Buôn vàng mã, bán dây thừng... lãi vàng ròng

Xuất khẩu vàng mã, bán dây thừng hay các doanh nghiệp (DN) kinh doanh những ngành nghề lạ lùng, chuyên biệt ít người để ý

Xuất khẩu vàng mã, bán dây thừng hay các doanh nghiệp (DN) kinh doanh những ngành nghề lạ lùng, chuyên biệt ít người để ý, nhưng lại thu về lợi nhuận rất lớn, cao hơn cả mong đợi của cổ đông.

Nghề độc, lợi nhuận "khủng"

Công ty Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (CAP) có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 đạt doanh thu hơn 160 tỷ và lợi nhuận hơn 7 tỷ. Với đặc điểm lợi nhuận rơi chủ yếu vào quý 3 và quý 4, nhiều khả năng CAP lại thu về khoảng 32 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế như năm trước đó. Còn nếu tăng trưởng với mức 85% như trong năm 2015 thì lợi nhuận của CAP năm nay còn lớn hơn rất nhiều.

Với quy mô vốn điều lệ khoảng 35 tỷ đồng (vừa tăng lên gần 48 tỷ đồng), tỷ lệ sinh lời của CAP thuộc tốp đầu trên TTCK Việt Nam.

Đấng nói, một phần lớn doanh thu của DN đến từ sản xuất kinh doanh vàng mã, giấy đế cung cấp trong nước và xuất khẩu sang Đài Loan - thị trường tiêu thụ giấy vàng mã lớn nhất thế giới. CAP là DN niêm yết duy nhất kinh doanh loại sản phẩm khá đặc thù này.

nghề lạ, xuất khẩu vàng mã, bán dây thừng, làm cáp treo, thị trường ngách, lợi nhuận cao, cổ phiếu tốt, Tàu cao tốc Superdong
Xuất khẩu vàng mã sang Đài Loan kiếm bội tiền.

Trong khoảng 1 năm qua, cổ phiếu CAP tăng giá rất mạnh, từ mức 20.000 đồng có lúc lên tới 60.000 đồng/cp. DN này trả cổ tức khá đều đặn ở mức cao. Đầu tháng 7 vừa qua, CAP trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 45% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100:40.

Trên TTCK, giới đầu tư cũng đang chú ý tới một cổ phiếu mới, khá đặc biệt. Siam Brothers Việt Nam (SBVN) là một DN bán dây thừng đánh bắt thủy sản nhưng có lợi nhuận/cổ phiếu (EPS) cao hơn cả siêu cổ phiếu GAS của TCT Khí Việt Nam - CTCP (GAS). SBVN cũng trả cổ tức đều đặn ở mức trên 25%/năm. Trên TTCK, SBVN là doanh nghiệp “một mình một chợ” trong mảng hoạt động của mình.

Mỗi năm, công ty sản xuất khoảng 6.500-8.000 tấn các loại sản phẩm như dây thừng, chỉ cào PE, lưới PP, sợi đơn PE, lưới giữ cá. Hơn 90% doanh thu của công ty đến từ mảng sản xuất phân phối dây thừng.

CTCP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (SKG) cũng là DN duy trì phong độ cao trong việc mang lợi nhuận về cho các cổ đông. Đơn vị chuyên vận hàng các tuyến tàu biển cao tốc xung quanh các đảo ở Kiên Giang này báo lãi 120 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay (so với vốn 340 tỷ đồng), tăng 33% so với cùng kỳ. Trong năm 2015, SKG cũng chứng kiến lợi nhuận tăng vọt 70% với biên lãi ròng đáng mơ ước: gần 60%.

Công viên nước Đầm Sen (DSN) cũng là một trường hợp ăn nên làm ra hiếm có trên TTCK. Trong 6 tháng 2016, Đầm Sen lãi ròng 52 tỷ đồng (so với vốn 120 tỷ), tăng 14% so với cùng kỳ. DN tăng trưởng liên tục và ổn định, với lượng khách ngày một đông.

Làm "vua" thị trường ngách

CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT) cũng là một trong số các DN có lợi nhuận rất cao và ổn định trong nhiều năm. Tiền thân của TCT là bộ phận Cáp treo trực thuộc Công ty Du lịch Tây Ninh, khai trương đầu năm 1998 với hoạt động chính là vận chuyển du khách, hàng hóa từ chân núi lên Chùa Bà bằng cáp treo và ngược lại.

Hiện nay, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của TCT tăng 17% lên hơn 63 tỷ đồng (so với vốn chưa tới 130 tỷ đồng) do khách sử dụng dịch vụ cáp treo - máng trượt gia tăng.

Có thể thấy, các DN có lợi nhuận cao nói trên đều kinh doanh trong một lĩnh vực rất nhỏ, một thị trường ngách (niche market) với phân đoạn nhỏ mà mục tiêu nhắm vào một nhóm khách hàng chuyên biệt.

nghề lạ, xuất khẩu vàng mã, bán dây thừng, làm cáp treo, thị trường ngách, lợi nhuận cao, cổ phiếu tốt, Tàu cao tốc Superdong
Thị trường ngách là một lựa chọn của nhiều start-up.

Cái lợi khi tham gia vào thị trường nhỏ hẹp là doanh nghiệp xác định thị trường mục tiêu rõ ràng, đối tượng khách hàng rõ ràng và thường là người đi đầu nên lợi nhuận thu về khá cao. Đây là yếu tố mang đến sự thành công cho DN.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trừ những trường hợp có lợi thế đặc biệt về dịch vụ dạng độc quyền như trường hợp Công viên nước Đầm Sen và Cáp treo Núi Bà, nhiều công ty khác lại gặp rủi ro về chính sách, rủi ro về khách hàng.

Thị trường ngách thường có lượng khách hàng khá ít nên triển vọng về dài hạn của nhiều DN đi theo hướng này không được đánh giá cao. Hơn nữa, sự cạnh tranh cũng sẽ trở nên gay gắt khi có thêm doanh nghiệp bước vào những ngõ ngách kinh doanh này.

Trong trường hợp CAP, do đặc điểm mẫu mã chất lượng vàng mã tại Đài Loan rất đặc biệt nên các sản phẩm đó không thể tiêu thụ được trong nước. Triển vọng xuất khẩu sang Đài Loan, theo CTCK Vietcombank (VCBS), cũng khó phát triển trong dài hạn bởi cầu có hạn và cung ngày càng nhiều.

Với CAP, dù vẫn đang đều tay thu “vàng” từ xuất khẩu vàng mã, giấy đề, DN này đã thấy được sức cạnh tăng lên nên đã và đang phát triển thêm các sản phẩm nông sản khác.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, với các doanh nghiệp đi theo thị trường ngách, người lãnh đạo phải tập trung vào thị trường nhỏ bé của mình, tập trung vào thế mạnh mình sở hữu, càng tránh được sự dàn trải càng tốt.

Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang đang mở thêm tuyến Côn Đảo - Sóc Trăng, còn Cáp treo Núi Bà Tây Ninh trong 6 tháng đầu năm không còn doanh thu bán hàng từ mặt hàng bia.

Chọn thị trường ngách, chọn một điều khác biệt giúp DN thành công. Tuy nhiên, để duy trì được sự thành công thì các DN vẫn phải đảm bảo vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực này, đồng thời làm sao tránh được các rủi ro liên quan tới chính sách, tới chất lượng và môi trường.

Theo VietNamNet


Đại gia Việt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.