Điểm mặt 5 phim có kinh phí đầu tư lớn nhất châu Á

"Snowpiercer – Chuyến tàu băng giá", tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc có ngân sách cao nhất mọi thời đại (kinh phí đầu tư gần 40 triệu USD) vừa ra rạp ở Việt Nam đang gây nên nhiều tò mò.

"Snowpiercer – Chuyến tàu băng giá", tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc có ngân sách cao nhất mọi thời đại (kinh phí đầu tư gần 40 triệu USD) vừa ra rạp ở Việt Nam đang gây nên nhiều tò mò.

"The Flowers Of War" ("Kim lăng thập tam thoa" - phim Trung Quốc, năm 2011, kinh phí 94 triệu USD)

Phim được dựng dựa trên sự kiện Cuộc thảm sát ở Nam Kinh vào năm 1937, khi quân Nhật đang chiếm đóng Trung Quốc. Ngoài chuyện có kinh phí đầu tư lớn nhất trong lịch sử điện ảnh châu Á, phim còn có quá trình chuẩn bị rất công phu lên tới 4 năm.

Kim lăng thập tam hoa là câu chuyện về 13 cô kỹ nữ ở bên sông Tần Hoài, 6 chàng binh sỹ thoát ra khỏi đống tử thi, những khuê nữ con nhà quyền quý, những cô kỹ nữ và một vài vị linh mục, những người còn sót lại sau cuộc chiến thảm khốc, cùng trú ngụ trong một giáo đường, và họ phải đối mặt với cuộc đại thảm sát lịch sử.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã rất tài tình khi xây dựng kịch bản đánh vào tâm lý người xem một cách trực tiếp, lấy chất liệu từ chính sự tàn khốc, đau lòng của chiến tranh để lên án những cuộc chiến và đưa ra thông điệp về tinh thần nhân đạo cao cả.

"Red Cliff" ("Đại chiến xích bích" - phim Trung Quốc, năm 2008 - kinh phí 80 triệu USD)

Những trận đánh lớn đẫm máu của thời kỳ đầu Tam Quốc Chí giữa quân của Tào Tháo với liên quân của Lưu Bị - Tôn Quyền đã được dựng lại hết sức hùng tráng trong Đại chiến xích bích. Uy vũ của Quan Công, Trương Phi, gian hùng của Tào Tháo, thao lược của Khổng Minh, và đặc biệt tài đức của Chu Du (hình tượng của nhân vật này theo chính sử chứ không như sách của La Quán Trung)... đều được thể hiện chính xác, như ý.

Tuy nhiên, một số tờ báo ở Trung Quốc lên tiếng chê bai chuyện "tầm thường hóa" Xích bích, phim không có "bản sắc riêng", thế nhưng dân chúng vẫn ùn ùn đổ xô nhau tới rạp. Kết quả là phim thu được 180 triệu NDT sau 4 ngày công chiếu, phá kỷ lục doanh thu ở Trung Quốc. Công thức Hollywood và tâm huyết ấp ủ làm bộ phim này trong suốt 20 năm của đạo diễn Ngô Vũ Sâm đã thực sự tạo ra một tác phẩm để đời.

"The Monkey King" ("Đại náo thiên cung" - phim Hong Kong- Trung Quốc, năm 2012, kinh phí 60 triệu USD)

Ý tưởng thực hiện Đại náo thiên cung đã được đạo diễn Trịnh Bảo Thụy ấp ủ từ trước lúc phim bấm máy tới 30 năm, khi ông lần đầu xem một phiên bản phim đen trắng Tây du ký của Đài Loan thực hiện.

Được trích đoạn từ truyện Tây du ký 2013 và có hư cấu thêm, Đại náo thiên cung được đầu tư tới gần 60 triệu USD và có đến hơn 2.600 cảnh kỹ xảo thực hiện hậu kỳ tại Mỹ.

Vai Tôn Ngộ Không lúc đầu dự định mời Lý Liên Kiệt vì từng thể hiện khá thành công nhân vật nổi tiếng này trong phim Vua kungfu nhưng do anh không thật sự tâm đắc nên cuối cùng đạo diễn Hong Kong Trịnh Bảo Thụy tìm đến Chung Tử Đơn.

Phim quay với định dạng 3D-IMAX, ngoài Chung Tử Đơn, Đại náo thiên cung còn có sự góp mặt của mỹ nhân Trương Tử Lâm. Đây là lần đầu tiên Hoa hậu Thế giới 2007 chạm ngỏ điện ảnh, đảm nhận vai Nữ Oa, xuất hiện bên cạnh Châu Nhuận Phát vai Ngọc Hoàng đại đế, Quách Phú Thành vai Ngưu Ma Vương…

"Enthiran" ("Robot hủy diệt" - phim Ấn Độ, năm 2010, kinh phí 54,2 triệu USD)

Robot hủy diệt có vốn đầu tư lên đến 54,2 triệu USD. Bộ phim có chất lượng kỹ xảo không thua kém bất cứ phim viễn tưởng nào của Hollywood có cùng đề tài về người máy. Chuyện phim nói về nhà khoa học Vassegaran, người chuyên nghiên cứu về người máy đã phát minh ra những chú robot thông minh nhưng lại không kiểm soát được chúng. Do đó, cuối cùng ông phải tự tay phá hủy những con Robot này để bảo vệ sự an toàn cho người dân.

Robot hủy diệt được công chiếu tại 300 rạp phim trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Bắc Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản và đạt mức doanh thu toàn cầu lên đến gần 70 triệu USD.

"Curse Of The Golden Flower" ("Hoàng kim giáp" - phim Trung Quốc, năm 2006, kinh phí 45 triệu USD)

Bộ phim nói về giai đoạn Ngũ Đại Thập Quốc, Trung Hoa rối ren loạn lạc với 5 triều đại kế tiếp nhau ra đời và diệt vong, cùng 10 tiểu quốc hoành hành cát cứ, vua chúa xung đột triền miên, thiên hạ lầm than thống khổ. Các xung đột, mẫu thuẫn trong Hoàng kim giáp được xây dựng chất chồng. Từ con phản cha, chồng bức vợ, em giết anh, loạn luân và tráo trở, kế độc và mưu hèn, phu thê tuyệt nghĩa, tới huynh đệ tương tàn, quân bất quân, phụ tử bất phụ tử... tất cả phản ánh một trong những thời kỳ tồi tệ nhất của lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Hoàng kim giáp đã thắng lớn cả về mặt nghệ thuật và doanh thu khi giành tới 4 danh hiệu tại lễ trao giải thưởng điện ảnh Hong Kong lần thứ 26 (năm 2007) dành cho Nữ diễn viên chính (Củng Lợi), Ca khúc (do Châu Kiệt Luân thể hiện), Phục trang và Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất.

Chỉ tính riêng ở Trung Quốc, bộ phim đã vượt qua các kỷ lục doanh thu của hai bộ phim trước đó, cũng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu là Anh hùng và Thập diện mai phục với trên 300 triệu nhân dân tệ.

Theo Màn ảnh sân khấu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.