Tôi yêu Hoài Linh nhưng thật sự đã thất vọng vì...

Khán giả muốn thấy Hoài Linh trong những vở kịch rất đời, rất chân chất cùng những tiếng cười sảng khoái, chứ không cần quá “lên gân” với điện ảnh.

Khán giả muốn thấy Hoài Linh trong những vở kịch rất đời, rất chân chất cùng những tiếng cười sảng khoái, chứ không cần quá “lên gân” với điện ảnh.

Bao giờ cũng vậy, những ký ức xa xưa luôn là những thứ đẹp đẽ nhất, như những người tóc muối tiêu ngồi nhớ về mối tình đầu tha thiết.

Những ai từng xem Hoài Linh diễn kịch những ngày đầu chắc chắn không thể không ấn tượng và yêu mến dạt dào.


Hoài Linh được yêu mến bởi những vai diễn giả gái.

Hoài Linh được yêu mến bởi những vai diễn giả gái.

Nhưng có một sự thật rằng, các bộ phim Hoài Linh đóng chưa bao giờ là phim hay dù đạt doanh thu rất cao. Tôi vẫn yêu mến anh nhưng thôi xin anh, đừng đóng phim như vậy nữa. Hoài Linh thành danh ở hải ngoại với những vở kịch đầy sáng tạo và phóng khoáng.

Ai xem những vở kịch ban đầu anh đóng cũng thấy vui, cũng muốn cười bởi cái duyên không lẫn vào đâu được, bởi cái sự biến hóa qua từng vai diễn: trẻ anh đóng được, già diễn giỏi, trai gái bi lụy đều tuyệt.

Khó kiếm ra được một tài năng kịch nghệ đương thời nào so sánh được với Hoài Linh.

Những ngày đầu xem anh diễn những vở như “Hoa hậu ba miền” hay vở “Con sáo sang sông”, tôi luôn cảm nhận được cái nhiệt tình, hết mình và nét duyên dáng trên sân khấu của anh.

Nó khiến cho người ta cười nhưng vẫn nghẹn ngào xúc động với câu chuyện, với thông điệp ý nghĩa đằng sau.

Rồi anh về nước, diễn vẫn hay, vẫn vui nhưng lại xuất hiện quá nhiều nên có khi cũng phai nhạt bớt, cũng ít toàn tâm toàn ý cho từng vai được.

Người ta yêu mến Hoài Linh không phải chỉ là bởi những vai diễn xuất thần trong sân khấu, khán giả còn yêu mến anh bởi cái chân chất nhà quê bao năm qua vẫn vậy.

Diễn xuất không cần quá nhiều kỹ thuật, mọi thứ đơn giản, nhẹ nhàng, giản dị nhưng lại thấm vào lòng số đông bà con miền quê. Tôi cũng như mọi người, rất yêu mến các vở kịch của anh, nhưng tôi lại không thể thích nổi những bộ phim anh đóng.

Cứ đến hẹn lại lên, năm hết tết đến là lại thấy Hoài Linh xuất hiện trong một bộ phim hài nào đó và khán giả lại kéo nhau ra rạp để xem.

Phim nào cũng hướng tới việc lấy những nụ cười, dù sao thì phim hài ở Việt Nam vẫn là một giải pháp an toàn, cho cả sản xuất và nhà đầu tư, kỷ lục doanh thu phòng vé hiện tại vẫn thuộc về phim hài.

Thực tế, chưa có phim nào Hoài Linh tham gia mà không thắng lớn.

Nhưng thời gian gần đây, mỗi lần nhắc đến chuyện ra rạp xem phim Hoài Linh đóng thì người ta lại nghĩ ngay đến “dòng phim Hoài Linh”, tức là những phim mang phong cách Hoài Linh.

Cũng một công thức nhàm chán, một câu chuyện tầm tầm không có gì đặc sắc, rất nhiều nghệ sỹ hài khác cùng tham gia, những mảng miếng hài quen thuộc, nhiều phân đoạn kịch hài ghép lại thành cả phim.

Như Hello cô Ba, Nhà có năm nàng tiên, Năm sau con lại về, Quý tử bất đắc dĩ... thiếu hẳn cái chất điện ảnh mà lại thiên về kịch hài.

Từ đó tổng hòa thành cái gọi là “phim Hoài Linh” như một thương hiệu để hút khán giả bình dân, chẳng biết nên buồn hay vui.

Năm nay, Hoài Linh lại xuất hiện trong một bộ phim hài nữa, Già gân Mỹ nhân và Găng tơ. Hẳn nhiên, ai chưa xem cũng có thể đoán được phim như thế nào, mang lại điều gì.

Hoài Linh trong phim này sắm một vai mới, một ông già gân, lại thêm một hình tượng nữa để anh thử sức, biến hóa vào nhân vật.


Tạo hình của Hoài Linh trong phim Già gân, mỹ nhân và găng tơ.

Tạo hình của Hoài Linh trong phim Già gân, mỹ nhân và găng tơ.

Tuy nhiên, thực tế trong phim lại cho thấy một Hoài Linh rất nhạt nhòa dù đóng chính, một Hoài Linh rất quen thuộc mà không có sự mới mẻ nào cả. Đóng già gân thuộc loại giang hồ hổ báo, mà anh thật sự, chẳng "gân" chút nào!

Hoài Linh có phong cách bình dị, những mảng miếng, nhấn nhá, xử lý tình huống dường rất riêng và... rất dễ nhận ra. Muốn khác đi cũng khó, muốn thay đổi cũng không dễ.

Với vai diễn Già gân lần này, anh làm vẫn ổn, nhưng chỉ ổn với phong cách của anh, nhưng chưa đạt được kỳ vọng với người yêu anh - như tôi chẳng hạn.

Thêm một bộ phim không làm danh tiếng anh cao hơn, bớt một phim cũng không làm khán giả ít yêu mến anh hơn.

Và việc tham gia những bộ phim kiểu như Già gân Mỹ nhân và Găng Tơ, việc tạo ra một dòng phim thị trường đậm tính thương mại như vậy đôi lúc khiến chúng ta phải chạnh lòng bởi tình yêu đã đặt vào Hoài Linh quá lớn.

Tôi vẫn yêu và luôn yêu Hoài Linh và tôi trông chờ anh xuất hiện trong một bộ phim chỉn chu, đàng hoàng, hay, ý nghĩa chứ không phải phim hài như bây giờ.

Tuy nhiên, với những người thường xuyên dõi theo Hoài Linh, chắc không lạ khi từng nghe anh tâm sự “Tôi cần tiền”.

Anh cần tiền để xây điện thờ Tổ nghiệp sân khấu, đó âu cũng là cái tâm, cái tình, cái nghĩa của Hoài Linh.

Mục đích, ý nghĩa là của riêng anh nhưng có khi bất chấp tất cả để kiếm tiền cũng không phải là điều hay. Hy vọng xây xong điện thờ anh sẽ trở lại là chính mình, trở về đúng nơi anh được thương yêu.

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.