Sự bi thảm của ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc

Bức tranh chung của ngành công nghiệp phim ảnh ở Trung Quốc bị cho là ảm đạm trong năm 2019 khi phải đối diện với tình trạng thua lỗ, diễn viên thất nghiệp.

Bức tranh chung của ngành công nghiệp phim ảnh ở Trung Quốc bị cho là ảm đạm trong năm 2019 khi phải đối diện với tình trạng thua lỗ, diễn viên thất nghiệp.

2019 là một năm buồn của ngành công nghiệp phim ảnh Trung Quốc. Doanh thu sụt giảm, bom tấn thất bát, các công ty điện ảnh đóng cửa, làm ăn thua lỗ và tình trạng diễn viên thất nghiệp gia tăng là những gì mà thị trường phim lớn nhất châu Á và đứng thứ 2 thế giới đang phải trải qua.

Thời kỳ đóng băng

Theo thống kê của Securities Daily, trong 3 quý đầu năm 2019, chỉ có 646 bộ phim truyền hình được sản xuất với tổng cộng 24.617 tập phim, giảm gần 30% so với cùng kỳ được ghi nhận vào năm 2018 là 886 bộ phim với tổng cộng 35.209 tập.

Số liệu công bố trên trang web chính thức của Hoành Điếm cũng cho thấy tình trạng ảm đạm của thị trường phim Trung Quốc. Tính đến ngày 21/11, chỉ có 21 bộ phim được bấm máy tại phim trường này và không có bất kỳ tác phẩm cổ trang nào được quay. So với năm 2018, tỷ lệ phim khai máy ở Hoành Điếm giảm hơn 45%.

Sự bi thảm của ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc-1
Nhiều người bắt ghế ngồi đợi trước cửa Cục dịch vụ diễn viên Hoành Điếm chờ đợi ê-kíp làm phim đến chiêu mộ diễn viên.

Không chỉ có phim truyền hình đối diện với cảnh sa sút, lĩnh vực điện ảnh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu phòng vé ở Trung Quốc đạt hơn 4 tỷ USD, giảm gần 9% so với năm 2018.

Theo thống kê, có 246 bộ phim được phát hành tại Trung Quốc trong nửa đầu 2019, tăng 18 phim so với cùng kỳ năm trước. Nhưng chỉ đúng 6 phim vượt qua mốc doanh thu 145 triệu USD là Avengers: Endgame, Bumblebee, Captain Marvel, Wandering Earth, Crazy Alien và Pegasus.

Doanh thu các tác phẩm nội địa cũng chỉ chiếm 47,5% toàn bộ doanh thu 6 tháng đầu 2019 với con số 2,15 tỷ USD. Con số này giảm hơn 10% so với nửa đầu 2018.

Theo số liệu công bố trên Tân Hoa Xã, chỉ trong năm 2019 đã có hơn 1884 hãng phim phải ngừng hoạt động hoặc bị thanh lý. Sáu công ty điện ảnh và truyền hình lớn nhất Trung Quốc là Bắc Kinh Văn hóa, Hoa Nghị huynh đệ, Vạn Đạt… cũng lần đầu tiên trong lịch sử báo lỗ.

Trong đó, công ty Hoa Nghị huynh đệ được gọi là “bá vương thua lỗ” khi thất thu hơn 46 triệu USD, cổ phiếu rớt giá thấp hơn một nửa so với cùng kỳ hàng năm. Để tháo gỡ khó khăn đơn vị này buộc phải chuyển nhượng, thế chấp cổ phần, tài sản nhằm vay tiền cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính phủ.

Sự bi thảm của ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc-2
Bộ đôi CEO Vương Trung Quân và Vương Trung Lỗi (trong ảnh) phải thế chấp tài sản để cứu công ty Hoa Nghị thoát khỏi khủng hoảng.

Ba nền tảng video trực tuyến lớn nhất Trung Quốc là Tencent, Youku, Iqiyi cũng không thoát khỏi cơn bão khủng hoảng khi đều chịu lỗ trong năm 2019.

Thị trường phim Trung Quốc đang trải qua quãng thời gian ảm đạm, giới quan sát cho rằng tương lai phía trước vẫn rất mù mịt. Ước tính trong năm 2020 sẽ có hơn 95% công ty trong số hàng chục nghìn công ty truyền hình và điện ảnh tại Trung Quốc bị xóa sổ do không thể kêu gọi vốn đầu tư. Đây là một hiện tượng bị đánh giá tiêu cực đối với sự phát triển phim ảnh ở đất nước tỷ dân.

Bị chính sách “thắt lưng buộc bụng” kìm hãm

Theo QQ, ảnh hưởng từ vụ bê bối trốn thuế của các siêu sao trong năm 2018 đã khiến giá cổ phiếu của ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình Trung Quốc lao dốc không phanh.

Không chỉ vậy, hàng loạt các chính sách kiểm duyệt, thắt chặt thù lao diễn viên, kiểm soát vốn đầu tư nước ngoài, hoàn thuế… do các cơ quan cấp cao ban hành cũng vô tình tạo nên một vòng luẩn quẩn, kìm hãm sự phát triển của thị trường phim ảnh đất nước tỷ dân.

Trong đó, nguyên nhân chính nằm ở việc siết chặt khâu kiểm duyệt phim. Theo QQ, hiện tại phía Tổng cục điện ảnh không còn là cơ quan duy nhất tham gia vào quá trình xét duyệt các tác phẩm phim ảnh. Việc này còn có sự tham gia của Ban Tuyên giáo Trung ương CPC. Trong đó, quyết định phim có “qua ải” hay không cũng chủ yếu thuộc về Ban Tuyên giáo.

Sự bi thảm của ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc-3
Các cơ quan cấp cao Trung Quốc siết chặt khâu quản lý nội dung phim.

Mùa hè vừa qua - thời gian vàng để kiếm tiền của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc, Sohu cho hay đã hơn chục bộ phim bị cấm chiếu khi được mang đi xét duyệt mà không rõ lý do. Điều này đã khiến không ít các hãng phim lao đao, phải thay thế chúng bằng các bộ phim nhập khẩu để có tiền tái đầu tư trong lúc phim vừa sản xuất bị đắp chiếu.

Không chỉ các công ty phim ảnh vừa và nhỏ bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất uy tín cũng không thoát khỏi “móng vuốt” kiểm duyệt nghiêm ngặt của các cơ quan phía trên. Hoa Nghị huynh đệ là một ví dụ.

Công ty này đã dốc vốn đầu tư vào hai tác phẩm Bát bách và Điều ước bé nhỏ, nhưng đều bị cấm ra rạp. Trong đó, Bát bách - phim có nội dung liên quan đến chiến tranh Trung - Nhật bị Tổng cục cấm chiếu vĩnh viễn. Điều này khiến công ty Hoa Nghị huynh đệ lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Tờ Opinion nhận định: “Việc kiểm soát nội dung phim quá chặt chẽ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lịch phát hành của một số tác phẩm. Điều này dẫn đến việc phá vỡ hoạt động của ngành công nghiệp phim ảnh, tăng nguy cơ nợ xấu, phá sản và trực tiếp đẩy thị trường Trung Quốc bước vào một chu kỳ tồi tệ”.

Những tên tuổi lớn thất nghiệp

Phim giảm đồng nghĩa với việc nhiều diễn viên không có tác phẩm để quay và rơi vào tình trạng thất nghiệp dài hạn. Theo Tân Hoa Xã, sau những bê bối trốn thuế, gian lận hợp đồng của các ngôi sao, 90% không gian sống của các nghệ sĩ đã bị siết chặt.

Trong đó, tổng chi cho các diễn viên về thù lao không được vượt quá 40% kinh phí sản xuất phim. Việc thu thuế cũng đang đánh mạnh vào túi tiền của các nghệ sĩ nước này, khi trước đây, các nghệ sĩ chỉ phải nộp mức thuế là 6,7% thu nhập thì nay con số này đã tăng lên 42%.

Nay lại cộng với việc thị trường phim ảnh ảm đạm càng làm cuộc sống của nhiều diễn viên, đặc biệt là "diễn viên vùng eo" - hạng 3, 4 thiếu kinh nghiệm, kém tên tuổi càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Sự bi thảm của ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc-4
Các diễn viên ít tên tuổi được cho là sẽ đối diện với vô vàn khó khăn trong cuộc sống giữa bối cảnh thị trường phim ảnh bước vào thời kỳ ảm đạm.

Lưu Soái - một diễn viên thành danh từ chương trình Tạp kỹ phái cho biết thu nhập năm vừa qua của anh chưa đến 15.000 USD. Con số này thấp hơn hẳn mọi năm. "Tiền thuê phòng của tôi khoảng 700 USD mỗi tháng. Nếu cứ thất nghiệp thế này tiền ăn còn không có nói gì đến việc trả tiền nhà", anh tâm sự.

Chu Lục La - một nam diễn viên phụ khác cũng cho hay nửa năm qua anh đã không nhận được bất kỳ một kịch bản nào, dù trước đây Lục La từng là học bá nổi danh luôn đứng đầu Học viện Hý kịch Trung ương. Anh chia sẻ rất nhiều đồng nghiệp của mình vì không thể chịu đựng nổi cảnh khổ đã trở về nhà mở nhà hàng buôn bán, trong khi những người khác lại trôi dạt đến Bắc Kinh tìm việc.

Không chỉ có "diễn viên vùng eo" gặp khó khăn, mà các diễn viên đã vươn lên hàng sao trong giới giải trí cũng đối mặt với tình trạng "ngồi chơi xơi nước".

Hải Thanh - nổi tiếng với vai Chung Ninh trong Ngọc Quan Âm thẳng thừng nói với ký giả tại LHP FIRST International Film Festival rằng: "Không có phim để quay". Diêu Thần lại chia sẻ với cô đây là thời điểm loay hoay và khó xử nhất trong sự nghiệp vì gần cả năm nay vẫn chưa nhận được bất kỳ một kịch bản nào đến tay.

Tương tự hai đàn chị, dù là người đẹp 9X nổi tiếng bậc nhất hiện nay, song Địch Lệ Nhiệt Ba cũng tâm sự không nhận được vai diễn trong 7, 8 tháng.

Thậm chí trong các show truyền hình Nhiệt Ba tham gia, cô đều phải công khai nói rằng bản thân mình rất rảnh rỗi trên sóng với hy vọng kịch bản mới sẽ mau tới tay. Nhưng cũng phải đợi đến tận tháng 10, người đẹp Tân Cương mới có thể đóng phim trở lại với tác phẩm Định chế tình yêu cao cấp.

Sự bi thảm của ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc-5Sự bi thảm của ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc-6
Là ngôi sao tên tuổi trong giới giải trí, Diêu Thần (trái) và Địch Lệ Nhiệt Ba vẫn phải chịu cảnh thất nghiệp.

Đài truyền hình CCTV mới đây cũng đã làm một chuyến đi thực địa đến phim trường Hoành Điếm vào thời điểm cuối năm để xem xét tình hình tại đây giữa bối cảnh thị trường phim ảnh lãnh đạm.

Diễn viên ít tên tuổi tự tìm đường sống

Theo ghi nhận của các ký giả rất nhiều diễn viên quần chúng ở Hoành Điếm đã tụ tập thành những nhóm nhỏ, tự lên kịch bản và quay phim cho nhau, tạo thành các video ngắn đăng lên các trang mạng trực tuyến để kiếm tiền.

"Mỗi ngày nhóm của tôi quay từ 10 đến 20 video. Thu nhập hàng tháng có thể kiếm được khoảng 1.500 USD. Thà làm như vậy mà có tiền còn hơn là ngồi không, mòn mỏi chờ phim ở Hoành Điếm", Nhất Cương cho hay.

Trong khi đó, để đối phó với tình trạng ế kịch bản, nhiều ngôi sao đã chuyển hướng sang xây dựng "sự nghiệp thứ 2'' thông qua việc kinh doanh, livestream bán hàng, tự mình đầu tư - sản xuất phim.

Nữ diễn viên mới nổi Mễ Mị gần một năm qua chỉ nhận được đúng duy nhất một vai diễn, không phải vai chính, nhưng người đẹp sinh năm 1993 vẫn có một cuộc sống sung túc nhờ kiếm được khoản thu nhập đáng kể thông qua việc livestream bán quần áo trên mạng xã hội.

Sự bi thảm của ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc-7
Mễ Mị dựa vào việc livestream bán hàng online để duy trì cuộc sống.

Với việc nhà đầu tư thắt chặt tài trợ cho phim ảnh và truyền hình. Cùng với đó các chính sách thắt lưng buộc bụng trên nhiều phương diện từ phía Cục, không chỉ các diễn viên kém tên tuổi gặp khủng hoảng nghề nghiệp, mà cả các ngôi sao thành danh cũng phải đối mặt với các vấn đề nan giải.

"Cho nên, việc chuyển đổi hướng đi trong thời gian này được xem là nước cờ khôn ngoan với nhiều diễn viên để phòng rủi ro thất nghiệp dài hạn", QQ nhận định.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/su-bi-tham-cua-nganh-cong-nghiep-giai-tri-trung-quoc-post1022010.html?fbclid=IwAR11BdK72ThMbz45_v2UzEGaxeuPV0zrdv7lbV5n21qee-AleFLgwXSseCg

phim ảnh Trung Quốc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.