Bầu Đức kinh doanh gì lãi nhất?

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) khá ấn tượng song thực tế không phải là yếu tố đem tiền về cho bầu Đức trong 9 tháng đầu năm.

Doanh thu bán bò tính đến hết tháng 9 của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) khá ấn tượng song thực tế không phải là yếu tố đem tiền về cho bầu Đức trong 9 tháng đầu năm.

Kết quả kinh doanh của HAGL cho biết, doanh thu đạt 2.168 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với quý III/2014. Trong đó doanh thu tăng chủ yếu từ việc bán bò, chiếm 63% tổng doanh thu. Dù mới bắt đầu đóng góp doanh thu từ quý III/2015, song nhờ bò, lũy kế 9 tháng, đơn vị này đã thu về 2.145 tỷ đồng. Phần này chiếm 41,2% tổng doanh thu của HAGL.

Lợi nhuận sau thuế của công ty ông Đoàn Nguyên Đức đạt 429 tỷ đồng, tính đến hết quý III. Mức này thực tế giảm 56% so với cùng kỳ (quý III/2014, lợi nhuận sau thuế đạt 835 tỷ đồng nhờ thanh lý các khoản đầu tư ở công ty con). 9 tháng đầu năm, lãi sau thuế của HAGL cũng giảm 19%, đạt 1.342 tỷ đồng.

Với doanh thu "khủng" từ bò, nhiều người cho rằng mảng kinh doanh mới này là "con gà đẻ trứng vàng" cho công ty bầu Đức, tính đến quý III. Song thực tế, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng trong báo cáo phân tích về HAGL, các sản phẩm ngành đường mới đem lại biên lợi nhuận cao nhất với tỷ lệ 44,7%. Trong khi đó, ở mảng bất động sản, biên lợi nhuận gộp từ hợp đồng xây dựng là 43,7% và ở mảng chăn nuôi bò chỉ đạt 31,8% (hệ số biên lợi nhuận gộp là chỉ số phản ánh mỗi đồng doanh thu về tạo ra bao nhiêu đồng thu nhập, càng cao chứng tỏ doanh nghiệp càng lãi).

Bầu Đức kinh doanh gì lãi nhất?
Chăn nuôi có thể sẽ là mảng kinh doanh đem lại triển vọng tích cực trong dài hạn cho HAGL, còn thực tế, sau 9 tháng đầu năm 2015, mía đường vẫn là "gà đẻ trứng vàng" cho bầu Đức. Ảnh minh họa: NCĐT.

Tuy nhiên, về lâu về dài, mảng kinh doanh mới của HAGL là bò vẫn sẽ có tiềm năng và đem lại triển vọng tích cực trong dài hạn. Dù thế, Maybank Kim Eng cho rằng doanh nghiệp cần lưu ý thêm về ảnh hưởng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với thuế nhập khẩu của sản phẩm thịt bò khi nhập vào Việt Nam. Hiện tại, mức thuế này là 34% nhưng sẽ được loại bỏ trong vòng 3-8 năm. Khi đó, sản phẩm trong nước sẽ chịu sự cạnh tranh rất lớn.

Báo cáo cũng đưa ra những nhận định về việc ngành chăn nuôi sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt hơn của hàng ngoại khi Việt Nam hội nhập sâu hơn kinh tế thế giới và đặc biệt là khi TPP có hiệu lực.

Trong năm 2014, tổng giá trị Mỹ xuất thịt bò và các sản phẩm từ thịt bò vào thị trường Việt Nam đạt 22 triệu USD, dù thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng này từ Mỹ đang ở mức cao 34%. Thịt bò Úc nhập khẩu vào Việt Nam ước đạt 200 triệu USD trong năm 2014.

Trong khi đó nhập khẩu từ Canada ước khoảng 25 triệu USD và quốc gia này đang mong muốn thúc đẩy hơn nữa việc tiêu thụ thịt bò Canada tại Việt Nam. Như vậy mảng chăn nuôi bò của HAGL sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về giá cũng như chất lượng của sản phẩm nhập khẩu. Tổng giá trị doanh thu bán bò của HAGL trong 9 tháng năm 2015 đạt khoảng 95 triệu USD.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.