nhàm chán. Nhưng với những bước đi tiên tiến trong kỹ xảo CGI, Into The Storm – Cuồng Phong Thịnh Nộ đã tái hiện lại hình ảnh những cột lốc xoáy chân thực và ấn tượng hơn bao giờ hết. Từ chi tiết nhỏ nhất như khói bụi và các mảnh vỡ, cho đến cảnh tất cả mọi thứ bị hút thẳng vào cơn lốc rực lửa đều rất tỉ mỉ chân thực đến mức không ai nghĩ đây chỉ là kỹ xảo điện ảnh...
 

Kỹ xảo CGI khiến cơn lốc và sự tàn phi của nó vô cùng chi tiết

 
Để có được những thước phim chi tiết như vậy, đoàn làm phim đã phải dựng một thị trấn Silverton thực ngoài đời với với các tòa nhà, đường phố tỷ lệ 1:1 như bất kì thị trấn phía Nam nào của Mỹ.

Hai chiếc quạt máy khổng lồ với tốc độ lần lượt 100 dặm/giờ và 80 dặm/ giờ cũng được đưa vào trường quay nhằm tạo cảm giác thật nhất cho các diễn viên. Và do bối cảnh phim diễn ra chỉ trong vòng nửa ngày nên đoàn phim phải sử dụng cả một tấm lụa đen thật lớn bao trùm cả phim trường nhằm che lại ánh sáng mặt trời.

Ngôi vương mới cho thể loại phim thảm họa

Những bộ phim thảm họa đình đám trước như 2012 hay The Day After Tomorrow vẫn còn chưa nhận được sự đánh giá cao do quá lạm dụng kỹ xảo CGI. Như trong 2012, mặc dù phim có ý tưởng hay, nhưng đôi lúc người ta cứ tưởng đang xem một bộ phim hành động kể về quá trình chạy thoát của gia đình Curtis, cộng thêm một chút hài hước và nhồi vào đó một loạt kỹ xảo phô trương của mình.

Hay như trong The Day After Tomorrow, một hành trình cảm động của người cha giải cứu con, nhưng sau đó lại là một mô-típ phim tình cảm tuổi teen không cần thiết, thêm vào đó là sự lý giải về hậu quả con người gánh phải một cách hời hợt cũng như sự tan biến đơn giản của cơn bão.
 

Phong cách Found Footage đã lu mờ CGI đại trà đưa Into The Storm trở thành tân vương của dòng phim thảm họa tự nhiên

 
Còn với Into the Storm, khán giả không chỉ thấy cơn lốc khổng lồ gây ra bao nhiêu tàn phá, mà còn thấy được từng bước chân, nỗi sợ hãi của họ như thế nào trước cảnh những người thân, người bạn của mình bị cuốn vào bão tố. Bộ phim vốn dĩ là một câu chuyện về nhân sinh lồng trong bối cảnh thiên nhiên, hơn là một bộ phim về thảm họa với con người chỉ mang vai trò phụ họa.

Phong cách found footage sẽ nắm vai trò lớn trong sự thành công của phim. Phong cách quay này sẽ khiến khán giả như tự mình bước vào cơn lốc đúng nghĩa, còn kỹ xảo CGI tân tiến sẽ khiến người xem như đang ở trong một chương trình thực tế thực sự sống động đến từng chi tiết, chứ không còn là một bộ phim đơn thuần nữa.

Ngoài ra Into the Storm còn sỡ hữu một dàn diễn viên ấn tượng bao gồm:Sarah Wayne Callies (The Walking Dead), Richard Armitage (The Hobbit), Matt Walsh (The Hangover), Arlen Escarrpeta (Final Destination 5), Jeremy Sumpter (Friday Night Lights)…

Found Footage làm cơn lốc tàn phá mọi thứ càng thêm dữ dội

Điểm nhấn khác biệt nhất của Into The Storm – Cuồng Phong Thịnh Nộ chính là phong cách phim giả tài liệu – found footage. Với phong cách này, camera sẽ thay thế cho một nhân vật chính của phim, tất cả những gì quay được trên camera cũng là những gì khán giả sẽ thấy và do đó tính “người” trong phim sẽ được thể hiện rất rõ nét như: sự sợ hãi và hoảng loạn. Sinh mệnh con người lần này có thể bị đe doạ bất kì lúc nào và cá tính nhân vật cũng được thể hiện thông qua các góc quay mà camera hướng đến.
 

Phong cách found footage giúp cảnh tòa nhà bị phá hủy được thể hiện chân thật nhất

 
Found footage đã xuất hiện từ những năm 80 nhưng mãi tới ấn phẩm kinh dị The Blair Witch Project (1999) thì thể loại này sau đó mới được phát triển mạnh mẽ đặc biệt trong thể loại kinh dị như: REC, Paranormal Activity, The Last Exorcism hay khoa học viễn tưởng như Cloverfield. Điểm hay nhất của thể loại này nằm ở việc khán giả có thể nhập tâm vào nhân vật, cùng nhân vật trải qua xuyên suốt các sự kiện của phim như chính bản thân đang chứng kiến.

Cái khó của found footage chính là ở việc cân bằng giữa những thước phim tài liệu giả thực với lại mạch truyện chính của phim, việc này đòi hỏi tay nghề rất cao của người đạo diễn. Như trong Chronicle, đạo diễn John Trank đã rất khôn khéo khi tận dụng tất cả các thiết bị ghi hình từ điện thoại di động, máy quay phim của người đi đường, cho đến camera giao thông để có thể chuyển đổi giữa cả góc nhìn thứ nhất và góc nhìn thứ ba. Điều này vừa thể hiện nội tâm nhân vật, vừa giúp người xem nắm bắt mạch truyện rõ ràng hơn.

Điểm mạnh nữa của thể loại này chính là ở kinh phí làm phim sẽ rất tiết kiệm và hiệu quả. Đơn cử như bộ phim Cloverfield có số vốn bỏ ra chỉ 30 triệu USD nhưng sau 2 tuần công chiếu đã thu về được gần 84 triệu USD, hai con số đối lập khủng khiếp.

Into The Storm – Cuồng Phong Thịnh Nộ do Galaxy Distribution phát hành tại Việt Nam và dự kiến khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 08.08.2014

Theo Đất Việt




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.