Hoạt hình Việt ‘áo giấy đi đêm’

Những bộ phim hoạt hình như Dưới bóng cây, Cô bé bán diêm, Đại chiến Bạch Đằng gây chú ý trong thời gian gần đây chỉ giống như đá ném ao bèo, không đủ để vực dậy cả một nền sản xuất phim hoạt hình Việt Nam vốn đã trì trệ từ lâu.

Những bộ phim hoạt hình như Dưới bóng cây, Cô bé bán diêm, Đại chiến Bạch Đằng gây chú ý trong thời gian gần đây chỉ giống như đá ném ao bèo, không đủ để vực dậy cả một nền sản xuất phim hoạt hình Việt Nam vốn đã trì trệ từ lâu.

Những làn sóng ngầm

Đại chiến Bạch Đằng không phải là 1 bộ phim quá xuất sắc nhưng tác giả là một nhóm sinh viên, chưa phải những nghệ sĩ thực sự. Đáng kể hơn khi Đại chiến Bạch Đằng chỉ là một phim tốt nghiệp và dù còn hạn chế như chính nhóm tác giả của nó đã thừa nhận nhưng bộ phim cũng đủ để những người quan tâm đến phim hoạt hình Việt Nam chú ý. Thêm nữa, bộ phim lại chọn đề tài lịch sử, với chiến thắng vang dội của trận Bạch Đằng năm 938 lừng lẫy trong lịch sử.

Cảnh trong phim "Đại chiến Bạch Đằng"

Cũng giống như Đại chiến Bạch Đằng, cuối năm 2011, bộ phim hoạt hình 3D Cô bé bán diêm của True-D Animation cũng đã gây xôn xao trong cộng đồng mạng. Thậm chí nhiều người cho rằng bộ phim này không thua kém gì các bộ phim sản xuất tại Mỹ. Trước đó, Dưới bóng cây của một nhóm bạn trẻ yêu phim hoạt hình khi được tung lên mạng xã hội Youtube cũng đã thu hút được nhiều người xem với các phản hồi tích cực. Điều đáng chú ý là tất cả các bộ phim này đều chọn các mạng xã hội để phát hành các tác phẩm của mình. Và đây dường như là kênh duy nhất để các bộ phim hoạt hình tiếp cận với khán giả.

Trong khi đó, khán giả Việt Nam, đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi gần như không biết đến phim hoạt hình VN, vốn chỉ xuất hiện thưa thớt trên các kênh truyền hình dành cho trẻ em, như Disney, Bibi hoặc VTV2. Khái niệm phim hoạt hình vốn chỉ quen thuộc qua các bộ phim của nước ngoài, chủ yếu là Mỹ. Hàng năm, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam được rót kinh phí chừng chục tỉ đồng để sản xuất khoảng 10-12 bộ phim hoạt hình ngắn. Tuy nhiên, đa số những bộ phim này lại không tìm được đầu ra, không đến được với khán giả, đặc biệt là các bạn nhỏ.

Phim hoạt hình 3D "Cô bé bán diêm" được đánh giá khá cao khi ra mắt.

Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia Hà Nội cho biết có lẽ do Hãng phim hoạt hình VN đã có phòng chiếu nên gần đây ông không thấy Hãng đề nghị TT phát hành nữa. Trước đó TT chọn vài phim có dung lượng chừng 10-15 phút để chiếu trong tháng phim dành cho thiếu nhi nhưng hiệu quả cũng không tốt. Hiện các bộ phim hoạt hình ra rạp đều là phim Mỹ và có lượng khán giả rất tốt. Trong chương trình phim hè năm nay của TTCPQG có tới 8 phim hoạt hình của nước ngoài.

Không tìm được đầu ra là các rạp chiếu phim hay các kênh truyền hình, cũng không phát hành DVD và đưa lên các kênh khác như mạng internet giống các bạn trẻ gần đây làm, đa số các bộ phim hoạt hình được Nhà nước đầu tư làm ra mất nhiều tháng trời, được các nghệ sĩ dày công thực hiện lại rơi vào tình trạng xếp xó, khán giả không hề biết tới, giống hệt tình trạng "đi đêm" nhưng không được mặc "áo gấm" mà chỉ là "áo giấy" vì chất lượng èo uột. Trong lúc đó, 1 làn sóng ngầm những bạn sinh viên, những họa sĩ không chuyên về phim hoạt hình lại cho ra những bộ phim hoạt hình ngắn đáng chú ý, thậm chí có chất lượng còn tốt hơn những phim hoạt hình đang chiếu nhan nhản trên kênh truyền hình nước ngoài do các nước châu Á khác làm.

Nhiều phim hoạt hình VN có chất lượng tốt nhưng không đến được với khán giả.

Loay hoay tìm đầu ra

NBK Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên Giám đốc Hoda Film, hãng sản xuất "Người con của rồng" cho hay khi bộ phim hoàn thành năm 2010 bà đã phải xin công văn của Ủy ban Thành phố Hà Nội gửi cho VTV, HTV để xếp lịch phát sóng cho bộ phim đúng dịp kỷ niệm 1000 năm. Tuy nhiên do Hãng chỉ có chức năng sản xuất nên phim hoàn thành đã được chuyển lại cho đơn vị đặt hàng là Ủy ban quốc gia 1000 năm của Hà Nội vì chỉ có đơn vị này mới có quyền phát hành bộ phim ra rạp. Cho đến nay, sau 2 năm phim vẫn chưa được ra rạp mà chỉ xuất hiện trên sóng truyền hình vài lần.

Trong khi phim hoạt hình Việt Nam còn loay hoay tìm chỗ đứng, bế tắc trong việc tìm đầu ra thì ngoài rạp chiếu gần như chỉ có chỗ cho phim Mỹ, những bộ phim hoạt hình xếp vào hàng bom tấn được đầu tư lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD của các hãng phim hoạt hình hàng đầu thế giới như Pixar, DreamWorks Animation, Disney.

Vậy mà chỉ mới cách đây 4 năm, khi bộ phim Kungfu Panda ra rạp, chính nhà phát hành Megastar cũng đã nhận được những cái lắc đầu thẳng thừng của nhiều rạp chiếu ở Hà Nội với quan niệm phim hoạt hình chỉ dành cho trẻ con. Ngay cả phim hoạt hình bom tấn của Hollywood cũng từng bị ghẻ lạnh như vậy và cần cả một thời gian dài để khẳng định chỗ đứng, tạo thói quen đến rạp cho khán giả như vậy chứ chưa nói gì đến phim hoạt hình nội địa.

Ngày càng nhiều các dự án phim hoạt hình lớn của Hollywood ra mắt phiên bản tiếng Việt khiến cho phim hoạt hình VN càng gặp khó.

Phim hoạt hình nội bị át vía trên sân nhà

Tình thế ngày càng khó khăn hơn với phim Việt Nam với sự xuất hiện liên tục của các bộ phim hoạt hình lớn của Mỹ được tiến hành lồng tiếng Việt. Tính từ tháng 3/2011 đến nay, chỉ trong vòng chưa đầy 1,5 năm, đã có tới 8 dự án phim hoạt hình của Hollywood có phiên bản Việt hóa. Các nghệ sĩ Việt tham gia lồng tiếng cho phim được chính đạo diễn và xưởng phim bên Mỹ giám sát chặt chẽ. Các phiên bản phim hoạt hình nước ngoài như Rio, Madagascar, Brave, Ice Age 4....  giữ nguyên hình ảnh, tiếng động của bản gốc, chỉ thay giọng lồng tiếng của các nghệ sĩ quốc tế bằng giọng của các nghệ sĩ VN. Những tác phẩm này chẳng khác gì những bộ phim hoạt hình được Hollywood làm riêng cho khán giả VN.

Khán giả VN chắc chắn thích xem phim hoạt hình VN vì nhân vật, vì bối cảnh, vì lời thoại, vì chất văn hóa Việt. Tuy nhiên, trong khi chưa biết tiếp cận với phim hoạt hình VN ở đâu, họ đành phải xem phim hoạt hình nước ngoài và rồi chỉ biết đến phim hoạt hình nước ngoài, coi đó là những thứ tiêu chuẩn. Do vậy việc so sánh, thậm chí chê bai phim hoạt hình VN mà không cần biết chi phí sản xuất 1 bộ phim hoạt hình VN chỉ vài trăm triệu đồng, cùng lắm cũng chỉ được đầu tư đến 7 tỉ đồng như "Người con của rồng" với một nền tảng kỹ thuật và công nghệ bình thường, trong khi một bộ phim hoạt hình của Mỹ được đầu tư lên đến cả chục triệu, thậm chí là tới gần 200 triệu USD như bộ phim "Công chúa tóc xù" (Brave) vừa qua.

Thị trường phim chiếu rạp dường như là lãnh địa riêng của phim hoạt hình Mỹ.

Việc "đấu" tay bo với các bộ phim hoạt hình của nước ngoài dường như là nhiệm vụ bất khả thi với các bộ phim hoạt hình VN vốn chỉ được đầu tư với kinh phí thấp. Do vậy, thi thoảng mới rộ lên một bộ phim gây chú ý. Đây chủ yếu là các phim đến từ những công ty đồ họa tư nhân chuyên làm đồ họa 3D cho phim quảng cáo, gia công vài công đoạn cho phim hoạt hình nước ngoài, được tung lên mạng chủ yếu để giới thiệu tên tuổi. Các bộ phim hoạt hình ngắn này cũng đến từ những nhóm sinh viên, các bạn trẻ thích phim hoạt hình, làm phim vì đam mê hoặc chỉ đơn giản là một bài tập tốt nghiệp.

Theo VietNamNet

 



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.