Siêu thị điện máy: Cơn cuồng chạy đua, những cú đột tử

Gần 200 siêu thị và cửa hàng điện máy, công nghệ mới, được dựng lên trong năm 2015 là kết quả cuộc đua mở điểm “thần tốc”

Gần 200 siêu thị và cửa hàng điện máy, công nghệ mới, được dựng lên trong năm 2015 là kết quả cuộc đua mở điểm “thần tốc”, khiến cuộc đua trên thị trường bán lẻ điện máy thêm phần khốc liệt.

Ngay đầu năm 2015, giới kinh doanh điện máy đã chứng kiến cái chết của một thương hiệu đình đám là TopCare. Siêu thị này đột ngột ra đi ngay giữa lúc bán lẻ điện máy đang rầm rộ đón mùa mua sắm lớn nhất trong năm, là Tết Nguyên đán. Tất cả các điểm bán hàng đóng cửa và cái tên TopCare bị “khai tử”, ôm theo một đống nợ nần, gây bàng hoàng cho nhiều người.

“Thần tốc” siêu thị mới

Tuy nhiên, cái chết của TopCare không hề làm giới kinh doanh điện máy run tay. Kẻ đi thì có người đến. Năm 2015 có sự xuất hiện của gương mặt mới Vingroup, với 2 thương hiệu là Vinpro và Vinpro+. Công ty CP Thế giới Di động đầu tư mạnh mẽ cho chuỗi siêu thị điện máy Xanh, còn Công ty CP Thế giới số Trần Anh thì đổ tiền cho các đại siêu thị,...

Kết quả là hàng loạt các siêu thị điện máy mới “thần tốc” ra đời. VinPro & VinPro+ trong 9 tháng đầu năm 2015 đã đưa vào hoạt động 100 trung tâm Công nghệ điện máy và cửa hàng công nghệ tại hơn 30 tỉnh thành. Điện máy Xanh trong năm 2015 đã mở gần 70 siêu thị theo mô hình cửa hàng tiện lợi trên cả nước. Trần Anh, cũng ồ ạt mở 9 đại siêu thị, tại khu vực phía Bắc,... Duy nhất một DN không tham gia mở siêu thị mới trong năm 2015 là Pico. DN này chỉ có 4 siêu thị tại Hà Nội và 2 siêu thị liên kết tại địa phương.

Siêu thị điện máy, doanh nghiệp điện máy, TopCare, topcare bị khai tử, kinh doanh điện máy, thị trường điện máy, bán lẻ, siêu-thị-điện-máy, doanh-nghiệp-điện-máy, topcare-bị-khai-tử, thị-trường-điện-máy, kinh-doanh-điện-máy
Các DN điện máy trong cuộc đua mở điểm mới

Mật độ siêu thị điện máy trở nên dày đặc, không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà tại các địa phương, những trục đường, ngã tư chính, nhiều nơi có tới 3-4 siêu thị. Ngày nào cũng điệp khúc khuyến mãi giảm giá,...

Các số liệu thống kê cho thấy, thị trường điện máy Việt Nam năm 2015 có mức tăng trưởng từ 20% đến trên 30% tùy từng ngành hàng, với doanh số hơn 120.000 tỷ đồng. Trong đó, điện thoại di động là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất, trên 30%. Các mặt hàng khác như laptop, máy tính bảng, điện tử, điện lạnh tăng 20% trở lên. Việt Nam cũng lọt top 5 thị trường điện máy tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Lợi nhuận bèo bọt

Năm 2015, hầu hết DN bán lẻ điện máy đều dự kiến có doanh thu "khủng" tầm cỡ từ 1.500 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, doanh số cao mà lợi nhuận không cao. Theo giới chuyên môn, tỷ suất lợi nhuận bình quân ngành điện máy chỉ khoảng 3%, nhưng rất ít DN đạt được mức này.

Trong số ít ỏi các báo cáo tài chính công khai, chỉ có Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động cho biết, 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu đạt 17.506 tỷ đồng, tăng trưởng 62% so với cùng kỳ 2014, lợi nhuận sau thuế đạt 744 tỷ đồng, cao hơn so với lợi nhuận bình quân ngành.

Còn lại đều rất thấp, hoặc không có lợi nhuận. Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2015 của Công ty CP Thế giới số Trần Anh cho thấy, tổng doanh thu của Trần Anh đạt gần 2.474 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 11,9 tỷ đồng. Ước tính cả năm, doanh số của Trần Anh đạt khoảng 4.000 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế khoảng 15 tỷ đồng. Tính ra, lợi nhuận đạt chưa tới 0,3%, thấp xa so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Siêu thị điện máy, doanh nghiệp điện máy, TopCare, topcare bị khai tử, kinh doanh điện máy, thị trường điện máy, bán lẻ, siêu-thị-điện-máy, doanh-nghiệp-điện-máy, topcare-bị-khai-tử, thị-trường-điện-máy, kinh-doanh-điện-máy

Doanh số của các công ty điện mát cao mà lợi nhuận không cao.

Đa số DN điện máy khác chỉ công bố doanh thu mà không đề cập tới lợi nhuận.

Thi nhau mở điểm khiến chi phí tăng, đẩy những DN phụ thuộc nhiều vào vốn vay không tránh khỏi khốn khó. Tất cả các DN bán lẻ điện máy đều đang có khoản vay lớn từ ngân hàng. DN thấp cũng khoảng 400 tỷ, DN cao tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Mới chỉ bắt đầu

Mặc dù vậy, cuộc đua mở siêu thị mới chỉ bắt đầu. Các DN cho biết năm 2016, thị trường điện máy vẫn có tốc độ tăng trưởng nhanh, có thể đạt doanh số khoảng 800 triệu USD/năm. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục bước đi mở rộng tầm bao phủ, sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để mở rộng mạng lưới.

Trần Anh cho hay tháng 1/2016 sẽ khai trương thêm 3 siêu thị lớn tại các địa phương phía Bắc, nâng tổng số siêu thị lên 24, sau đó là tiến tới mở tại miền Trung và miền Nam khoảng 10 siêu thị lớn nữa trong năm 2016.

Pico năm 2016 cũng tham gia “cuộc chiến” mở rộng mạng lưới. Tháng 1/2016, công ty khai trương 1 siêu thị lớn với diện tích 2.500m2 tại Tôn Đức Thắng (Hà Nội), tiếp đó sẽ mở thêm khoảng 5 siêu thị lớn nữa tại Hà Nội và bổ sung thêm 6 siêu thị tại các địa phương.

Đến cuối năm 2016, VinPro, Điện máy Xanh, Media Mart,... cũng tiếp tục phủ sóng bằng nhiều siêu thị mới.

Với số lượng siêu thị mở ra nhiều, trên địa bàn rộng khắp cả nước, trong thời gian ngắn, thì việc tuyển chọn, đào tạo nhân viên; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ hậu cần, vận tải, chăm sóc khách hàng và nâng cao năng lực quản lý, hoàn toàn không dễ dàng với các DN bán lẻ hiện nay.

Các DN đều biết điều này, nhưng vẫn cho rằng, "cuộc đua" mở điểm sẽ quyết định tất cả. Thị trường đang tăng nhanh, trong khi chưa có DN nào chiếm thị phần tuyệt đối. Do đó cần nhanh chóng “phủ sóng”để giành ưu thế, thu hút thêm khách hàng, tăng doanh số.

Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.