Một vài kinh nghiệm phỏng vấn visa đi Mỹ

Phỏng vấn visa đi Mỹ là một việc khá xa lạ với nhiều người. Nhất là khi các bạn trẻ đi du học, khâu này cũng là một bước mới mẻ đòi hỏi các bạn trẻ phải chuẩn bị nhiều về giấy tờ liên quan và tâm lý.

Phỏng vấn visa đi Mỹ là một việc khá xa lạ với nhiều người. Nhất là khi các bạn trẻ đi du học, khâu này cũng là một bước mới mẻ đòi hỏi các bạn trẻ phải chuẩn bị nhiều về giấy tờ liên quan và tâm lý. Hy vọng bài chia sẻ sau sẽ giúp ích các bạn có ý định du học Mỹ.

Chắc ai cũng biết Mỹ gần như là nước khó xin visa nhất. Visa thông thường được chia làm hai loại: visa định cư và visa không định cư. Hôm nay, chúng tôi sẽ chia sẻ về visa không định cư (bao gồm visa du học, tu nghiệp, công tác, du lịch, thăm thân nhân...).

Đây hoàn toàn không phải kinh nghiệm bởi kinh nghiệm của chúng tôi là... đừng bao giờ nghe theo kinh nghiệm của người khác. Một ví dụ: Có cô kia 30 tuổi, sở hữu 3 căn nhà, 1 ô tô, chủ một doanh nghiệp. Vì quá muốn đi Mỹ du lịch một lần cho biết với người ta nên cô nghe theo những kinh-nghiệm rằng phải mua tour, phải từng đi Châu Âu, Nhật hay những nước giàu giàu trước đó, phải mang những chứng nhận công việc và tài sản càng nhiều càng tốt, phải thật tự tin,... Với cô, những chuyện này như trở bàn tay. Khi cô vào phỏng vấn, đây là những gì tôi nghe được từ tuỳ viên lãnh sự Mỹ và cô:

- Em đi Mỹ làm gì?
- Em du lịch kết hợp thăm em gái. 
- Em đi bao lâu?
- Em du lịch ba tuần theo tour và thăm em gái một tuần. 
- Trong vòng chỉ từ tháng 12 đến nay mà em đi cả châu Âu, Nhật rồi Hàn Quốc. Sao đi nhiều vậy? Thời gian đâu làm việc?
- Vì năm sau em rất bận nên năm nay em rảnh, em tranh thủ đi chơi. 
- Xin lỗi em.

Ông ta từ chối mà không cần xem bất cứ giấy tờ gì trong cái đống cô mang theo. Cô bất ngờ quá nên hỏi tại sao mình rớt. Ổng không trả lời và lạnh lùng mời người kế tiếp. Cô khóc tại chỗ.

Mỹ là vậy, không nói nhiều.

Tôi thấy cô tự tin lắm và hoàn toàn không biết tại sao mình rớt.

Dễ hiểu thôi mà. Nhìn cái cách của cô, người ta biết ngay là cô đã làm mọi cách để có thể đậu visa. Và người ta đặt một dấu hỏi lớn: Tại sao cô này lại quá thiết tha đi Mỹ như vậy?

Nôm na là vầy, tất cả tuỳ viên lãnh sự khi đối diện một ai đó xin visa không định cư vào Mỹ, họ đều được huấn luyện rằng phải xem tất cả họ là những người muốn ở lại Mỹ. Và việc của người đi xin visa đơn giản là chứng minh điều ngược lại. Nếu họ được thuyết phục bởi sự chứng minh ấy, họ sẽ đồng ý. Sự chứng minh này gồm những gì? Đó là tài sản và sự ràng buộc của bạn tại Việt Nam; đó là tác phong, thần thái và tâm lý của bạn khi đối diện họ. Bạn chỉ có một vài phút ngắn ngủi để làm điều này mà thôi. Vì vậy, hãy làm nó tốt nhất có thể. 

1 Chuẩn bị hồ sơ:
- Tài sản: Tất nhiên là càng hoành tráng càng tốt. Nói chung là có bao nhiêu đem theo hết. Đôi khi họ chẳng mượn xem đâu, nhưng chắc chắn họ sẽ nhìn.
- Những ràng buộc: Về gia đình như giấy đăng ký kết hôn, khai sinh của con, hộ khẩu có cha mẹ già yếu,... Về công việc như giấy phép kinh doanh, hợp đồng lao động, bảng lương,...
- Sự bảo lãnh ở Mỹ: Thư mời của đối tác, thư bảo lãnh chuyến đi của thân nhân,...
Những đòi hỏi này thường là rất khó với những người đang trong độ tuổi lao động. Người già đi thăm con cháu sẽ dễ hơn nhiều. 

2 Chuẩn bị tâm lý (điều này quan trọng hơn cả)

Bạn đừng cố tỏ ra gì cả. Phải thật tự nhiên. Mấy người phỏng vấn bạn không có như mấy cậu Tây ba lô bạn thấy ngoài đường đâu... Tất cả họ đều được đào tạo rất vững vàng về tâm lý học. Họ quan sát bạn ngay từ lúc bạn vừa bước vào cổng đến lúc lấy vân tay, ngồi đợi và xếp hàng. Chỉ là bạn không biết điều đó thôi. Tất cả những biểu hiện bất thường về cử chỉ hay nét mặt đều được ghi nhận trước cả khi bạn vào quầy phỏng vấn trực tiếp.

- Phải thật thoải mái, không quá căng thẳng và đừng quá quan trọng việc đậu hay rớt.

- Nên đem theo tờ báo hay quyển sách để ngồi đọc trong lúc chờ đợi. Phải thật tránh việc lấy hồ sơ ra xem đi xem lại kiểu dò bài trước khi thi.

- Nếu hồi hộp toát mồ hôi tay, nên kín đáo lau nó trước khi lấy dấu vân tay. Tay ướt hoặc run sẽ phải lấy dấu nhiều lần. Điều này cũng được âm thầm ghi nhận.

- Nếu không đọc gì thì thỉnh thoảng cũng nên thoải mái mỉm cười nhẹ

- Đừng nên nhìn đống giấy tờ hoành tráng của người khác, so sánh rồi hoang mang. Những thứ ấy đôi khi là con dao hai lưỡi, như với cô gái 30 nêu trên.

3 Chuẩn bị trang phục:

Gọn gàng lịch sự nhưng cũng đừng trịnh trọng quá như áo dài kim sa hoặc đồ vest cứng ngắt. Phụ nữ nên ăn mặc kín đáo, trang điểm nhẹ. Đàn ông hay nhất là quần tây, sơ mi và cà vạt. 

4 Trả lời phỏng vấn:
- Khi tới lượt bạn, nên bước vào chủ động chào họ. Nhiều người vì quá hồi hộp mà quên nguyên tắc ứng xử tối quan trọng này. Và nên đính kèm theo đó một nụ cười.

- Họ đối diện bạn nên khi đưa giấy tờ gì đó, bạn nên quay ngược lại trước khi đưa để họ không phải mất công quay lại mà đọc. Cái này thuộc về sự tinh tế. Mà chắc ai cũng biết thiện cảm có được từ người đối diện, phần lớn bởi sự tinh tế của họ.

- Trả lời rõ ràng, nhanh và dứt khoát. Âm lượng khá một chút vì cách một tấm kính chống đạn. Lắp bắp, ậm ừ hay ú ớ sẽ bị mất điểm ngay. Họ sẽ không dành cho bạn nhiều thời gian đâu. Vì vậy, hỏi gì trả lời nấy. Đừng nên giải thích dông dài. Nếu muốn vậy, nên hỏi xem họ có muốn nghe không.

- Nếu nghe không rõ, bạn có thể hỏi lại. Hãy đợi họ dừng câu hỏi trước khi trả lời.

- Nếu không tự tin vào tiếng Anh của mình, hãy trả lời bằng tiếng Việt. Phần lớn họ nói được tiếng Việt. Nếu không, sẽ có người phiên dịch đứng bên cạnh. Lưu ý: cũng phải nên chào người này.

- Nên nhìn vào mắt người phỏng vấn mình, mặc kệ họ nhìn đi đâu.

- Trả lời thật trung thực, tuyệt đối trung thực. Hãy nên nhớ rằng người Mỹ là bậc thầy về kiểm chứng và xác nhận thông tin. Đừng mong qua mặt họ, dù chỉ một chút. Đôi khi chỉ cần một lời nói dối sẽ đóng vĩnh viễn cánh cửa vào Mỹ của bạn.

- Nếu xin đi du lịch, nên xin hai tuần là vừa. Sau đó thì ở bao nhiêu là chuyện của tương lai.

- Phải trả lời KHÔNG thật nhanh và dứt khoát nếu được hỏi có ý định ở Mỹ luôn hay không, hoặc nếu được cho phép ở.

- Những câu hỏi của họ thường rất đơn giản và dễ hiểu, không đánh đố. Vì vậy, vấn đề thường ít nằm ở câu trả lời mà là cách trả lời.

- Nếu rớt, phải bước ra ngay mà không hỏi thêm gì.

Thật ra, đôi khi cũng có may rủi ở đây. Tuỳ viên lãnh sự dù được đào tạo như nhau nhưng họ cũng là con người nên đôi khi cũng rất cảm tính. Nhưng, nếu bạn tự tin (đừng thái quá), chuẩn bị đầy đủ (những gì mình có thôi, đừng so với thiên hạ) và trung thực thì cho dù gặp người dễ hoặc khó, bạn cũng sẽ được congratulations thôi.

Nếu bạn nghe họ nói “congratulations” ngay lúc đó hãy mỉm cười và cám ơn, đây là một động thái lịch sự nên làm.

Theo Phan Cao (Sưu tầm)/Motthegioi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.