Thưởng Tết và nợ lương

Thưởng Tết, nhiều người lao động không dám mơ vì họ bị nợ lương tới nửa năm trời. Với họ, được trả lương đúng hạn đã là thưởng Tết rồi.

Thưởng Tết, nhiều người lao động không dám mơ vì họ bị nợ lương tới nửa năm trời. Với họ, được trả lương đúng hạn đã là thưởng Tết rồi.

Năm sắp hết Tết cũng sắp đến. Những ngày này, người làm công ăn lương lại ngóng chờ tiền lương và thưởng Tết để trang trải các công việc trong gia đình và quan trọng là để có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm, đặc biệt là cho các cháu nhỏ. Thế nhưng, năm nay tình hình kinh tế dường như khó khăn hơn khi mà tình trạng nợ lương không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp mà cả ở các cơ quan Nhà nước.

Trước thực trạng một số cơ quan Nhà nước nợ lương, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước để không xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ. Bộ Tài chính cũng yêu cầu tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm xe ô tô và trang thiết bị đắt tiền. Đặc biệt, phải quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước và chi chuyển nguồn sang năm sau.

Cũng liên quan đến vấn đề tiền lương, thưởng lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có văn bản yêu cầu Sở Lao động các tỉnh chủ động nắm tình hình nợ lương năm nay và kế hoạch thưởng Tết cho người lao động, gửi về Bộ trước ngày 30/12 tới.

Hệ thống lương, thưởng của cán bộ công chức và công nhân lao động trong các doanh nghiệp hoàn toàn độc lập và khác nhau nhưng có một điểm chung đó là giá trị sức lao động của những người làm công ăn lương. Chưa nói đến thưởng, lương là giá trị cốt yếu để duy trì cuộc sống của tất cả các gia đình làm công hưởng lương.

Thế nhưng, đến thời điểm gần hết năm, nhiều cơ quan, doanh nghiệp nợ lương người lao động từ 3-6 tháng.

Thực tế này khiến người lao động không dám “mơ” đến tháng lương thứ 13. Họ chỉ mong chủ sử dụng lao động trả lương đúng hạn.

Đồng lương gắn liền với cuộc sống của cả gia đình họ nên chuyện nợ lương là vấn đề không chỉ của doanh nghiệp mà là nỗi lo sống còn của người lao động.

Nhiều người lao động còn bị nợ lương, không dám mơ đến thưởng tết. Ảnh minh họa.

Nhiều người lao động còn bị nợ lương, không dám mơ đến thưởng Tết. Ảnh minh họa.

Còn với cán bộ, công chức thì sao? Trên  các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin về cơ quan a, đơn vị sự nghiệp B nợ lương cán bộ công chức, viên chức không phải là chuyện lạ, chuyện “giật gân” nữa.

Nhiều người bảo, với cách chi tiêu, quản lý tài chính như hiện nay, các cơ quan này không nợ lương mới là chuyện lạ!?

Đi tìm nguyên nhân của chuyện nợ lương thì nhiều lắm nhưng suy cho cùng vẫn là chuyện của những nhà quản lý, điều hành chưa biết “liệu cơm gắp mắm”, chi đầu tư vượt quá khả năng hoặc đầu tư quá nhiều chương trình, mục tiêu theo kiểu “rải mành mành” ăn lẹm cả vào phần chi thường xuyên, chi cho con người và cũng có khi do bộ máy hành chính quá cồng kềnh, không hiệu quả nên tình trạng “làm một đồng chi đồng rưỡi, hai đồng” xảy ra ở nhiều nơi.

Chẳng cần phải tìm đâu xa, ở ngay các địa phương cũng đã thấy cảnh “kẻ khóc, người cười”. Cuối năm, nơi thì đua nhau đi nước ngoài tham quan, học tập; nơi thì thâm thủng ngân sách chẳng còn tiền để trả lương...

Làm cả năm chỉ để lo mấy ngày Tết. Cái Tết cổ truyền giờ đây dù đã được giản tiện đi rất nhiều nhưng vẫn khiến nhiều người sợ Tết. Doanh nghiệp thì sợ phải lo tài chính để trả người lao động về quê ăn Tết. Người lao động thì sợ bị nợ, chậm lương, sợ không có thưởng Tết thì lấy đâu ra tiền để lo cho gia đình, con cái?

Tết về trăm mối lo đổ lên đầu người lao động. Năm nay, nỗi lo về lương và thưởng lại được “nhận rộng” ra cả với những người làm trong cơ quan Nhà nước.

Chưa có công bố cuối cùng nhưng nhiều cán bộ, viên chức cũng đã không dám mơ đến thưởng Tết nguyên đán. Trong tình hình hiện nay, nhiều người lao động chỉ trông mong được trả lương đúng hạn. Đó cũng đã là thưởng Tết rồi.

Theo VOV



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.